Tiếng Việt | English

06/02/2023 - 09:12

Không để xảy ra hành vi phản cảm trong mùa lễ hội

Sau những ngày Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 vui tươi, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm, chúng ta lại háo hức chào đón các lễ hội mùa xuân.

Trên địa bàn tỉnh có 3 lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đó là Lễ hội Làm Chay (huyện Châu Thành, tỉnh Long An), Lễ hội Vía Bà Ngũ Hành Long Thượng (huyện Cần Giuộc) và Đại lễ Kỳ Yên đình Tân Phước Tây (huyện Tân Trụ).

Bên cạnh đó, tỉnh còn một số lễ hội gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, thu hút đông đảo người dân đến tham dự như Lễ Vía miếu Quan Thánh Đế (phường 1, TP.Tân An); Lễ hội chùa Nổi (xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng); Lễ hội Kỳ yên tại các ngôi đình như đình Bình Cang (xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa), đình Phước Lý (xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc), đình Vạn Phước (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước),...

Sau 3 năm tạm dừng, năm nay, cùng với cả nước, nhiều lễ hội của tỉnh được chuẩn bị chu đáo kế hoạch tổ chức. Lễ hội Làm Chay đang diễn ra tưng bừng, sôi nổi như “cái tết” thứ hai của người dân trong vùng và du khách gần, xa. Tiếp đó là Lễ hội Vía Bà Ngũ Hành Long Thượng,...

Thời gian qua, các địa phương đã thực hiện tốt quy định của pháp luật về quản lý chuyên ngành và quy định của pháp luật có liên quan các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, lễ hội. Qua đó, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch, góp phần giáo dục truyền thống, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của người dân, nhất là sau thời gian dài gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các lễ hội còn góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phục hồi, phát triển KT-XH, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói riêng,…

Tuy nhiên, theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, tổ chức một số hoạt động lễ hội vẫn còn hạn chế, bất cập, gây dư luận không tốt trong xã hội./.

Trước tình hình đó, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về quản lý và tổ chức lễ hội; tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định của Chính phủ.

Cụ thể, thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định, bảo đảm các hoạt động lễ hội thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương. Tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa, phù hợp với thuần phong, mỹ tục; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển. Phát huy tính tích cực, sáng tạo của nhân dân trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Định hướng tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa giáo dục của lễ hội, di tích; vận động, thuyết phục người dân, du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội.

Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng mọi điều kiện để lễ hội diễn ra đảm bảo an toàn, không để xảy ra sai sót; bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy, nổ, vệ sinh môi trường; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; an toàn sông nước, thích ứng an toàn, phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19; đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội.

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, đánh bạc; tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm tràn lan gây tốn kém, lãng phí.

Đặc biệt, UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động, tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không dùng xe công và các phương tiện công tham gia lễ hội trong giờ hành chính (trừ trường hợp đang thực thi nhiệm vụ).

Các ngành chức năng, địa phương chỉ đạo ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội có phương án quản lý, sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch, đúng mục đích.

Lễ hội là một nét đẹp truyền thống trong đời sống văn hóa tinh thần, cần được bảo tồn và phát huy. Vì vậy, mọi người tham gia lễ hội cần thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa phù hợp với quy định của ban tổ chức lễ hội và pháp luật./.

Tân An

Chia sẻ bài viết