Tiếng Việt | English

23/06/2016 - 16:01

Không gì hơn tình thân!

Ông Trần Văn K., ngụ phường Tân Khánh, TP.Tân An, tỉnh Long An, hơn 62 tuổi, cháu nội, cháu ngoại đủ đầy. Thế nhưng, ông mới được mẹ là bà Ngô Thị L., 87 tuổi, ngụ phường 7, TP.Tân An, thừa nhận là con ruột, khi bà đang bệnh nặng. Một câu chuyện kết thúc có hậu tuy hơi muộn màng.

Ông K. cho biết: "Nghe bà nội kể lại, khi cha mẹ tôi lấy nhau, sinh ra tôi được 4 tháng thì 2 ông bà mâu thuẫn; mẹ ruột tôi là bà L. bỏ về nhà cha ruột là ông thầy Chín, ngụ phường 3, thị xã Tân An (cũ), nghe lời người thân nên bà từ bỏ tôi".

Do trước đây khi sinh con, bà L. không làm giấy khai sinh nên hiện nay, ông K. không có giấy tờ gì để chứng minh ông là con ruột bà L. Từ nhỏ đến lớn, ông K. sống bên nội, được ông bà nội nuôi dưỡng và lấy họ theo bà nội.

Bà L. nay đã nhận con

Khi lớn lên, ông đi lính, bị thương cụt một bàn tay. Sau khi lập gia đình và có con cái, ông K. cùng vợ con nhiều lần về thăm bà L., chăm sóc mồ mả cho ông bà ngoại. Tuy nhiên, do không thừa nhận ông K. là con ruột nên bà L. và người thân nhiều lần xua đuổi ông K. và vợ con ông với lời lẽ khó nghe khiến vợ con ông K. bức xúc.

Sau khi cha bà L. chết, bà L. sống cùng người em gái tên Ngô Thị Đ., nay cũng đã chết (bà Đ. có 4 người con, hiện những người này đang sống ở TP.HCM). Bà L. được cha mẹ để lại cơ ngơi khá lớn gồm gần 1ha đất nằm ven sông Bảo Định, nay thuộc phường 7, TP.Tân An. Bà L. chia hết đất đai cho 3 người cháu; còn giữ lại ngôi nhà và khoảng 500m2 đất, bà thừa kế lại cho người cháu trai (không vợ con) chăm sóc cho bà. Tuy nhiên, người này cũng bị bệnh tim chết cách đây ít lâu.

Anh G. - một hàng xóm cho biết: "Cách nay hơn nửa tháng, mấy người cháu chở bà L. từ TP.HCM về, lúc đó tưởng bà L. đã chết, họ giao lại cho ông K. với lý do họ lo hết nổi rồi! Trước tình cảnh đó, ông K. phải đến chăm sóc cho mẹ, dù trước đây luôn bị bà L. và gia đình bên ngoại hắt hủi".

Ông K. cho biết: "Vợ con tôi "buồn" bên ngoại nên họ bỏ tôi luôn; bây giờ, tôi già yếu lại bị thương tật nên chăm sóc cho mẹ rất vất vả; tuy nhiên, nay mẹ thừa nhận tôi nên tôi cảm thấy vui". Hiện nay, việc ăn uống của bà L. và ông K. hầu hết do sự giúp đỡ của bà con lối xóm, hoàn cảnh rất khó khăn mặc dù họ có ngôi nhà khá khang trang.

Theo tư vấn của luật sư: Việc nhận cha, mẹ cho con được thực hiện tại UBND cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận cha, mẹ, con. Nếu bên nhận và bên được nhận cha, mẹ, con còn sống và tự nguyện, không có tranh chấp. Người nhận cha, mẹ, con phải khai vào tờ khai theo mẫu và kèm theo (bản sao) giấy khai sinh của người con, các giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ là cha, mẹ, con (nếu có). Bên cạnh đó, Luật Hôn nhân Gia đình quy định, một người có thể yêu cầu tòa án xác định công nhận một người là con mình, hoặc cha, mẹ mình trong trường hợp cần thiết, tòa án yêu cầu trưng cầu giám định ADN để có căn cứ khoa học khi xét xử./.

Minh Đăng

Chia sẻ bài viết