Tiếng Việt | English

06/10/2020 - 10:00

Khu di tích lịch sử Quốc gia Khu vực đồn Long Khốt - Nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Khu di tích lịch sử (KDTLS) Quốc gia Khu vực đồn Long Khốt là nơi lưu dấu những cống hiến, hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Sư đoàn 5; các đơn vị phối hợp trong giai đoạn 1972-1975 và chiến công 43 ngày đêm của Bộ đội Biên phòng Long An trong bảo vệ biên giới Tây Nam năm 1978. Hiện KDT được đầu tư nâng cấp, một ngày không xa, nơi đây sẽ là điểm đến giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Lễ khởi công xây dựng các hạng mục trong khu di tích

Lễ khởi công xây dựng các hạng mục trong khu di tích

Nét son chói lọi

Long Khốt là địa danh thuộc xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, giáp biên giới Việt Nam - Campuchia. Trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Long Khốt là trọng điểm tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Từ tháng 6/1972 đến ngày 30/4/1975, Sư đoàn 5 đã phối hợp lực lượng địa phương Kiến Tường liên tục tấn công địch với nhiều trận đánh ác liệt, chịu nhiều mất mát, hy sinh để giải phóng bằng được tuyến ngăn chặn địch ở Đồng Tháp Mười.

Trong đó, tiêu biểu là 2 trận tấn công quy mô vào Chi khu Long Khốt (tháng 6/1972 và 4/1974) làm cho địch thiệt hại nặng. Riêng trận đánh vào chi khu năm 1974 thắng lợi, giải phóng hoàn toàn chi khu, khai thông tuyến hành lang biên giới. Hàng trăm CBCS của Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 và các đơn vị phối hợp đã nằm lại nơi đây.

Kháng chiến chống Mỹ kết thúc, mảnh đất vùng biên này chưa hưởng trọn vẹn niềm vui thống nhất thì cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Cứ điểm Long Khốt (nay là Đồn Biên phòng Long Khốt) thêm một lần nữa là điểm giao tranh rất ác liệt. Bọn Pol Pot đã tập trung lực lượng để chiếm cho được Long Khốt làm bàn đạp tấn công sâu vào hậu phương của ta.

CBCS đồn Long Khốt kiên trì bám trụ, khắc phục khó khăn, phối hợp các lực lượng vũ trang địa phương chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, ngăn chặn các mũi tiến công của địch, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. 

Trải qua 43 ngày đêm, từ 14/01 đến 27/02/1978, đồn Long Khốt đã đánh lùi 21 đợt tiến công của địch, chiến đấu 28 trận, tiêu diệt 55 tên địch và làm hàng chục tên khác bị thương.

Trong đợt chiến đấu ngoan cường này, với lực lượng mỏng, quân ta đã hy sinh 26 người (10 CBCS của đồn, 16 đồng chí đơn vị bạn) và 20 người bị thương. Cuộc chiến đấu anh dũng và sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Với những thành tích vẻ vang đó, ngày 20/12/1979, Đồn Biên phòng Long Khốt vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong quá trình sưu tầm, thống kê (chưa đầy đủ), giai đoạn 1972-1975, Sư đoàn 5 có 1.110 CBCS hy sinh trên chiến trường Long Khốt; trong đó, Trung đoàn 174 có gần 800 CBCS.

Hàng năm, cứ vào ngày 19-5 cấp ủy, chính quyền, bộ đội biên phòng, cựu chiến binh và người dân về đây tưởng nhớ Bác Hồ và giỗ liệt sĩ

Hàng năm, cứ vào ngày 19/5 cấp ủy, chính quyền, bộ đội biên phòng, cựu chiến binh và người dân về đây tưởng nhớ Bác Hồ và giỗ liệt sĩ

Điểm đến giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Tuấn Anh, để tri ân những người đã ngã xuống vì đất nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang, nhân dân tỉnh và các cựu chiến binh đã xây dựng nơi đây một đền thờ liệt sĩ, khắc ghi công lao của những người đã nằm xuống cho hòa bình hôm nay.

Hơn 10 năm qua, đúng vào dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), cấp ủy, chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng Long An, các cựu chiến binh và người dân khắp nơi về đây tưởng nhớ Bác Hồ và làm giỗ liệt sĩ, thả hoa đăng, thắp nén hương tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập, thống nhất nước nhà. Các cựu chiến binh cùng nhau ôn lại những kỷ niệm thời hoa lửa, kể chuyện truyền thống cho thế hệ trẻ nghe.

Năm 1997, DTLS Khu vực đồn Long Khốt được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh, đến năm 2019 được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Việc công nhận Khu vực đồn Long Khốt là DTLS cấp Quốc gia đã đáp lại sự mong mỏi của chính quyền, người dân và cựu chiến binh từng chiến đấu tại chiến trường Long Khốt năm xưa.

Đây là tài sản vật chất, tinh thần vô giá của quốc gia cần được phát huy trong giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, lòng yêu nước, đạo lý Uống nước nhớ nguồn. Thời gian qua, huyện Vĩnh Hưng có kế hoạch mở rộng diện tích, tích cực vận động, kêu gọi xã hội hóa đầu tư các hạng mục trong KDT. Thông qua sự giới thiệu, kết nối của Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 174 (Sư đoàn 5) và Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM, huyện Vĩnh Hưng đã mời gọi được nhà tài trợ là Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Dona - Coop) hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư.

Các hạng mục công trình gồm: Đền thờ, nhà khách, nhà ăn, nhà lục giác, cổng tam quan, tượng đài, tường rào, sân đường nội bộ, bến thả hoa đăng, cây xanh,… Công trình do Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Đại Nam (thành viên Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai). Thời gian thi công 3 tháng, dự kiến đến ngày 03/12/2020 hoàn thành.

“Đây là công trình có quy mô và ý nghĩa to lớn, mang tính lịch sử và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến tại Khu vực đồn Long Khốt. Sau khi hoàn thành, DTLS Quốc gia Khu vực đồn Long Khốt sẽ hòa cùng hệ thống các di tích văn hóa - lịch sử khác, trở thành một quần thể di tích văn hóa rộng lớn trên địa bàn huyện, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ; đồng thời, khẳng định chủ quyền lãnh thổ cũng như giao lưu, vun đắp tình hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam và Campuchia” - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Tuấn Anh cho biết./.

Trung Kiên

Chia sẻ bài viết