Tiếng Việt | English

26/02/2021 - 09:58

Kiểm soát chặt thị trường vật tư nông nghiệp

Công tác thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (VTNN) và nông, lâm, thủy sản luôn được ngành Nông nghiệp quan tâm chỉ đạo, triển khai, thực hiện nghiêm túc, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Công tác này được ngành Nông nghiệp phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cấp, các ngành thực hiện.

Ngành Nông nghiệp phối hợp công an kiểm tra vật tư nông nghiệp

Ngành Nông nghiệp phối hợp công an kiểm tra vật tư nông nghiệp

Qua kiểm tra vẫn phát hiện những vi phạm

Lĩnh vực VTNN, chất lượng nông sản luôn là vấn đề được người dân quan tâm. Trong nhiều cuộc tiếp xúc của đại biểu HĐND các cấp, đại biểu Quốc hội và đối thoại với chính quyền, nhiều cử tri bày tỏ lo ngại về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thú y, thủy sản giả mạo, kém chất lượng. “Đây là vấn đề dễ hiểu bởi liên quan đến sản xuất, lợi nhuận, sức khỏe của người dân. Hơn nữa, tỉnh có thế mạnh sản xuất nông nghiệp. Ngoài cây trồng chủ lực là lúa thì ở tỉnh còn có những vùng sản xuất chuyên canh như thanh long, chanh, rau. Mặt khác, tỉnh cũng phát triển chăn nuôi heo, bò” - ông Nguyễn Văn Lợi, ngụ xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, bày tỏ.

Từ những yêu cầu đặt ra, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: Công tác thanh, kiểm tra trong lĩnh vực nông nghiệp luôn được Sở quan tâm chỉ đạo triển khai, thực hiện nghiêm túc. Những năm qua, cứ vào cuối năm, Sở NN&PTNT chỉ đạo Thanh tra Sở và các chi cục trực thuộc xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra cho năm tới. Trước khi có kế hoạch cụ thể, danh sách doanh nghiệp dự kiến thanh, kiểm tra trong năm gửi Thanh tra tỉnh để tổng hợp, rà soát, tránh chồng chéo giữa các sở, ngành và địa phương.

Theo Sở NN&PTNT, qua thanh, kiểm tra, các hành vi vi phạm được phát hiện chủ yếu là buôn bán phân bón, thuốc BVTV sai nhãn hàng hóa; không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, thuốc BVTV không có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam; thuốc BVTV không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; hàng giả không có giá trị sử dụng; sản xuất phân bón không lưu hồ sơ kết quả thử nghiệm mẫu theo quy định; khu vực sản xuất có côn trùng gây hại xâm nhập; người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không đội mũ và đeo khẩu trang; kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa;...

Ngoài ra, vẫn còn phát hiện hành vi vi phạm đưa nước vào cơ thể gia súc trước khi giết mổ; giết mổ động vật không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; kinh doanh động vật không có giấy chứng nhận vệ sinh thú y; buôn bán thịt gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật. Song song đó, kinh doanh thuốc thú y không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam; lưu thông thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên thị trường khi chưa gửi thông tin đến Bộ NN&PTNT; không có chứng chỉ hành nghề thú y; hàng hóa đã hết hạn sử dụng;...

Thông tin từ Thanh tra Sở NN&PTNT, năm 2020, Thanh tra Sở và các chi cục trực thuộc đã tổ chức thanh tra 1.116 cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tiến hành thu 206 mẫu VTNN để phân tích kiểm tra chất lượng hàng hóa. Qua thanh tra, đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính 159 trường hợp vi phạm, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt gần 1,3 tỉ đồng.

Phân bón bày bán trên thị trường

Phân bón bày bán trên thị trường

Vẫn còn những khó khăn

Công tác thanh, kiểm tra kinh doanh, sản xuất VTNN, nông, lâm, thủy sản vẫn còn những khó khăn, hạn chế và Sở NN&PTNT đã trình bày, kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét.

Về vấn đề này, tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát HĐND tỉnh vào cuối năm 2020, Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Căn cứ Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì “Trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt”. Thế nhưng, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP không hướng dẫn cụ thể “vi phạm như thế nào là gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội”. Do vậy, hiện nay, việc thực hiện quy định tại Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính đang vướng mắc, không thực hiện được.

 Ngoài ra, tại điểm d, khoản 2, Điều 50 Luật Trồng trọt năm 2018, quy định: Tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón có nghĩa vụ: “Thử nghiệm đối với từng lô phân bón thành phẩm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Lưu kết quả thử nghiệm theo hạn sử dụng của lô phân bón và bảo quản mẫu lưu trong thời gian là 6 tháng kể từ khi lấy mẫu”. Dù vậy, hiện nay chưa có giải thích từ ngữ thế nào là lô phân bón thành phẩm. Bên cạnh đó, không có quy định thời gian, thời điểm cụ thể để cơ sở phải thử nghiệm đối với từng lô phân bón thành phẩm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Do đó, khi đoàn thanh, kiểm tra tại nhà máy sản xuất, lô phân bón đã đóng bao bì, nhãn có ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng; tuy nhiên, cơ sở nói chưa lấy thử nghiệm do chưa ra thị trường lưu thông nên rất khó trong việc thu mẫu kiểm tra chất lượng lô phân bón.

Hoặc việc kiểm tra, xử lý vi phạm mua, bán động vật hoang dã tại chợ nông sản huyện Thạnh Hóa cũng gặp nhiều khó khăn. Thực tế, khi phát hiện có lực lượng chức năng đến kiểm tra thì các hộ mua, bán động vật hoang dã nhanh chóng cất giấu, tẩu tán hàng hóa vào bên trong ki-ốt và tiếp tục bày bán trở lại khi lực lượng kiểm tra rút lui không còn tại khu vực chợ. Cũng có những trường hợp để hàng hóa phía ngoài gian hàng, khi bị lực lượng kiểm tra phát hiện động vật hoang dã, động vật rừng không rõ nguồn gốc thì các đối tượng chối bỏ, không nhận là chủ sở hữu nhằm trốn tránh trách nhiệm.

Ông Nguyễn Văn Dũng, ngụ thị trấn Thạnh Hóa, phản ánh, có những trường hợp chỉ trưng bày các loài động vật rừng có nguồn gốc hợp pháp và cất giấu các loài động vật rừng không có nguồn gốc hợp pháp ở nơi khác, khi có người hỏi mua thì mới đem ra, do đó đã gây khó khăn khi phát hiện mua, bán động vật hoang dã trái phép.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trong buôn bán, kinh doanh, sản xuất VTNN, nông, lâm, thủy sản.

Năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thanh tra 402 cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng và thu 132 mẫu (87 phân bón, 23 thuốc bảo vệ thực vật, 22 mẫu lúa giống); kết quả, có 26 mẫu không đạt chất lượng (16 mẫu phân bón, 2 mẫu thuốc bảo vệ thực vật, 8 mẫu lúa giống). Đối với lĩnh vực quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản, đã tổ chức thanh tra tại 98 cơ sở sản xuất, kinh doanh, thu 74 mẫu để kiểm tra chất lượng hàng hóa và phát hiện có 7 mẫu không đạt chất lượng.

Ngoài ra, năm 2020, qua thanh tra 419 cơ sở giết mổ động vật, điểm kiểm dịch tập trung; các cơ sở kinh doanh động vật, lập 27 biên bản vi phạm hành chính. Song song đó, thanh tra 192 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, giống thủy sản, cơ sở ấp nở gia cầm và lập 36 biên bản vi phạm hành chính./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích