Tiếng Việt | English

30/09/2022 - 14:20

Kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án

Các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án và cơ quan, đơn vị liên quan đã rà soát, đánh giá, báo cáo thực trạng công tác kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An.

Đoàn kiểm tra số 02 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kiểm tra việc giải quyết tin báo tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh

Giai đoạn 2010-2020, Tỉnh ủy, các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và HĐND các cấp quan tâm lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định, quy chế, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương về công tác tư pháp và hoạt động của các cơ quan tư pháp; tập trung chỉ đạo các cơ quan: Công an, kiểm sát, tòa án, thi hành án dân sự, các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra và cơ quan liên quan thực hiện nghiêm, đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa các đơn vị; chú trọng việc phân công, phân nhiệm, gắn quyền hạn với trách nhiệm cụ thể, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện các hoạt động tiến hành tố tụng, thi hành án.

Các cấp ủy Đảng quan tâm, sâu sát trong chỉ đạo giải quyết các vụ việc, vụ án phức tạp, nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm, kịp thời chỉ đạo các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết; bảo đảm quy trình, kết quả giải quyết các vụ việc, vụ án đã thực hiện đúng theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của bộ máy công quyền; ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Công tác xây dựng Đảng, đội ngũ cán bộ trong các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án tại địa phương được Tỉnh ủy đặc biệt chú trọng. Việc lãnh đạo công tác xây dựng Đảng được triển khai đồng bộ trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức thông qua thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, bảo đảm giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể trong mỗi cơ quan.

Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều tổ chức kiểm điểm, đánh giá, nhận xét việc lãnh, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng Đảng đối với cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu các cơ quan: Công an, viện kiểm sát, tòa án và thi hành án; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cơ quan tư pháp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác pháp luật, cán bộ tư pháp được quan tâm. Công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, giáo dục chính trị, đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ tư pháp được quan tâm. Việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo, quản lý các cơ quan tư pháp để cấp có thẩm quyền bổ nhiệm được thực hiện bài bản, đúng quy trình, quy định. Công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch KTGS toàn khóa, hàng năm và chỉ đạo thực hiện có kết quả các cuộc KTGS việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan tư pháp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Qua KTGS, những ưu điểm, hạn chế của cấp ủy, tổ chức Đảng, cá nhân các đồng chí lãnh đạo trong việc lãnh đạo, tổ chức triển khai, thực hiện hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được chỉ ra; từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm, góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Công tác GS của HĐND các cấp đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của các cơ quan tư pháp được thực hiện thường xuyên. Hàng năm, Thường trực HĐND, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đều xây dựng kế hoạch công tác, trong đó có nội dung GS công tác tư pháp; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, cập nhật các thông tin liên quan đến hoạt động của các cơ quan tư pháp. Trước mỗi kỳ họp thường lệ, Ban Pháp chế khảo sát, nắm tình hình hoạt động của các cơ quan tư pháp để tiến hành thẩm tra các báo cáo trình tại kỳ họp; đồng thời, tập trung theo dõi, GS các nội dung liên quan đến cải cách tư pháp như việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Bên cạnh đó, công tác kiểm soát quyền lực để PCTN trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, trong đó, có nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan cần khắc phục trong thời gian tới.

Thông qua việc đánh giá thực trạng kiểm soát quyền lực để PCTN, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nhận diện được một số hoạt động tư pháp còn tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực; những yếu tố tác động đến việc thực thi các cơ chế kiểm soát quyền lực. Đồng thời, đặt ra những vấn đề nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của cơ chế kiểm soát quyền lực để PCTN, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án như xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa "xây và chống" trong công tác phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp; tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong các cơ quan tư pháp; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ tư pháp và cải cách tư pháp, thực hiện nghiêm các quy định về sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với các cơ quan tư pháp; tăng cường công tác KTGS đối với các tổ chức Đảng và đảng viên giữ cương vị lãnh đạo các cơ quan tư pháp./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết