Tiếng Việt | English

04/08/2021 - 08:43

Kiểm tra, giám sát chặt các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Thời gian qua, trong các cuộc tiếp xúc, cử tri ở nhiều địa phương rất quan tâm đến việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) tại các khu, cụm công nghiệp (K,CCN). Riêng ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An nhiều ý kiến cử tri bày tỏ sự lo lắng về thực trạng các tuyến kênh trên địa bàn đã và đang bị ô nhiễm nặng do các cơ sở sản xuất công nghiệp xả thải.

Một tuyến kênh ở Đức Hòa, nước màu đen

Một tuyến kênh ở Đức Hòa, nước màu đen

Giám sát chặt, xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm

Để bảo đảm các doanh nghiệp (DN) tuân thủ theo hồ sơ môi trường được duyệt, hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đều xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh, kiểm tra và kiểm soát ô nhiễm tại các DN có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và phát sinh nguồn thải lớn. Sở còn phối hợp Tổng cục Môi trường, Cục Cảnh sát môi trường, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc chấp hành pháp luật về BVMT của các nhà máy thứ cấp cũng như nhà đầu tư hạ tầng K,CCN và DN hoạt động bên ngoài K,CCN.

Ngoài ra, UBND tỉnh còn giao Sở TN&MT chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra đột xuất các DN hoạt động bị người dân phản ánh gây ô nhiễm môi trường. Qua đó, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT, nhất là vi phạm trong xả nước thải, khí thải.

Từ đầu năm 2021 đến nay, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kế hoạch thanh, kiểm tra và kiểm soát ô nhiễm môi trường của Sở TN&MT tại các DN. Tuy nhiên, qua tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân và cử tri, Sở TN&MT chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm và thanh tra các DN có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng K,CCN và các DN có nguồn thải lớn tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục và truyền dữ liệu trực tiếp về Sở TN&MT để theo dõi. Đến nay, đã có 30 trạm quan trắc nước thải tự động (19 chủ đầu tư hạ tầng K,CCN và 11 DN) và 3 trạm quan trắc khí thải tự động được lắp đặt.

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Tân Thuấn, trong quá trình kiểm tra môi trường, xác nhận hoàn thành, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và xác nhận kế hoạch BVMT, Sở đều yêu cầu các DN phải bố trí hố ga giám sát nước thải bên ngoài tường rào của DN trước khi đưa vào đường ống thu gom nước thải của chủ đầu tư hạ tầng hoặc thải ra nguồn tiếp nhận.

Nỗ lực làm sạch một số tuyến kênh, rạch bị ô nhiễm

Ngoài ra, cử tri ở một số địa bàn phát triển công nghiệp cũng quan tâm đến ô nhiễm ở những tuyến kênh, rạch, sông. Tại huyện Đức Hòa, cử tri phản ánh nhiều về tình trạng ô nhiễm tại các tuyến kênh: Thầy Cai, An Hạ, T1, kênh Ranh,... “Tình trạng ô nhiễm tại các tuyến kênh ở địa bàn đã xảy ra nhiều năm nay. Nước của một số tuyến kênh, rạch có màu nâu, nhiều mảnh nhựa nhỏ, bọt trắng,…” - ông Nguyễn Văn Phương, ngụ xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, thông tin.

Ghi nhận những ý kiến phản ánh của cử tri, UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan, địa phương thường xuyên tiến hành khảo sát, lấy mẫu nước mặt để phân tích và đánh giá mức độ ô nhiễm tại các tuyến kênh, rạch trên địa bàn huyện Đức Hòa. Kết quả ghi nhận, những tuyến kênh nêu trên tại Đức Hòa tiếp nhận nước thải từ hoạt động công nghiệp, khu dân cư, nhà trọ, chợ, từ đó dẫn đến bị ô nhiễm.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm tại các tuyến kênh, rạch trên địa bàn huyện Đức Hòa, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan thường xuyên theo dõi, giám sát các trạm quan trắc nước thải tự động liên tục tại các K,CCN và các đơn vị có nguồn thải lớn, kết hợp quan trắc chất lượng nước mặt tại kênh để có hướng xử lý thích hợp. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm công tác BVMT, đặc biệt là các hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường.

Khi kiểm tra, kiểm soát và phát hiện xử lý vi phạm thì phải yêu cầu các đơn vị thứ cấp có kế hoạch cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tại nhà máy để xử lý nước thải bảo đảm đạt quy chuẩn trước khi xả ra nguồn tiếp nhận. Mặt khác, các ngành liên quan phải thường xuyên kiểm tra đột xuất tại các đơn vị thứ cấp hoạt động sản xuất có phát sinh nước thải lưu lượng lớn và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong CCN Đức Hòa Đông chỉnh trang, Đức Hòa Hạ chỉnh trang và CCN Hoàng Gia.

Trong khi đó, UBND huyện Đức Hòa đã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nạo vét các tuyến kênh, rạch bị bồi lắng tại địa bàn huyện, phát quang, vớt lục bình, rác thải trên kênh, rạch để khơi thông dòng chảy./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết