Tiếng Việt | English

25/05/2022 - 16:59

Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An

Kiến nghị về việc bình ổn giá cả vật tư nông nghiệp, giải ngân vốn đầu tư công và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Sáng 25/5, tại Phiên thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thuộc đoàn Long An tích cực tham gia đóng góp ý kiến đối với các báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH và NSNN những tháng đầu năm 2022; phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020; báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh - Nguyễn Thanh Hải đề nghị Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương có giải pháp quyết liệt hơn trong việc bình ổn giá cả vật tư nông nghiệp và giải ngân vốn đầu tư công

 

Có giải pháp chỉ đạo quyết liệt hơn trong việc bình ổn giá cả vật tư nông nghiệp; tăng cường giải ngân vốn đầu tư công

Tham gia ý kiến đối với báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH và NSNN năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH và NSNN những tháng đầu năm 2022, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Long An - Nguyễn Thanh Hải cho rằng: Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, bùng phát mạnh, nhất là đợt dịch lần thứ tư bùng phát tại các tỉnh phía Nam, nước ta lần đầu đối mặt với các tác động nghiêm trọng cả về y tế, KT - XH.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, cộng động doanh nghiệp và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cùng với sự chuyển hướng từ chiến lược “phòng, chống dịch Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”.

Nền kinh tế đất nước từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực; có 7/12 chỉ tiêu KT - XH chủ yếu đạt và vượt mục tiêu đã đề ra. Kinh tế vĩ mô đất nước tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát. Nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn đã được ban hành kịp thời, tổ chức thực hiện hiệu quả để duy trì và từng bước phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động; hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều chuỗi cung ứng tiếp tục bị ảnh hưởng; giá cả nguyên, vật liệu đầu vào, nhất là giá xăng, dầu có nhiều biến động; chuyển đổi năng lượng còn chậm; kim ngạch xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro,... tác động mạnh đến các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ông Nguyễn Thanh Hải cho rằng, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng trong phát triển KT - XH sau đại dịch Covid-19 thì hiện nay đời sống của nông dân còn gặp rất nhiều khó khăn, sản phẩm làm ra bán giá thấp hoặc không bán được, đơn cử cho thực trạng này là có lúc mặt hàng thanh long tại tỉnh Long An giá dao động từ 1.000 - 5.000 đồng/kg, hay giá lúa dao động từ 4.500 - 6.000 đồng/kg, người dân sản xuất không có lãi. Trong khi đó, giá cả vật tư nông nghiệp, nhất là giá phân bón, thuốc trừ sâu, giá nhân công, cũng như giá xăng, dầu liên tục tăng, làm cho nông dân không an tâm sản xuất. Song song đó, việc giải ngân vốn đầu tư công và phân bổ vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Vẫn còn tình trạng dự án triển khai tốt nhưng lại thiếu vốn, dự án triển khai chậm lại có nguồn vốn dồi dào nhưng giải ngân chậm hoặc không được.

Từ đó, ông Nguyễn Thanh Hải kiến nghị Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương tiếp tục có giải pháp chỉ đạo quyết liệt hơn trong việc bình ổn giá cả vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây, con giống, đẩy mạnh xúc tiến thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, giúp nông dân an tâm sản xuất. Sớm rà soát lại tiêu chuẩn chất lượng nông sản hàng hóa, cũng cần quan tâm đến chất lượng nông sản phục vụ thị trường nội địa chứ không phải sản phẩm chất lượng là để phục vụ thị trường xuất khẩu. Tiếp tục cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; đặc biệt, sớm ban hành cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu chính ngạch, khắc phục tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới.

Tập trung giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm hiệu quả và ưu tiên các nguồn vốn để tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng. Kiên quyết điều chuyển vốn đầu tư công năm 2022 của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương chậm triển khai cho các đơn vị, dự án khác có khả năng hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả. Đẩy nhanh việc hoàn thành thủ tục và giải ngân vốn cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về danh mục dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Hải còn đề nghị Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương cần kịp thời cho chủ trương và cơ chế để các địa phương triển khai các dự án giao thông có sự tác động đến sự phát triển KT - XH của vùng như Đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, Đường vành đai 3 TP.HCM, đường Hồ Chí Minh,... Đặc biệt, xem xét bổ sung Quốc lộ 50B vào danh mục dự án đầu tư công, vì đây là tuyến đường mang tính liên kết vùng từ TP.HCM qua Long An xuống Tiền Giang kết nối tuyến đường ven biển các tỉnh miền Tây Nam bộ. Sau khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ góp phần làm giảm lưu lượng xe cho Quốc lộ 1, cao tốc TP.HCM - Trung Lương và tạo động lực để phát triển KT - XH cho các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước.

Cần đẩy nhanh tiến độ xử lý đối với dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An

Tham gia ý kiến về báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2021, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Long An - Lê Thị Song An nêu ý kiến: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số ngành, lĩnh vực, địa phương còn tồn tại một số hạn chế: Công tác quy hoạch, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên đất, các dự án chậm được triển khai, đầu tư, kéo dài và đội vốn đầu tư,… dẫn đến thất thoát, lãng phí rất lớn nguồn lực quốc gia.

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Long An - Lê Thị Song An tham gia ý kiến tại buổi thảo luận

Còn nhiều dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ (theo Nghị quyết số 33/2016/QH14, ngày 23/11/2016 của Quốc hội khóa XIV) đang bị vướng về cơ chế xử lý, kéo dài, trong đó có dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam trên địa bàn huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An bị đình trệ, dừng hoạt động quá lâu (gần 20 năm từ khi bắt đầu triển khai) và trên thực tế dự án này cũng không thể đưa vào hoạt động vì không còn vùng nguyên liệu sản xuất cho nhà máy; máy móc, công nghệ sản xuất của nhà máy bị hư hỏng, không còn phù hợp, thời gian đình trệ, tạm dừng dự án quá lâu gây nên tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai và gây bức xúc cho nhân dân trong vùng dự án. Đây là một trong những vấn đề nóng tại các buổi tiếp xúc cử tri của ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp tại địa phương. 

Từ đó, bà Lê Thị Song An kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương quan tâm đẩy nhanh tiến độ xử lý đối với dự án này, vì kéo dài càng lâu lãng phí nguồn lực càng lớn, đặc biệt là nguồn lực về đất đai, vốn, tài sản của Nhà nước. Đồng thời, cho chủ trương điều chỉnh quy hoạch phần đất thuộc khu vực dự án (khoảng 45,37ha) sang quy hoạch khu đô thị sinh thái gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo định hướng phát triển KT - XH của tỉnh./.

Kiến Quốc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích