Tiếng Việt | English

13/10/2017 - 14:28

Tự hào đứng dưới cờ Đảng

Kỳ 2: Những đảng viên “chân đất”

Quanh năm lam lũ, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhiều nông dân không nghĩ có một ngày, mình lại trở thành đảng viên. Vào Đảng, cách nghĩ, cách làm của nông dân chuyển biến tích cực hơn...


Những nông dân là đảng viên luôn phấn đấu chăm lo phát triển kinh tế gia đình và đóng góp sức mình xây dựng quê hương

Nông dân thành đảng viên

Khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng nhưng hiện nay, ông Trần Văn Chà, 52 tuổi, ngụ ấp 1, xã Lương Bình, huyện Bến Lức, tỉnh Long An lại là một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh, là điển hình trong phong trào Thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015. “Trái ngọt” hôm nay là cả một quá trình phấn đấu lâu dài, cực khổ, lam lũ ruộng sớm đồng trưa. Hơn 10 năm trước, cây mía gặp khó khăn, ông Chà mạnh dạn chuyển sang trồng chanh. Gia đình có hơn 0,5ha đất ruộng, vợ chồng ông thuê thêm gần 1ha để sản xuất. Gần 600 gốc chanh có hạt là kỳ vọng, ước mơ cải thiện đời sống kinh tế gia đình của đôi vợ chồng nông dân nghèo.

“Hồi đó, vốn liếng không nhiều, tôi mượn thêm của bà con trong nhà và vay Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư vào vườn chanh. Tính ra, tất cả hơn 150 triệu đồng”- ông Chà cho biết.

Vốn đầu tư không ít nên ông quyết tâm phải thành công với nghề trồng chanh. Thế rồi, mỗi lần địa phương tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trên cây chanh, ông Chà sắp xếp việc nhà tham dự đầy đủ. Ngoài ra, ông còn chủ động, chịu khó học hỏi, lắng nghe chia sẻ từ những người có “thâm niên” trồng chanh để tích góp kinh nghiệm cho mình. “Nghề dạy nghề”, ông Chà vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và thành công. Sau 2 năm từ ngày xuống giống, vườn chanh bắt đầu vào mùa thu hoạch.

Ông Chà chia sẻ: “Hàng tháng, tôi hái được hơn 2 tấn chanh. Khi chanh có giá, tôi lãi trên 10 triệu đồng. Sau một thời gian, tôi lấy lại vốn và cứ thu hoạch đều đặn mỗi tháng. Cách đây hơn 1 năm, vì chanh đã cỗi nên tôi chặt bỏ, trồng lại chanh không hạt và đợi ngày thu hoạch”.

Thành công không phụ lòng người chịu khó! Bây giờ, kinh tế gia đình ông Chà ổn định. Không còn lo lắng nhiều chuyện tiền nong nên ông nghĩ đến việc góp sức chăm lo, xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Thấy nhiều đảng viên có cơ hội giúp đỡ người dân nên nông dân Trần Văn Chà phấn đấu vào Đảng. “Ngày xưa, tôi chỉ học hết lớp 8, trong khi muốn vào Đảng, trình độ học vấn phải tốt nghiệp THCS. Vậy là, tôi đi học bổ túc văn hóa ở Trường THCS Lương Hòa” - ông Chà bộc bạch.

Ông Chà học bổ túc năm 2014, khi đó đã gần 50 tuổi – cái tuổi rất khó tiếp cận lại các kiến thức của Toán, Ngữ Văn,... Nhưng, ông nghĩ, cứ quyết tâm thì phải được! Một tuần 3 buổi, cứ 16 giờ, ông lại đến trường học cùng các em học sinh. Ông Chà kể: “Ở trường, giáo viên dạy tận tình nhưng vì lớn tuổi, rất khó để tôi theo kịp các em, các cháu. Vì vậy, tối đến, tôi học thêm từ đứa con trai. Nhiều người sẽ rất ngại chuyện này nhưng tôi thì không! Nhờ vậy, tôi được xét tốt nghiệp bổ túc THCS”.

“Nhận thấy bản thân đáp ứng đủ các tiêu chuẩn phát triển Đảng nên khi Chi bộ ấp giới thiệu, cũng là lúc tôi chủ động xin được vào Đảng với mong muốn giản đơn: Được giúp đỡ nhiều người dân. Được kết nạp vào Đảng (tháng 9-2016) tại Nhà văn hóa ấp 1, khi đọc lời tuyên thệ, tôi rất tự hào và nguyện làm tròn nhiệm vụ người đảng viên” - ông Chà tâm sự.

Khác với ông Chà, nông dân Nguyễn Văn Tàu, 45 tuổi, ngụ ấp Lộc An, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa tham gia lực lượng dân phòng, cộng tác viên dân số của ấp từ lúc 19 tuổi. Thấy anh tích cực hoạt động, Chi bộ ấp Lộc An giới thiệu anh vào Đảng. Học lớp Nhận thức về Đảng tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện nhưng đến ngày viết bài thu hoạch, anh Tàu nộp giấy trắng. “Là đảng viên phải hết lòng chăm lo cho cuộc sống người dân nhưng lúc đó, gia cảnh khó khăn quá, tôi chỉ muốn tập trung chăm lo phát triển kinh tế gia đình nên nhận thấy mình chưa đủ điều kiện vào Đảng, nên thôi!” - anh Tàu chân thành cho biết.

Trở lại với chuỗi ngày chăn nuôi, trồng trọt, anh Tàu quyết tâm cải thiện kinh tế gia đình. Từ 2.000m2 đất cha mẹ để lại, anh trồng rau màu và làm thuê kiếm tiền mua thêm đất. Bây giờ, anh Tàu sở hữu 1ha đất ruộng, trồng 3 vụ rau/năm, nuôi 8 con bò nền và góp vốn cùng bà con trong nhà mua, bán máy nông, ngư cơ. “Tính hết thu nhập, hàng năm, tôi kiếm hơn 100 triệu đồng”- anh Tàu thông tin. Anh Tàu cũng là một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi sau tháng năm trải qua cực khổ.

Năm 2007, một lần nữa, anh được Chi bộ ấp giới thiệu học lớp Nhận thức về Đảng. Theo anh Tàu: “Lúc này, kinh tế gia đình ổn định và bản thân cũng tìm hiểu, nhận thức đầy đủ về tổ chức Đảng nên khi đi học, tôi viết bài thu hoạch đạt kết quả tốt. Nhờ Bí thư Chi bộ ấp giúp đỡ, tôi được kết nạp vào Đảng năm 2008 và hiện tại là Phó Bí thư Chi bộ ấp Lộc An”.

Trở thành đảng viên từ một nông dân, họ bắt đầu có những chuyển biến tích cực hơn trong cách nghĩ và cách làm!

Được góp sức nhiều hơn

“Tôi là đảng viên thì phải tiên phong, gương mẫu” - dù là đảng viên “chân đất” nhưng khi hỏi, ông Chà, anh Tàu đều khẳng định như thế! Vai trò tiên phong không phải làm những chuyện lớn lao, chỉ cần địa phương phát động làm đường, những nông dân ấy đi đầu hưởng ứng, đóng góp cũng là thể hiện sự gương mẫu của đảng viên.

Anh Tàu kể: “Lúc thi công tuyến đường 16 trong ấp Lộc An, dù không đi ngang qua nhà và đất của gia đình nhưng tôi vẫn đóng tiền và là người góp đầu tiên. Thấy vậy, người dân đồng lòng ủng hộ. Nhờ tiên phong, đi đầu nên tôi vận động người dân cũng dễ dàng hơn. Chính sự đồng thuận, đoàn kết mà trong đó, vai trò tiên phong của đảng viên là quan trọng, tạo nên sức mạnh để xã Lộc Giang được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới”.

Khi trở thành đảng viên, những nông dân cũng góp tiếng nói cùng xây dựng quê hương, mang lại lợi ích cho người dân khi tham gia sinh hoạt Đảng. Năm 2016, trạm bơm phục vụ nước tưới tiêu cho 3 xã: An Ninh Đông, An Ninh Tây và Lộc Giang bị hư hỏng, anh Tàu mạnh dạn có ý kiến về việc sửa chữa trong cuộc họp Chi bộ ấp và họp Đảng ủy xã. Sau đó, trạm bơm được khắc phục, cung cấp nước tưới trở lại cho ruộng đồng.

Còn ông Chà, việc gương mẫu, đi đầu trong các phong trào ở địa phương là điều hiển nhiên! Ngoài ra, ông góp công sức của mình cho địa phương như với những người “tập tành” trồng chanh, ông sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm. 9 tháng năm 2017, ông vận động 89 phần quà cho các hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn trong ấp.

“Bây giờ, khi mạnh thường quân muốn tặng quà hộ nghèo trong ấp đều liên hệ trực tiếp với tôi. Mình làm minh bạch, công khai, vì lợi ích cộng đồng nên được tin tưởng. Vừa rồi, tôi cũng mạnh dạn giới thiệu với Chi bộ một đoàn viên ưu tú trong ấp đi học lớp Nhận thức về Đảng để xem xét, kết nạp. Là nông dân nhưng được đóng góp nhiều việc, tôi cảm thấy vui. Những việc này tuy không lớn nhưng với tôi thật ý nghĩa”- ông Chà chia sẻ.

Không những được góp sức, khi hỏi “bản thân cảm nhận được những lợi ích gì khi vào Đảng?”, những đảng viên nông dân đều trả lời: “Được nhiều lắm chứ! Đó là sự vững vàng trong tư tưởng và chín chắn trong cách nghĩ, cách làm”. Trước đây, mỗi khi thích làm gì, ông Chà thực hiện ngay nhưng bây giờ, khi quyết định mọi chuyện, ông đều suy nghĩ trước sau. Ông Chà nói vui: “Hồi trước, tôi hay nhậu, có những lần say bí tỉ nhưng từ ngày vào Đảng, nhậu thì còn nhưng luôn giữ chừng mực”.

Cũng từ ngày vào Đảng, lập luận của ông Chà chặt chẽ, lưu loát, thuyết phục hơn nên mỗi khi tuyên truyền, vận động, người dân dễ đồng tình. Theo ông Chà, điều này là nhờ khi sinh hoạt Chi bộ, được quán triệt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và được tham gia học tập Nghị quyết nên bản thân nắm, hiểu và vận dụng vào thực tế địa phương.

Nếu ngày càng có nhiều nông dân trở thành đảng viên thì con đường xây dựng nông thôn mới nói riêng và phát triển KT-XH của các địa phương nói chung sẽ bớt gian nan. Bởi, khi đó, nông dân vừa là chủ thể, vừa là đầu tàu xây dựng nông thôn mới!

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh - Phạm Chí Tâm, cho biết: Toàn tỉnh có 173.737 hội viên Hội Nông dân, trong đó, có 7.028 đảng viên. Việc phát triển đảng viên trong nông dân được Hội Nông dân các cấp quan tâm. Đảng viên nông dân là những người sản xuất, kinh doanh giỏi, sẵn sàng hiến đất, đóng góp xây dựng nông thôn mới; có tư tưởng, lập trường vững vàng và tham gia sinh hoạt tương đối đầy đủ. Cũng nhờ làm tốt các bước trước khi xem xét, kết nạp Đảng nên điều phấn khởi là những năm gần đây, chưa có trường hợp đảng viên là nông dân xin ra khỏi tổ chức Đảng./.

Thùy Hương - Lê Đức
(còn tiếp)

Chia sẻ bài viết