Tiếng Việt | English

08/09/2016 - 09:04

Để thanh long bay xa

Kỳ cuối: Để thanh long phát triển bền vững

Hiện nay, nông dân trồng thanh long theo hướng tự phát và tự bán cho thương lái, chưa ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đơn vị thu mua nên chịu nhiều rủi ro, nhất là tình trạng “được mùa - rớt giá”. Để thanh long phát triển bền vững, nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính. Muốn như vậy, phải có sự định hướng của ngành chức năng.


Nông dân thu hoạch thanh long. Ảnh: Hồng Anh

Về đầu ra đối với thanh long, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An - Nguyễn Xuân Hồng cho rằng: Hiện nay, nông dân chủ yếu sản xuất thanh long theo phương pháp truyền thống nên chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu thị trường khó tính mà chỉ bán cho thị trường dễ tính như Trung Quốc, Đài Loan theo đường tiểu ngạch ở biên giới phía Bắc sang Trung Quốc. Bán theo phương thức này thì không có hợp đồng nên không có sự cam kết giữa bên mua và bên bán, hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Để đầu ra của thanh long ổn định, phải mở rộng tìm kiếm thị trường, tránh phụ thuộc tuyệt đối vào thị trường Trung Quốc.

Hiện nay, nhu cầu thanh long ở nhiều nước rất lớn nhưng ta chưa đáp ứng được. Vì vậy, muốn mở rộng thị trường thì nông dân phải trồng thanh long sạch (theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP); không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục; trồng theo quy hoạch (nghĩa là khi người ta cần thì mình phải có đủ số lượng, bảo đảm chủng loại và thời gian). Về phía địa phương, phải tập hợp, tổ chức cho nông dân sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã cùng thực hiện theo quy trình và giám sát lẫn nhau để có sản lượng đáp ứng yêu cầu.

Tóm lại, để tiêu thụ thanh long ổn định, phải khắc phục những hạn chế hiện nay: Trồng thanh long theo phương pháp thủ công truyền thống; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng; sản xuất nhỏ, lẻ, chưa hợp tác với nhau; phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nếu không khắc phục những hạn chế trên thì việc phát triển cây thanh long còn gặp rất nhiều rủi ro.


Để thanh long phát triển bền vững, nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Ảnh: Hồng Anh

Về điện phục vụ nhu cầu sản xuất, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Võ Thanh Hồng cho biết: UBND tỉnh kiến nghị Tổng Công ty Điện lực miền Nam và được Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương phê duyệt Dự án trạm 110kV Châu Thành và đường dây đấu nối tại địa bàn xã Dương Xuân Hội. Dự án này khởi công xây dựng vào ngày 15-6-2016 và dự kiến đóng điện trong tháng 10-2016. Khi trạm này đi vào hoạt động sẽ đáp ứng đủ điện cho nông dân sản xuất thanh long và nuôi tôm.


Hình thành các cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm thanh long để phát triển bền vững. Ảnh: Hồng Anh

Nhằm nâng cao giá trị canh tác và thu nhập cho nông dân trồng thanh long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng thông tin: Sở phối hợp huyện Châu Thành xây dựng vùng sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao với diện tích 2.000ha, đồng thời, hình thành các cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm thanh long. Đối với dịch bệnh đốm nâu trên cây thanh long, ông Lê Văn Hoàng thông tin: Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa ban hành quy trình kỹ thuật quản lý bệnh đốm nâu hại thanh long.

Theo đó, để quản lý bệnh đốm nâu hại thanh long hiệu quả, nông dân phải áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Đó là, trồng giống sạch bệnh; cắt tỉa bớt cành già vô hiệu phía trong để trụ thông thoáng, giảm nguồn bệnh và ẩm độ; bón phân hữu cơ hoai mục, tăng cường bón lân, kali; không vận chuyển cành, quả bị bệnh sang vườn khác; không tưới nước cho cây lúc chiều tối; không để chồi non trong mùa mưa; cuối mùa khô hoặc đầu mùa mưa, bón chế phẩm sinh học Trichoderma trộn với phân hữu cơ nhằm tăng khả năng kiểm soát nguồn bệnh trong đất; thường xuyên kiểm tra vườn, phát hiện bệnh sớm khi mới chớm xuất hiện để phun thuốc kịp thời; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” và bảo đảm thời gian cách ly ghi trên bao bì,...


Cơ sở thu mua thanh long trên địa bàn huyện đóng gói gia công xuất khẩu. Ảnh: Hồng Anh

Thời gian qua, nông dân Châu Thành có nhiều thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp là nhờ Đảng bộ, chính quyền huyện sớm có tầm nhìn chiến lược (cách đây hơn 30 năm). Từ đó, huyện quy hoạch, hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng. Những năm 1976-1977, huyện huy động hơn 10.000 lao động đắp đê bao ngăn mặn, đào kênh, mương nội đồng, dẫn nước ngọt, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ lúa. Từ những năm 1985-1986, huyện dẫn nước ngọt hệ thống sông Bà Lý, đập Ông Đăng (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) về phục vụ sản xuất nông nghiệp khu vực quanh An Lục Long. Đến những năm 1991-1995, huyện đào kênh 30/4, Thuận Hòa, Hóc Lựu dẫn nước ngọt về vùng hạ của huyện.

Việc lớn thứ hai là huy động hàng chục ngàn ngày công lao động đắp tuyến đê bao ngăn mặn ven sông Tra, sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ; tuyến đê bao dài 72km, phải đắp ngăn hàng chục con rạch lớn, nhỏ qua địa bàn 7 xã: An Lục Long, Thanh Phú Long, Thanh Vĩnh Đông, Thuận Mỹ, Phước Tân Hưng, Phú Ngãi Trị, Bình Quới và những năm sau đó, còn có hàng ngàn ngày công lao động gia cố những đoạn bị sạt lở, những chỗ thấp, không cho nước tràn vào ruộng vườn, khu dân cư mỗi khi lũ về, triều cường dâng cao. Tuyến đê bao ven sông Vàm Cỏ Tây, hệ thống cống, đập của Châu Thành không chỉ có hiệu quả ngăn mặn xâm nhập, giữ ngọt phục vụ sản xuất mà còn có tác dụng ngăn nước biển dâng cao, ứng phó với biến đổi khí hậu trong hiện tại và sắp tới.

Từ lâu, cây thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để cây thanh long phát triển bền vững, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trên./.

Hải Phát - Thanh Tuyền

Chia sẻ bài viết