Tiếng Việt | English

26/05/2016 - 10:14

Làm gì khi trẻ em bị sốt xuất huyết?

Để bạn đọc, nhất là các bậc cha mẹ hiểu rõ hơn về cách chăm sóc, theo dõi sốt xuất huyết (SXH) cho trẻ, chúng tôi có cuộc trao đổi với Bác sĩ (BS) Vũ Văn Bến, Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Long An về vấn đề này.

PV: Thưa bác sĩ, có phải sốt ở trẻ là biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau?

BS. Vũ Văn Bến: Trẻ bị sốt khi nhiệt độ ở nách từ 37,50C trở lên. Sốt là triệu chứng biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau như: Sốt phát ban, sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não,… Đối với bệnh SXH, trẻ thường hết sốt sau 3-4 ngày rồi trở nặng lại. Với các bệnh viêm não - màng não, viêm phổi, lúc bệnh trở nặng trẻ thường sốt cao, mê man. Còn bệnh SXH lúc nặng, trẻ thường không sốt, nên rất nguy hiểm nếu các bậc phụ huynh lơ là, chủ quan.

Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để chẩn đoán bệnh kịp thời, phòng bệnh sốt xuất huyết  Ảnh: Kim Khánh

PV: Bác sĩ có thể cho biết các dấu hiệu ở trẻ bị mắc bệnh SXH?

BS. Vũ Văn Bến: Để nhận biết trẻ bị bệnh SXH, trẻ thường sốt cao 2 - 7 ngày, có thể có kèm theo các dấu hiệu xuất huyết (chấm xuất huyết dưới da, bầm cho chích, chảy máu mũi, máu chân răng, ói ra máu hay đi tiêu ra máu, xuất huyết dạ dày). Vào ngày thứ 3 - 6 của bệnh, nếu trẻ có kèm theo một trong những dấu hiệu khác thường như: Đau bụng, ói mửa, li bì, tay chân lạnh, tiêu ra máu,… là triệu chứng chuyển nặng của bệnh SXH.

Trẻ bị SXH nặng như: Trụy tim mạch, hôn mê, xuất huyết tiêu hóa, suy đa cơ quan,… dẫn đến tử vong thường xảy ra vào ngày thứ 3 - 6. Vào những ngày này, đa số trẻ giảm sốt, do vậy, tạo tâm lý chủ quan cho gia đình nghĩ là con mình hết bệnh nên thiếu quan tâm chăm sóc. Nếu trẻ hết sốt, chạy chơi, bú khỏe, tay chân hồng hào thì khả năng hồi phục bệnh tốt. Tuy nhiên, nếu trẻ hết sốt mà ói, đau bụng, li bì, mệt, quấy khóc, tay chân lạnh, tím tái, vả mồ hôi, tiểu ít,... thì nguy cơ chuyển nặng rất cao. Do vậy, các bậc cha mẹ phải nhanh chóng đưa con em mình tới cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Một số trường hợp trẻ bị SXH nặng mà người nhà không biết nên khi đến bệnh viện, trẻ bị tím tái, trụy mạch, xuất huyết nặng, hôn mê,… nguy cơ tử vong rất cao. Vì thế, tất cả trẻ sốt cao liên tục 2 ngày trở lên, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, hướng dẫn chăm sóc và theo dõi bệnh.

PV: Những sai lầm thường thấy ở phụ huynh khi chăm sóc trẻ bị SXH là gì thưa bác sĩ?

BS. Vũ Văn Bến: Các sai lầm thường gặp đó là: Ủ ấm khi trẻ sốt làm trẻ sốt cao gây co giật; cắt lễ, cạo gió,… gây xuất huyết; uống thuốc hạ nhiệt không rõ nguồn gốc, có thể có aspirin làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa; chủ quan không đem trẻ tới ngay bệnh viện khi có các dấu hiệu nặng.

PV: Xin cám ơn bác sĩ./.

Khuyến cáo về các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết

Theo Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng - Bác sĩ Ngô Văn Hoàng: Bệnh sốt xuất huyết (SXH) do muỗi vằn chích người bệnh và truyền qua người lành nên đối với người dân phải ngăn ngừa không cho muỗi chích bằng cách không nên cho trẻ chơi nơi bóng tối, mặc áo dài tay, dùng nhang trừ muỗi khi trẻ học bài, ngủ mùng kể cả ban ngày, sử dụng kem thoa xua muỗi, các loại cây lá khô xông muỗi như vỏ cam, quít, lá sả,…

Những vật chưa nước để sử dụng, hằng tuần, phải súc rửa, chà sát mặt trong của vật chứa nước bằng bàn chải để loại bỏ trứng muỗi bám vào. Những vật chứa không thể súc rửa có thể thả cá hoặc đậy nắp thật kín bằng nylon; các vật chứa nước không cần thiết như: Vỏ xe, gáo dừa, lon, lu, khạp, bể,… cần phải thu gom loại bỏ; những chân chén chống kiến phải bỏ muối; bình bông phải thay nước thường xuyên.

Thanh Bình

Chia sẻ bài viết