Tiếng Việt | English

14/07/2017 - 10:28

Lắm khó khăn ở một xã vùng sâu!

Gần 70% hộ dân dùng điện tổ, 4 hộ chưa có điện; toàn xã còn 44 cây cầu cần xây mới và không có trường học nào, ngoại trừ điểm trường mẫu giáo đã đóng cửa,... là những khó khăn mà người dân xã Long Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An đang đối mặt. Dù chính quyền địa phương có nhiều nỗ lực nhưng với những vấn đề vượt quá “tầm tay” thì đành phải chờ sự hỗ trợ từ các cấp để cuộc sống người dân đỡ vất vả hơn.

Xã không trường học

Toàn xã Long Thành hiện có 156 học sinh (HS) thuộc 3 cấp học và 10 trẻ mẫu giáo nhưng tất cả phải học phân tán ở các trường tại thị trấn Thủ Thừa, xã Mỹ An, Long Thạnh hay các huyện lân cận: Thạnh Hóa, Đức Huệ, Đức Hòa vì địa bàn xã không có trường học. Đi lại rất vất vả, đường xa, chi phí ở trọ tốn kém,... khiến nhiều em bỏ học giữa chừng. Anh Nguyễn Văn Lâm (ngụ ấp 4, xã Long Thành) cho biết: “Tôi có 2 con trai đều nghỉ học vào năm lớp 7 và lớp 8. Trước đây, mỗi ngày, các cháu phải dậy từ 4 giờ 30 phút sáng, đạp xe hơn 20km đi học ở Trường THCS thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa. Có hôm trời mưa, sình lầy, con về trễ, vợ chồng tôi phải chạy đi tìm. Thấy con nản lòng, học không nổi nên tôi cho ở nhà phụ gia đình, không đi học nữa!”.

Địa bàn rộng, dân cư thưa thớt nên việc vận động học sinh trở lại lớp rất khó khăn

Hiện tại, hầu hết các em đều thuê trọ hoặc ở nhờ nhà người quen để đi học. Thế mới thấy, để đi đến cuối con đường “tìm chữ” là cả một hành trình đầy thử thách. Em Nguyễn Chí Phúc (ngụ ấp 2, xã Long Thành), hiện là HS lớp 11 Trường Tiểu học-THCS-THPT Bồ Đề Phương Duy (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa) cho biết: “Gia đình em thuộc diện cận nghèo. Em và em trai được gửi đi học tại Trường Bồ Đề Phương Duy từ năm lớp 6. Ở trường, ngoài anh em em còn có thêm 5 bạn nữa cũng đến từ Long Thành. Bạn bè cùng xã với em nghỉ học khá nhiều vì đường đi vất vả. Riêng em, dù thế nào em cũng luôn cố gắng để thoát nghèo, đỡ đần cha mẹ”.

Giáo viên chuyên trách phổ cập giáo dục, xóa mù chữ xã Long Thành - thầy Ngô Thanh Quan thông tin: “Tất cả HS trên địa bàn xã đang học ở 24 trường ở các cấp học trong và ngoài huyện. Hiện tại, điểm Trường Mẫu giáo Long Thành (thuộc Trường Tiểu học Tân Lập, xã Tân Lập) cũng đóng cửa 2 năm học vì không đủ số lượng HS để mở lớp. Địa bàn rộng, dân cư thưa thớt nên việc vận động HS trở lại lớp rất khó khăn. Do đó, số lượng HS học đến đại học, cao đẳng của toàn xã chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trước đây, có lúc HS bỏ học đến 6-7 em nên tôi phải cố gắng thuyết phục, quan tâm nhiều hơn để các em tiếp tục đến trường. Năm học này, toàn xã không có HS bỏ học”.

Bức thiết nhu cầu về điện

Hiện tại, điện chính là nhu cầu bức thiết nhất của người dân Long Thành. Tổng chiều dài đường dây điện của toàn xã là 20km nhưng chỉ hạ thế được 7km. Long Thành hiện có 212/216 hộ sử dụng điện, trong đó, chỉ có 30% hộ có điện kế, còn lại sử dụng điện tổ. Đặc biệt, Long Thành còn 4 hộ chưa có điện. Người dân và chính quyền địa phương nhiều lần kiến nghị, đề xuất kéo đường dây hạ thế nhưng địa bàn quá rộng, chi phí cao nên đến nay, nhiều người vẫn thiếu điện sử dụng”.

Thiếu điện ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất, phát triển kinh tế. Trưởng ấp 4, xã Long Thành - Lê Văn Ngon chia sẻ: “Năm 2016, UBND xã đầu tư giếng nước cung cấp cho 31 hộ dân tại khu vực Kênh 9 ấp 4 với tổng kinh phí 275 triệu đồng từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, nhưng do vận hành từ điện tổ nên cường độ yếu, đường dây kéo quá xa nên giếng chỉ có thể bơm nước trực tiếp chứ không thể lọc. Trước đây, mỗi hộ dân phải bỏ ra trung bình gần 3 triệu đồng để kéo điện tổ dùng chung. Chi phí tiền điện hàng tháng lúc nào cũng gấp đôi so với những người có điện kế. HS ở đây ngày nào cũng tranh thủ học bài sớm vì đến giờ cao điểm, điện chập chờn thì không thể đọc chữ. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc học của các cháu”.

Rất nhiều cây cầu cần được xây dựng

Long Thành có 18 tuyến đê với tổng chiều dài 178km. Trong đó, chỉ có 5km được trải nhựa và 12,5km đường trải đá 0x4, còn lại là đất đen. Ngoài ra, Long Thành có 28 cầu, trong đó, có 12 cầu đạt chuẩn nông thôn mới theo lộ trình đến năm 2025, còn lại 16 cầu chưa đạt chuẩn. Con số này chẳng đáng là bao so với nhu cầu bức thiết của người dân vì Long Thành hiện còn đến 44 cây cầu có nhu cầu xây mới, chưa kể rất nhiều cầu tạm do người dân tự bắc để phục vụ đi lại.

Tổng diện tích toàn xã Long Thành là 4.338ha nhưng chỉ có 216 hộ với khoảng 1.000 người dân. Phó Chủ tịch UBND xã Long Thành - Huỳnh Diễm Phúc cho biết: Theo thói quen lâu đời, “ruộng đâu, nhà đấy” nên dân cư rất thưa thớt, có hộ ở cách nhau 3-4km. Do đó, việc vận động người dân đóng góp rất khó khăn, trong khi kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm là nhu cầu thiết yếu. Toàn xã có 11 hộ nghèo và 24 hộ cận nghèo. Người dân đa phần làm nghề nông. Đến nay, tổng thu ngân sách nhà nước chỉ mới đạt 36,35% kế hoạch (với gần 218,5/601 triệu đồng). Chính quyền địa phương kiến nghị UBND tỉnh sớm triển khai xây dựng trường học; chỉ đạo đẩy nhanh việc hạ thế đường điện, đồng thời xem xét lại mức huy động vốn dân vì đời sống người dân địa phương còn nhiều khó khăn.

Giếng nước vận hành bằng điện tổ nên cường độ yếu, đường dây kéo quá xa nên chỉ có thể bơm trực tiếp chứ không thể lọc

Theo Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa - Phạm Thành Long, năm 2015, Long Thành là 1 trong 6 xã của toàn tỉnh chỉ đạt dưới 6/19 tiêu chí nông thôn mới. Với những khó khăn hiện tại, UBND huyện tiến hành thu hồi, mua và vận động người dân hiến 1,4ha đất để xây dựng trường học tại khu vực Kênh 10, gần Quốc lộ N2. Khu vực này thích hợp xây dựng trường học vì giải quyết cho cả 2 xã Tân Lập, Long Thuận hiện cũng chưa có trường THCS. UBND huyện sẽ tính toán, cân đối ngân sách, chỉ đạo xã có quy hoạch chi tiết để từng bước tiến hành san lấp mặt bằng. Huyện kiến nghị tỉnh nhanh chóng bố trí vốn trải nhựa tuyến đường từ Quốc lộ N2 vào trung tâm xã, đầu tư và xác định thời gian thành lập trường cho HS trên địa bàn. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo UBND xã rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch, từng bước tổ chức lại dân cư sinh sống tại các trục lộ chính để thuận tiện việc đầu tư hạ tầng phục vụ người dân.

Với nhiều khó khăn, bức xúc trên, hy vọng các cấp chính quyền nhanh chóng xem xét, hỗ trợ địa phương khắc phục khó khăn, giúp người dân vượt qua chặng đường gian nan tìm chữ, nâng cao trình độ dân trí cũng như giải quyết nhu cầu bức thiết về điện, đường giao thông để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống./.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo địa phương vào tháng 6 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần đề nghị Huyện ủy, UBND huyện Thủ Thừa tích cực nghiên cứu, hỗ trợ UBND xã thực hiện lại quy hoạch từ tổng thể đến chi tiết phù hợp thực tế, đặc biệt là từng bước bố trí dân cư hợp lý để xây dựng trường học cùng hạ tầng thiết yếu phục vụ người dân. Đồng thời, dành quỹ đất, tận dụng lợi thế gần Quốc lộ N2 kêu gọi đầu tư cụm công nghiệp, khai thác các nguồn thu ngoài xã hội, góp phần cùng địa phương thực hiện các công trình hạ tầng giao thông nông thôn; giúp giải quyết việc làm cho người dân địa phương và tạo đà cho Long Thành khởi sắc. 

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết