Tiếng Việt | English

13/03/2017 - 09:43

Lan tỏa tinh hoa, giữ gìn bản sắc

Được mệnh danh là “thủ phủ” cà phê, miền đất của tiếng cồng, chiêng Tây Nguyên, Đắc Lắk ngày càng khẳng định “thương hiệu” bởi những nét riêng, độc đáo ấy. Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 với chủ đề “Hội tụ tinh hoa - Phát huy bản sắc - Liên kết phát triển”là một nhịp cầu nối dài, đưa hương sắc cà phê Buôn Ma Thuột bay xa,... Đây cũng là hoạt động nhằm bảo tồn để tiếng cồng chiêng mãi ngân vang giữa đại ngàn.

Khẳng định giá trị cà phê Buôn Ma Thuột

Từ đồn điền CADA năm xưa, nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi và đôi tay cần mẫn của đồng bào Tây Nguyên vun trồng, chăm sóc, vùng đất trồng cà phê ngày nay được mở rộng, có nhiều vùng thâm canh rộng lớn, ngày càng làm nên thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng và cả vùng Tây nguyên nói chung.

Những gian hàng phục vụ cà phê miễn phí cho khách du lịch

Nhắc đến cây cà phê, người dân Đắk Lắk rất tự hào! Bởi, cà phê nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng cao nguyên này. Đây là một trong những loại cây trồng chủ lực của vùng đất đỏ bazan.Với người Tây Nguyên, cây cà phê là linh hồn của đất, nguồn sống của con người, là loài cây gắn bó với nhiều thế hệ.

Trải qua quá trình hơn 100 năm phát triển, cà phê vùng Tây Nguyên nói chung và cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng phát triển vượt bậc, đóng góp hơn 90% sản lượng cà phê cả nước và góp phần chính yếu cho ngành cà phê Việt Nam hơn 10 năm qua liên tục giữ vững vị trí sản xuất và xuất khẩu cà phê thứ 2 trên thế giới.

Có thể nói, ngành cà phê Việt Nam đạt sứ mệnh của từng thời kỳ phát triển và chuẩn bị sang trang cho một sứ mệnh tiếp theo. Đó là sứ mệnh nâng cao giá trị, tăng gia sản xuất và xuất khẩu cà phê, phát triển bền vững trên cả 3 mặt: Kinh tế, xã hội, môi trường và giới thiệu phổ biến văn hóa thưởng thức cà phê Việt Nam, khẩu vị cà phê Việt Nam hòa nhập thế giới. Vì thế, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 tiếp tục khẳng định giá trị cà phê Ban Mê.

“Đây là hoạt động nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu mang tên gọi xuất xứ hàng hóa “Cà phê Buôn Ma Thuột”, nâng cao giá trị ngành cà phê đối với người sản xuất và kinh doanh cà phê của tỉnh Đắk Lắk cũng như trên cả nước. Qua đó, khẳng định vị thế cà phê Đắk Lắk nói riêng và vị trí quan trọng của mặt hàng cà phê Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới” - Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk - Y Bier Niê khẳng định.

Cùng với sứ mệnh chung của ngành cà phê Việt Nam, cà phê Buôn Ma Thuột tiếp tục phát triển đậm nét hơn trong từng giai đoạn để hương và vị cà phê của xứ sở này càng đa dạng, luôn thơm ngon, phù hợp với người thưởng thức trong những không gian cà phê độc đáo, ấn tượng và mang bản sắc rất riêng.

Văn hóa thưởng thức cà phê hòa cùng không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tạo nên sự tương tác hoàn mỹ, hấp dẫn, mang đậm bản sắc cà phê Buôn Ma Thuột đã phát huy và thăng hoa trên vùng đất Đắk Lắk.

Giữ gìn bản sắc văn hóa

Đêm! Ngồi nhâm nhi ly cà phê, lắng nghe tiếng cồng chiêng văng vẳng từ Quảng trường 10/3, TP.Buôn Ma Thuột trong đêm diễn tấu “Cồng chiêng Tây Nguyên” năm 2017 thật thú vị! Với chủ đề “Bản sắc trong thế giới hội nhập”, những tiết mục diễn tấu cồng chiêng một lần nữa tái hiện không gian diễn xướng đậm đà sắc màu truyền thống của loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Lễ hội Cà phê lần thứ 6 góp phần khẳng định giá trị hạt cà phê vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng

Dù cuộc sống hôm nay có phát triển, hiện đại đến đâu, dù các buôn làng có nhiều thay đổi,... nhưng, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vẫn còn sức sống. Đó là việc phục dựng các lễ hội, diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên phục vụ du khách ở TP.Buôn Ma Thuột và một số điểm du lịch trong tỉnh Đắk Lắk.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng năm 2017 diễn ra từ ngày 08-3 đến 12-3-2017 tại tỉnh Đắk Lắk với nhiều hoạt động: Hội chợ - triển lãm chuyên ngành cà phê với chủ đề: “Cà phê chất lượng vì sức khỏe cộng đồng”; đêm hội diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên; phục dựng các nghi thức, nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số; hội thi tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên; Triển lãm ảnh nghệ thuật “Cà phê Buôn Ma Thuột và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”; lễ hội đường phố; chương trình “Đêm hội vào mùa” và “Nghệ thuật đường phố” mang đậm bản sắc Tây Nguyên,...

Đặc biệt, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng năm 2017 là hình thức gìn giữ, bảo tồn để tiếng cồng chiêng ngân mãi trong cuộc sống hội nhập.

Tiếng cồng chiêng hòa cùng các điệu múa thể hiện toàn diện đời sống sinh hoạt, sản xuất của các đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên. Đó là bài chiêng “Tạ ơn, mừng lúa mới” của tộc người J’rai và Bahnar. Mừng lúa mới là phong tục lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên vẫn được giữ gìn, phát huy cho đến ngày nay.

Hòa vào tiếng cồng chiêng là lòng biết ơn hạt lúa mà Giàn đã ban cho dân làng cùng mong ước mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no. Hay đó là bài chiêng “Đón khách và giữ khách ở lại vui cùng” của người Mơnông và các nghi thức, nghi lễ cúng cầu mưa, lễ kết nghĩa anh em của dân tộc ÊĐê; lễ bắt máng nước của dân tộc SêĐăng,... mà trong đó, tiếng cồng chiêng vẫn là chủ đạo.

Tuy nhiên, cũng như các loại hình nghệ thuật dân tộc truyền thống khác, cồng chiêng Tây Nguyên sẽ dần mai một nếu không có đội ngũ kế thừa. Hiện tại, các hộ đồng bào ở Tây Nguyên lưu giữ hơn 9.800 bộ cồng chiêng nên nếu đội ngũ kế thừa “eo hẹp” thì âm vang những bộ cồng chiêng này sẽ thưa dần trong đời sống đồng bào.

Nghệ nhân Y Hiu Niê KĐăm ở TP.Buôn Ma Thuột nói rằng: “Bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không phải là đem vào cất trong kho mà phải đánh thức và làm nó lan tỏa. Đặc biệt, phải đánh thức trong đội ngũ trẻ để kế thừa. Việc truyền dạy cho giới trẻ nghệ thuật cồng chiêng không phải dễ, phải phân ra những người có năng khiếu, những người trung bình để huấn luyện thành đội diễn tấu cồng chiêng đúng nghĩa”.

Tiếng cồng chiêng sẽ mãi ngân vang, rộn rã khắp các buôn làng Tây Nguyên như một âm thanh quen thuộc trong đời sống khi bản sắc này được gìn giữ, phát huy trong quá trình hội nhập. Giữ lại những nét truyền thống thì con đường phát triển sẽ bền vững như sức sống tiếng cồng, điệu chiêng hòa quyện với hương sắc cà phê, làm nên nét riêng, mãi trường tồn trên vùng đất Đắk Lắk./.

Thùy Hương - Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết