Tiếng Việt | English

19/09/2017 - 02:30

Làng chài và những người con của biển

Trong ký ức tôi, làng chài Đề Gi ngày ấy nghèo lắm! Mấy trăm nóc nhà nằm rải rác trên động cát như sa mạc nóng bỏng qua từng mùa hè nhiệt đới...

Tôi có nhiều người thân làm nghề cá ở làng chài Đề Gi. Từ tuổi ăn tuổi học, họ tập tành theo cha, theo anh đi đánh cá gần bờ, để bây giờ, họ đều là ngư dân thực thụ của làng. Trong ký ức tôi, làng chài Đề Gi ngày ấy nghèo lắm! Mấy trăm nóc nhà nằm rải rác trên động cát như sa mạc nóng bỏng qua từng mùa hè nhiệt đới. Lũ trẻ đi học trưa về phải chạy trên cát thật nhanh để tránh nóng. Bây giờ về lại, tôi lạ lẫm trước một vùng đô thị trải dọc bờ biển đầy bóng dương liễu xanh mát. Khắp lối đi thảm nhựa đều có phố xá cao tầng lẫn thấp tầng giăng hàng.

Gần cửa Đề Gi là bãi tắm đông đúc du khách trong nước và nước ngoài đổ về, hết xuống biển tắm lại lên các quán ẩm thực đầy ắp đặc sản biển để ăn uống thỏa thích. Người ta bảo, đi Đề Gi mà không ăn gỏi cá coi như chưa đi.

Bãi tắm biển Đề Gi

Ở đây, có nhiều món gỏi cá từng làm cho viễn khách đến ăn mà nhớ đời. Nào gỏi cá trích, gỏi cá mai, nào gỏi cá cơm, gỏi cá mú,... với nước chấm là các loại trái cây quết nhuyễn pha nước mắm truyền thống thơm và ngọt tự nhiên. Rau sống có nhiều loại hái trên núi Bà như lá ngành ngạnh vừa chua, vừa chát, vừa bùi mà ở dưới đồng không trồng được.

Tôi về gặp lúc ghe tàu các loại sau chuyến vươn khơi bám biển trở về trên cảng cá. Xem báo thấy gần 20 tàu vỏ thép do cơ sở đóng tàu kém chất lượng làm xảy ra sự cố liên tục trên biển phải quay về cảng Đề Gi để xử lý. Bây giờ, trước mắt tôi là các loại tàu vỏ thép, vỏ composite và vỏ gỗ nhỏ nhất cũng 180CV trở lên neo đậu từng dọc dài trên cảng. Thuyền trưởng Võ Từ kêu mọi người lên tàu vỏ composite của mình.

Không biết chuẩn bị từ lúc nào mà Từ bê mâm đầy ắp món ăn hải sản từ ca bin ra sàn tàu. Mọi người cùng ngồi vào mâm. Dự - một ngư dân trên tàu nói, "Lâu ngày, cậu về vui với tụi con một bữa nghen! Anh em con chạy ghe từ La Gi (Bình Thuận) về cho kịp để chơi với cậu". Nghe Dự nói mà tôi cảm động! Như nhiều ngư dân tuổi 40-50 khác đưa ghe, đưa tàu từ đây đi khắp các vùng biển Đông và biển Tây đánh bắt theo từng mùa cá, anh em Dự cũng vậy, có khi đầu năm đi, cuối năm về sum họp gia đình, ăn Tết Cổ truyền rồi lại đi.

Đời ngư phủ gắn liền với biển cả. Nhà cửa khang trang như ở thành thị cũng từ các chuyến đi biển ấy mà có. Hồi sáng, tôi đến chơi nhà Tú - rể của bà chị con cậu ruột tôi. Tòa nhà hai tầng, hai gian kiểu biệt thự, tầng trên ở, tầng dưới buôn bán. Tú nói, con đi biển hoài, việc nhà để cho vợ vừa buôn bán, vừa lo cho lũ trẻ ăn học để con yên tâm đi bất cứ ngư trường nào trên biển của Tổ quốc. Bây giờ vươn khơi không còn cảm giác đơn độc đâu cậu! Trên các quần đảo của Tổ quốc mình, chỉ trừ Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, ngăn cản ngư dân mình lên đảo. Còn các đảo nào ở Trường Sa do Việt Nam quản lý thì ngư dân mình có gặp nạn hoặc ốm đau, bất cứ lúc nào cũng chạy tàu vào và được cứu giúp tận tình đó cậu!
Bảy - rể của em gái ruột tôi, cách nay hơn 3 năm, sắm một giàn lưới vây tốn hơn 300 triệu đồng. Ra đến ngư trường ở biển Tây, mở máy dò thấy màn hình hiện ra luồng cá thu đang di chuyển đông đặc, nó bấm máy định vị, kêu anh em trên tàu bủa lưới. Bỗng giàn lưới 600 thước rơi tuột xuống biển. Xem lại, lưới bị cuốn hút vào tâm điểm nước xoáy. Thế là trắng tay! Tôi hỏi, vậy cháu có bỏ biển không?

Bảy nói, bỏ sao được, cậu! Như năm 1997, mấy chục ghe cá ở đây đi đánh mực ở gần Côn Đảo. Bất ngờ sóng gió ùn ùn, mở đài nghe bão số 5 đang di chuyển về hướng Côn Đảo. Con mực mà có sóng to, gió lớn là từ đáy biển cứ trồi lên, mình lấy vợt xúc mỏi tay, quên bão luôn! Tới lúc bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 12-13,... bọn con mới réo nhau chạy. Ghe nào cũng mở hết tốc độ nhắm Côn Đảo đâm bổ tới. Nhiều ghe bị sóng đánh bay ca-bin xuống biển, ghe vỡ tan tành; có người chỉ vớ được mảnh ván làm phao bơi vô đảo. Chết hụt, mất trắng tài sản mà rồi trở về đất liền là ai nấy nhớ biển, lo sắm ghe, sắm tàu tiếp tục đi biển, chớ vắng đôi bữa chịu không nổi! Nói thật với cậu, là ngư dân, tụi con coi biển như mẹ - mẹ nhân từ, mẹ bao dung... Chỉ có Trời mới làm cho “mẹ biển” bị sóng to, gió lớn chớ mẹ biển đâu có vậy! Mẹ biển luôn hào phóng ban phát lộc cho ngư dân thôi!

Hoàng hôn trên cảng cá Đề GiNgồi trên boong tàu của Võ Tứ, giữa biển trời mênh mông, trò chuyện thân thiện, nghĩa tình cùng với các em, cháu, tôi nhìn ra cửa Đề Gi được Nhà nước đầu tư nạo vét mở rộng cho tàu bè ra vào. Những ghe tàu cá đủ loại neo đậu dọc mép cảng. Ánh hoàng hôn lấp lánh mặt đầm Đạm Thủy ở một bên cảng cá. Sách Nước Non Bình Định của Quách Tấn có viết về phong cảnh cửa Đề Gi: “Chờn vờn mặt nước cây toan lội/ Lấp lửng chân non sóng muốn trèo” là núi Lang ở bên kia cửa biển, cây núi như muốn lội ra biển và đá dưới chân núi mặc cho sóng leo trèo. Phía sau núi Lang chỉ mấy hải lý nổi lên một cụm hòn đảo xa trông như bầy trâu nằm. Người xưa có thơ: “Trâu ai cắc cớ chẳng ăn đồng/ Lúc ngúc ra nằm giữa biển Đông/ Sóng bạc lô nhô xao trước mặt/ Rong xanh tấp tểnh đóng bên hông...”. Quách Tấn cho biết, năm 1939, thi sĩ Đông Hồ và vợ là nữ sĩ Mộng Tuyết ở Hà Tiên có đến viếng cảnh Đề Gi. Nữ sĩ Mộng Tuyết nhìn xem phong cảnh, ứng khẩu: “Đề Gi có ngọn Lang Sơn/ Có đầm Đạm Thủy nước dờn dợn xanh/ Có thơ có rượu có tình/ Có trăng có gió có mình ở trong”. Ôi, cảnh tình ấy sao mà phù hợp với không khí chiều nay trên boong tàu của Võ Tứ! Toàn - ngư dân chính hiệu, gắp một lát cá mỏng cuộn tròn, chấm mù tạc, bỏ vào chén của tôi. Ăn đi cậu! Tôi hỏi món gì? Toàn nói, món gỏi cá mú. Nó nói, cá mú sống ở các rạn san hô, nhiều nhất là vùng biển Trường Sa của Việt Nam mình. Tụi con bắt cá mú bằng cách mang thiết bị lặn xuống rạn san hô, dùng súng bắn lưỡi câu móc vào cá, rồi phăng sợi dây câu kéo cá ra mà bắt; hoặc dùng bình hơi cay xịt vào cá, rồi lấy vợt đón cá chui ra khỏi rạn san hô. San hô thì tầng tầng lớp lớp tạo hang ổ, gọi là “nhà cá”.

Toàn đưa cái thố mở nắp cho tôi xem. Đố cậu cá gì đây? Tôi thấy một khoanh đỏ tươi, nói thịt bò. Toàn cười: Cá nin-za đó cậu. Để con nướng cho cậu ăn. Tôi nói theo sách vở: Đến nay, các nhà chuyên môn chỉ mới biết biển Đông Việt Nam có 2.000 loài cá, trong đó có 130 loài có giá trị kinh tế cao.

Bình Định với hơn 134km bờ biển, cũng có đến hàng trăm loại cá, trong đó, hàng chục loại cá có giá trị kinh tế cao: 68% là cá nổi, 35% cá đáy thuộc nhóm cá đại dương và cá ven bờ; các rạn san hô có tôm hùm, cua huỳnh đế, sò điệp, cá mú, cá ngựa,... phải không? Cậu đọc báo thấy nói về người Hàn và người Nhật rất chú tâm xây dựng nền văn hóa biển trong suốt diễn trình lịch sử của họ; tạo nên tâm lý hướng biển, kích thích hoạt động khai thác biển; nuôi dưỡng lòng tự hào thành tựu chinh phục biển cho các thế hệ người dân của bọ. Chúng ta cũng vậy thôi! Cần bồi đắp truyền thống văn hóa biển, thành tựu khai thác và chinh phục biển,...

Xưa, Đội hùng binh Hoàng Sa của cha ông ta ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) từng cưỡi sóng, đè gió ra cắm và bảo vệ cột mốc chủ quyền biển, đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa của Tổ quốc chúng ta. Đỗ Tứ vọt miệng: Cậu nói phải! Ước gì Nhà nước có bảo tàng văn hóa biển và truyền thống nghề cá qua các thời kỳ, hả cậu?.../.

Quang Hảo 

Chia sẻ bài viết