Tiếng Việt | English

20/08/2020 - 14:18

Lắng nghe trẻ em nói

Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và Hội đồng Đội tỉnh Long An vừa có cuộc giao lưu, đối thoại với gần 300 thanh, thiếu nhi trong tỉnh xoay quanh các vấn đề công tác giáo dục, điều kiện học tập; phòng, chống xâm hại trẻ em; tình trạng đuối nước, tai nạn, thương tích ở trẻ và bạo lực học đường;…

Em Lê Nguyễn Anh Thư - học sinh lớp 5/2, Trường Tiểu học Lê Văn Khuê (huyện Châu Thành), quan tâm đến việc sử dụng lại sách giáo khoa

Em Lê Nguyễn Anh Thư - học sinh lớp 5/2, Trường Tiểu học Lê Văn Khuê (huyện Châu Thành), quan tâm đến việc sử dụng lại sách giáo khoa

Mở đầu cuộc đối thoại, Lê Nguyễn Anh Thư - học sinh (HS) lớp 5/2, Trường Tiểu học Lê Văn Khuê (huyện Châu Thành), đặt câu hỏi: Một số đầu sách có nội dung thay đổi gây khó khăn cho HS có hoàn cảnh khó khăn vì không thể sử dụng lại bộ sách giáo khoa cũ. Vì vậy, các ngành, các cấp có giải pháp như thế nào?

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Lê Thị Song An cho rằng, hiện nay, bộ sách giáo khoa ở các cấp cơ bản không có nhiều thay đổi, do đó, HS sau khi học xong, có thể để lại cho em, cháu lớp dưới sử dụng. Các trường cũng vận động quyên góp sách cũ nhằm hỗ trợ HS có hoàn cảnh khó khăn. Riêng sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 được cải cách với những hình ảnh minh họa đẹp, sống động và không viết, làm bài tập hẳn vào sách như mấy năm trước, do đó, hoàn toàn có thể sử dụng lại.

Song song đó, HS thị xã Kiến Tường quan tâm đến các vấn đề tình trạng nhà vệ sinh bẩn, xuống cấp, thiếu quạt ở các lớp học. HS huyện Mộc Hóa băn khoăn, nhiều trường học bán đồ ăn, nước uống trước cổng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. HS huyện Đức Huệ và Bến Lức cho biết, địa phương thiếu sân chơi cho thiếu nhi khiến các em không có những buổi học về hoạt động giải trí, rèn luyện kỹ năng, nhất là những môn như múa, aerobic,…

Bà Lê Thị Song An cho biết: Toàn tỉnh hiện có 926/950 điểm trường có nhà vệ sinh, chiếm 97,5%. Trong đó, nhiều nhà vệ sinh được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp, trong khi nguồn tài chính hàng năm chỉ đáp ứng sửa chữa nhỏ. Cùng với lượng HS đông, nếu không giữ gìn vệ sinh chung rất dễ mất vệ sinh. Do đó, quan trọng là sự chung tay giữ gìn vệ sinh của HS. Nhà trường cũng tẩy rửa nhà vệ sinh mỗi khi vào năm học mới. Ngoài 298/592 trường đạt chuẩn quốc gia bảo đảm trang thiết bị cho HS, nhiều trường tranh thủ nguồn vốn xã hội hóa trang bị thêm quạt cho HS vào mùa nắng nóng.

Liên quan về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trường học, nhiều trường phối hợp ban, ngành, đoàn thể địa phương vận động không bán trước cổng trường nhưng tình trạng này vẫn còn xảy ra. Bà Song An cho rằng, có người mua sẽ có người bán nên nếu các em thấy không hợp vệ sinh thì không nên ăn. Còn đối với căng tin trong trường học là do các trường trực tiếp quản lý, nếu phát hiện bánh kẹo, đồ ăn không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn vệ sinh, Sở sẽ xử lý kịp thời. Tuy nhiên, đây là vấn đề còn nhiều hạn chế, vì không phải ban giám hiệu trường nào cũng quan tâm đến chất lượng hàng bán cho trẻ em trong căng tin.

“Phòng, chống bạo lực học đường là vấn đề mà các ngành, các cấp rất quan tâm, đặc biệt cấp THCS và THPT. Hiện địa bàn tỉnh chỉ có vài trường hợp bạo lực học đường. Bên cạnh những văn bản chỉ đạo của ngành, các em HS cũng cần trang bị kỹ năng sống cho mình để nhận biết và phòng, chống bạo lực học đường” - Phó Trưởng phòng Quản lý công tác xã hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội - Nguyễn Thị Liên cho biết.

Theo Trưởng ban Công tác thanh niên Tỉnh đoàn - Trần Quốc Quân, việc tổ chức sân chơi cho các em thiếu nhi vùng xa được Tỉnh đoàn giao cho Huyện đoàn, tập trung nguồn lực thiết kế sân chơi cho các em như Hành trình thứ 2 của lốp xe. Ở khu vực địa bàn dân cư, công tác Đoàn, Đội cũng thường xuyên xây dựng hoạt động trải nghiệm thực tế cho các em sau giờ học.

Tại cuộc đối thoại, Diễn giả, chuyên gia tâm lý - Tiến sĩ Huỳnh Anh Bình chia sẻ những kỹ năng xử lý cần thiết khi bản thân các em hoặc bạn bè là đối tượng bị bạo lực cũng như cách phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trong lứa tuổi thanh, thiếu nhi.

Qua cuộc đối thoại, đại diện các sở, ngành tỉnh, Hội đồng Đội tỉnh nắm bắt tình hình thực tế tại cơ sở và kịp thời giải quyết những vấn đề mà đại diện lực lượng thanh, thiếu nhi trong tỉnh đề xuất, kiến nghị./.

Hà Lan

Chia sẻ bài viết