Tiếng Việt | English

05/05/2018 - 20:07

Lặng thầm những bước chân nơi biên giới

Dù nắng cháy hay mưa dầm, hàng ngày, trên suốt tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia qua địa bàn tỉnh Long An vẫn in đậm dấu chân của những chiến sĩ biên phòng (BP) tuần tra bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Công tác phối hợp trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới luôn được tăng cường

Công tác phối hợp trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới luôn được tăng cường

Bước chân anh in vào từng tấc đất biên cương

Giữa tháng 4, chúng tôi ngược về Đồn Biên phòng (ĐBP) Sông Trăng, đây là ĐBP xa nhất của tỉnh. Đồn đang quản lý 15,2km đường biên từ ĐBP Bến Phố đến khu vực ĐBP Thông Bình, tỉnh Đồng Tháp; đồng thời tiếp giáp xã Crúa, xã Chàm, xã Chieng Đek, huyện Công Pong T’ra Bek, tỉnh Prey Veng và xã Svay Thum, huyện Svay Chum, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia.

Cái nắng như đổ lửa khiến con đường từ cầu Hữu Nghị 1 về đến đồn mờ bụi biên cương. Ngày thứ bảy, hầu hết cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đang làm nhiệm vụ trên các trạm BP theo dọc tuyến biên giới do đồn quản lý. Tiếp chúng tôi, ngoài Đại úy Nguyễn Xuân Linh - Chính trị viên phó ĐBP Sông Trăng, còn có một số CBCS khác. Đại úy Linh cho biết: “Mặc dù cuối tuần là ngày nghỉ của mọi người nhưng với riêng lực lượng bộ đội BP vẫn thay nhau tuần tra, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc”. 

Theo Đại úy Nguyễn Xuân Linh, đồn đang quản lý 1 mốc đôi và 13 vị trí mốc phụ. Mỗi ngày, CBCS của đồn chia 2 tổ tuần tra khép kín trên dọc tuyến biên giới; hàng đêm, duy trì các tổ tuần tra phối hợp giữa CBCS BP và lực lượng công an, quân sự các xã biên giới. “Tuy khu vực đồn quản lý tình hình ổn định, song trong công tác tuần tra bảo vệ biên giới cũng gặp những khó khăn nhất định. Vào mùa mưa, 5km đường tuần tra cuối cùng trên tuyến biên giới Long An tiếp giáp tỉnh Đồng Tháp không thể di chuyển bằng xe máy. Mỗi khi mưa, CBCS đi bộ từng bước trên con đường lầy lội. Mặc dù vậy nhưng ai cũng hết lòng vì công việc, bởi bảo vệ, giữ vững biên cương là trách nhiệm thiêng liêng của chiến sĩ BP” - Đại úy Nguyễn Xuân Linh cho biết. 

Rời ĐBP Sông Trăng, chúng tôi ghé thăm ĐBP Bến Phố. Con đường tuần tra biên giới do đồn quản lý được thảm bêtông. Trên chiếc xe máy, vừa đi, vừa trò chuyện, Thiếu tá Hoàng Văn Dũng - Chính trị viên của đồn, kể tường tận từng đoạn đường, từng khu vực vị trí mốc giới do đồn quản lý. Anh cho biết: “Đồn đang quản lý 22,5km đường biên giới, trong đó có 17,5km đường sông và 5km đường bộ, tiếp giáp 4 xã: Ba Sắc, Chàm Loong, Chàm Book và Crúa, huyện Svay Chum, tỉnh Svay Rieng (Campuchia). Trên tuyến biên giới đồn quản lý được bố trí 4 trạm BP và các đội kiểm soát hành chính thực hiện kiểm tra khép kín toàn tuyến. Hàng tuần, đội vũ trang của đồn duy trì việc tuần tra suốt tuyến. Năm 2017, đồn tổ chức được 1.440 tổ với 7.200 lượt CBCS tham gia tuần tra bảo vệ biên giới. Ngoài ra, đồn còn phối hợp các lực lượng đứng chân trên địa bàn tổ chức gần 100 cuộc tuần tra với 480 người tham gia. Riêng 3 tháng đầu năm 2018, đồn tổ chức 360 lượt tuần tra, kiểm soát. Mỗi tấc đất biên cương đều in đậm dấu chân những người chiến sĩ BP” - Thiếu tá Hoàng Văn Dũng chia sẻ.

Thiêng liêng bên mốc giới Tổ quốc

Cũng giống như các ĐBP khác trên tuyến biên giới của tỉnh, con đường tuần tra biên giới do ĐBP Tuyên Bình quản lý tuy chỉ hơn 6km nhưng để đến được tuyến đường tuần tra biên giới, CBCS của đồn phải băng xuồng rồi lội bộ hoặc vòng lên thị xã Kiến Tường rồi ngược xuống. Vậy mà, mỗi ngày, hàng chục lượt CBCS của đồn thay nhau tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an toàn trên tuyến. Chỉ tính riêng trong năm 2017, đồn tổ chức tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc được 400 buổi với gần 2.800 lượt CBCS tham gia. Từ đầu năm 2018 đến nay, đồn tổ chức 211 buổi với gần 1.500 lượt CBCS tham gia,... Dù mỗi năm tham gia hàng trăm cuộc tuần tra nhưng mỗi lần đứng giữa biên giới, đặc biệt là đứng bên cột mốc đều mang đến cho những chiến sĩ BP những cảm xúc thiêng liêng.

Trên đường tuần tra

Trên đường tuần tra

Vừa ra trường, chiến sĩ Dư Đình Bằng, quê ở Hà Nội, nhận nhiệm vụ tại Bộ đội BP Long An. Sau 16 năm, nay anh là Đồn trưởng ĐBP Tuyên Bình. Dù là cán bộ quản lý của đồn nhưng anh vẫn thường xuyên cùng lực lượng CBCS trực tiếp tham gia tuần tra trên tuyến biên giới. Trải qua hàng ngàn buổi tuần tra nhưng mỗi lần làm nhiệm vụ đều cho anh những cảm xúc, đặc biệt nhất là lúc chào cột mốc trên đường tuần tra. Anh cho biết: “Trên đường tuần tra, đến mỗi cột mốc, sau khi làm công tác kiểm tra, dọn dẹp, phát quang, CBCS đều thực hiện nghi thức chào cột mốc. Dù thực hiện nghi thức này hàng ngàn lần nhưng cảm giác mỗi lần đứng chào bên cột mốc rất khó tả, thiêng liêng, trang trọng, bởi nó khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia”. Cũng như người chỉ huy của đơn vị, chiến sĩ Lê Tấn Đạt, dù mới đứng trong quân ngũ chưa tròn năm nhưng đã trực tiếp tham gia hàng trăm cuộc tuần tra cùng đồng đội. Đến nay, từng khu vực đường biên, cột mốc đều trở nên thân thuộc với anh. “Mỗi lần chào cột mốc, những chiến sĩ như tôi luôn cảm thấy vinh dự, thiêng liêng giữa bao la đất trời nơi biên giới. Được tham gia trực tiếp công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới là niềm vinh dự với mỗi chiến sĩ quân hàm xanh”. 

Đại tá Đoàn Văn An - Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội BP Long An, cho biết: “Dù nắng cháy hay mưa gió, trên suốt tuyến biên giới giữa Việt Nam và Vương quốc Campuchia qua tỉnh Long An, hàng ngày, vẫn hằn dấu chân những người chiến sĩ BP để bảo vệ, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, giữ bình yên cho nhân dân”./.

Thụy Anh

Chia sẻ bài viết