Băn khoăn sắp xếp trường lớp
Về việc sắp xếp trường lớp, chủ trương của lãnh đạo tỉnh Cà Mau là các trường phải đảm bảo việc sắp xếp sĩ số đạt 42 học sinh/lớp đối với bậc Trung học và 33 học sinh/lớp đối với Tiểu học. Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau có báo cáo bước đầu việc thực hiện sắp xếp lại trường lớp, kết quả cho thấy, việc sắp xếp cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, ở nhiều huyện, kết sắp xếp đạt còn thấp.
Năm học mới đã cận kề, các trường trên địa bàn Cà Mau đang tích cực sắp xếp trường lớp, giáo viên
Thực tế tại huyện Đầm Dơi, trong tổng số 31 điểm trường chính của bậc Tiểu học chỉ có 6 trường sắp xếp đạt sĩ số 33 học sinh/lớp. Theo ông Tạ Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, thực hiện việc sắp xếp trường lớp, huyện đã xóa hết các điểm lẻ ở bậc học THCS, bậc tiểu học cũng chỉ giữ lại điểm lẻ cần thiết nhưng việc sắp xếp trường lớp vẫn chưa đạt như chỉ đạo của tỉnh. Nguyên nhân là do dân cư trên địa bàn phân tán, nhiều điểm trường chính mỗi khối chỉ có một lớp và sĩ số không đủ theo yêu cầu phải sắp xếp.
Những điểm trường này lại cách các điểm trường khác đến 7 – 8 km nên muốn xóa thì không thể; còn sắp xếp lại thì không đủ số lượng học sinh. Cũng từ vấn đề học sinh ít mà kinh phí hoạt động của các trường vùng sâu, vùng xa cũng rất hạn chế.
PGS.TS Trần Văn Minh, Phó trưởng Khoa Sư phạm, phụ trách Trường THPT Thực hành Sư phạm (Đại học Cần Thơ): Đối với khối trung học, sĩ số khoảng 35-36 học sinh/lớp là lý tưởng cho công tác chủ nhiệm cũng như công tác giảng dạy. Tuy nhiên, cần xét theo điều kiện cụ thể, tại trung tâm các thành phố lớn do số lượng học sinh đông thì sĩ số lớp phải nhiều hơn nhưng giới hạn cũng không nên quá 40 học sinh/lớp. Đặc biệt, theo phương pháp mới, dạy học phát triển năng lực, phát huy tính tích cực của học sinh thì lớp quá đông sẽ rất khó cho giáo viên. |
Từ những khó khăn trên địa bàn, ông Tạ Thanh Vũ kiến nghị cần có cơ chế đặc thù cho địa phương. “Với đặc thù của huyện Đầm Dơi như vậy, nếu tính theo trường lớp để cấp kinh phí hoạt động là rất khó, nên có cơ chế đặc thù vùng miền. Ví dụ, bình quân học sinh ở trường thị trấn thì kinh phí hoạt động sẽ thoải mái nhưng trường vùng sâu, vùng xa thì rất khó. Cần có cơ chế tính vùng miền cụ thể, nếu cần thiết thì kiến nghị nên bộ ngành trung ương”- ông Tạ Thanh Vũ cho biết.
Còn theo thầy Võ Văn Thử, Hiệu trường Trường THPT Thới Bình, chủ trương phải sắp xếp đạt 42 học sinh/lớp, có thể làm được nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn và chất lượng giáo dục sẽ bị ảnh hưởng.
Cụ thể, hiện nay đa phần phòng học tại các trường trung học của Cà Mau có diện tích 48m2 (ngang 6m, dài 8m). Tiêu chuẩn Quốc gia 8794 (2011) về yêu cầu thiết kế trường trung học thể hiện rõ, phòng học phải đảm bảo 1,5m/học sinh. Như vậy, phòng học của các trường chỉ đảm bảo cho 32 học sinh. Tuy nhiên, xét trong nhu cầu và điều kiện thực tế, lớp học nhiều hơn vẫn được nhưng lên đến 42 sẽ rất khó cho cả người dậy và học.
“Đối với việc dạy thì phòng học quá chật hẹp. Hiện nay chúng ta đang thực hiện đổi mới phương pháp dạy học. Giáo viên phải xoay bàn để chia học sinh thành từng nhóm thảo luận. Với số lượng 42 học sinh, nhiều bàn ghế ở trong 1 phòng thì không thể xoay bàn được để đối mới phương pháp. Số lượng 42 học sinh/lớp sẽ gây khó khăn cho nhà trường, chất lượng dạy và học sẽ ảnh hưởng”- thầy Võ Văn Thử nêu cụ thể.
Trường THPT Thới Bình đang gặp khó khăn trong việc sắp xếp trường lớp
Cũng theo thầy Thử, nếu ấn định sĩ số lớp 42 sẽ rất khó cho các trường trong việc sắp xếp sĩ số lớp, nhất là đối với khối 12. Thực tế tại trường THPT Thới Bình, năm học 2018- 2019, trường có 153 học sinh đăng ký thi khối C. Nếu trường chia làm 3 lớp thì vượt quá số lượng học sinh cho phép nhưng chia làm 4 lớp cũng sai do không đạt đủ số 42 học sinh/lớp theo chỉ đạo của tỉnh. Từ đó, trong việc sắp xếp trường lớp, thầy Thử kiến nghị cần uyển chuyển hơn chứ cứng nhắc như chỉ đạo thì rất khó thực hiện.
Liên quan vấn đề này, trong buổi họp thông tin kết quả bước đầu về công tác rà soát, sắp xếp trường lớp, giáo viên trên địa bàn ngày 15/8 vừa qua, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Văn bản chỉ đạo là như thế nhưng các địa phương, các trường mềm dẻo thực hiện. Việc áp sĩ số là lấy trung bình chứ không phải cứng nhắc chỗ nào cũng 42 và 33 học sinh/lớp. Nếu sắp xếp không đạt do khách quan thì các địa phương phải báo cáo cụ thể để UBND tỉnh sẽ kiểm tra, xem xét.
“Sáng cửa” cho giáo viên hợp đồng
Trong cuộc họp này, UBND tỉnh Cà Mau đã mời tất cả các phóng viên và cộng tác viên các cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn tham dự và ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh này cũng đã làm rõ thông tin cắt hợp đồng 1400 giáo viên.
Theo ông Hải, không phải cắt hợp đồng rồi hợp đồng lại mà chủ trương của tỉnh là rà soát, sắp xếp lại trường lớp. Sau đó mới tính tới việc sắp xếp giáo viên.
Người đứng đầu UBND tỉnh Cà Mau giao các trường, các huyện, thành phố tự rà soát, sắp xếp trường lớp, giáo viên và phải báo cáo về trước ngày 31/8. Về hướng rà soát, sắp xếp giáo viên thì các địa phương phải xác định cụ thể giáo viên thừa ở đâu, thừa như thế nào, thừa cấp nào, thừa môn nào để làm cơ sở điều chuyển phù hợp.
Riêng về giáo viên hợp đồng, các trường phải phân loại giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn, dưới chuẩn rồi xét theo các thứ tự ưu tiên: Hoàn thành tốt nhiệm vụ; có nhiều đóng góp trong quá trình giảng dạy; thâm niên; hoàn cảnh gia đình. Sau đó, các trường phải lập danh sách xếp theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới rồi triển khai đến từng giáo viên. Tất cả phải công khai, minh bạch, bảo đảm công bằng giữa các giáo viên, không để xảy ra việc chạy chọt, tiêu cực.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nói rõ về việc cắt giảm giáo viên hợp đồng
“Không có câu chuyện chạy chọt. Dẫn đến người mới hợp đồng 1-2 năm thì được tiếp tục còn người đã giảng dạy hơn 10 năm thì bỏ người ta ra, không có chuyện đó. Không có chuyện, người giảng dạy không ra gì thì được hợp đồng tiếp còn người làm tốt, cống hiền nhiều năm bỏ ra. Phải lập sẵn danh sách những người hợp đồng theo thứ tự ưu tiên để khi thiếu mình đưa hợp đồng lại”- ông Nguyễn Tiến Hải cho biết.
Sau khi sàng lọc, sắp xếp xong, những giáo viên không đạt yêu cầu sẽ cắt hợp đồng. Ngay cả giáo viên trong diện biên chế cũng phải xem xét, sắp xếp lại phù hợp. Về phương án xử lý giáo viên dôi dư, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu nhu cầu của tỉnh khi còn đang thiếu nhiều giáo viên bậc mầm non, có thể sắp xếp số lượng giáo viên dôi dư nhưng phải đào tạo thế nào, cách nào để đáp ứng nhu cầu bậc học này phù hợp. Ngoài ra, tỉnh Cà Mau đang có Chương trình Xuất khẩu lao động, sẽ ưu tiên những giáo viên bị cắt hợp đồng này trước nếu có nhu cầu./.
Ngày 18/5, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh này tại cuộc họp bàn về biên chế và kinh phí của ngành giáo dục. Kết luận thể hiện, sẽ chấm dứt hợp đồng với 264 giáo viên hợp đồng thuộc các trường THPT trên địa bàn.
Trong buổi họp báo liên quan việc chấm dứt hợp đồng với 264 giáo viên vào cuối tháng 5 vừa qua, ngành chức năng Cà Mau cho biết sẽ rà soát và sắp xếp trường lớp, giáo viên trên địa bàn toàn tỉnh.
Ngày 28/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau họp báo và thông tin sẽ cắt hợp đồng với hơn 1400 giáo viên trên địa bàn. Lý do cắt là do các trường, các địa phương tự hợp đồng mà chưa được chủ trương của Chủ tịch UBND tỉnh này.
Ngày 1/8, Ban Tuyên giáo Cà Mau họp báo, cho biết: không cắt hợp đồng tất cả 1400 giáo viên hợp đồng mà phải đợi rà soát, sắp xếp lại mới biết ai bị cắt ai không.
Đến hiện tại, vẫn chưa biết có giáo viên bị cắt hợp đồng hay không và có bao giáo viên bị cắt hợp đồng.
|
Theo VOV.VN