Tiếng Việt | English

09/02/2022 - 20:29

LHQ cảnh báo con người đang ngày càng cảm thấy lo lắng, bất an

Theo báo cáo của UNDP, thế giới đang trở nên giàu có hơn bao giờ hết, song phần lớn con người lại cảm thấy lo lắng về tương lai và đại dịch COVID-19 phần nào làm sâu sắc hơn những cảm xúc này.


Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 8/2, người dân ở hầu hết các quốc gia đều cảm thấy bất an, cứ 7 người trên thế giới thì 6 người trải nghiệm cảm xúc này.

Trong báo cáo mang tên"Các mối đe dọa mới đối với an ninh con người trong kỷ nguyên Anthropocene" (New Threats to Human Security in the Anthropocene), giới chức Liên hợp quốc cho rằng kể cả các quốc gia có chất lượng y tế, vật chất và giáo dục ở mức cao nhất cũng đang ghi nhận trạng thái bất an ở người dân gia tăng so với một thập kỷ trước đó.

Tổng giám đốc UNDP, ông Achim Steiner, cho biết thế giới nhìn chung đang trở nên giàu có hơn bao giờ hết, song phần lớn con người lại cảm thấy lo lắng về tương lai và đại dịch COVID-19 phần nào càng làm sâu sắc hơn những cảm xúc này.

Theo ông Steiner, trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không kiểm soát, con người đã phá hủy thế giới tự nhiên, trong khi bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng, cả trong và giữa các quốc gia.

Ông cho rằng cần nhìn nhận lại những dấu hiệu căng thẳng trong xã hội và xác định lại ý nghĩa thực sự của quá trình tiến bộ.

Báo cáo cũng kêu gọi sự đoàn kết giữa các quốc gia để giải quyết tình trạng mất kết nối giữa phát triển và khái niệm an ninh được xác định. UNDP cũng ủng hộ một cách tiếp cận mới hướng tới sự phát triển với hy vọng giúp mọi người không còn bị chi phối bởi mong muốn, nỗi sợ hãi hay lo lắng.

Theo ông Steiner, con người cần một mô hình phát triển phù hợp với mục đích được xây dựng dựa trên cơ sở bảo vệ và khôi phục hành tinh, với những cơ hội bền vững mới cho tất cả mọi người.

UNDP lần đầu đưa khái niệm về an ninh con người vào "Báo cáo phát triển con người" năm 1994. Văn kiện này đánh dấu bước ngoặt, chuyển đổi hoàn toàn từ ý tưởng rằng an ninh con người chỉ nên được đánh giá dựa trên an ninh lãnh thổ, sang việc cần phải tính đến các nhu cầu cơ bản, phẩm giá và sự an toàn của người dân, để họ có thể sống một cuộc sống "an toàn" trên nhiều phương diện.

UNDP cho rằng cần triển khai các hành động kịp thời, trong bối cảnh năm thứ 2 liên tiếp, đại dịch COVID-19 đã làm giảm tuổi thọ trung bình trên toàn cầu, cũng như các thước đo sự phát triển tổng thể của con người.

Theo báo cáo, tình trạng biến đổi khí hậu cũng có thể trở thành lý do chủ yếu dẫn đến các trường hợp tử vong trên thế giới tính đến cuối thế kỷ này, thậm chí có nguy cơ cướp đi sinh mạng của 40 triệu người kể cả khi lượng khí thải đã được cắt giảm ở mức vừa phải.

Báo cáo cũng tìm hiểu các nguy cơ đang dần hiện hữu rõ nét trong những năm gần đây, bao gồm các mối đe dọa bắt nguồn từ công nghệ kỹ thuật số, bất bình đẳng gia tăng, xung đột và khả năng hệ thống chăm sóc sức khỏe phản ứng với những thách thức mới như đại dịch.

Các tác giả báo cáo cho rằng, giải quyết các nguy cơ này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải xem xét việc bảo vệ, trao quyền và đoàn kết với nhau để an ninh con người, các yếu tố về hành tinh và sự phát triển của con người, có thể hòa hợp với nhau.

Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc Văn phòng Khủng hoảng UNDP, bà Asako Okai, cho biết báo cáo nhấn mạnh sự cấp thiết của việc xây dựng ý thức đoàn kết toàn cầu dựa trên ý tưởng về an ninh chung.

Đặc biệt, đại dịch COVID-19 cho thấy các quốc gia dường như không thể ngăn chặn tình trạng các biến thể mới lây lan giữa các vùng lãnh thổ. Do đó, sự an toàn của một cộng đồng cũng được đảm bảo dựa trên độ an toàn của các cộng đồng láng giềng.

Báo cáo cũng chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa việc suy giảm độ tin cậy và cảm giác bất an. Cụ thể, những người có độ bất an cao hơn thường có độ tin tưởng thấp hơn 3 lần.

Bên cạnh đó, báo cáo cho thấy hệ thống y tế giữa các nước đang được mở rộng. Một chỉ số mới trong báo cáo cho thấy gia tăng chênh lệch về hiệu quả chăm sóc sức khỏe giữa các quốc gia có trình độ phát triển con người ở mức thấp và rất cao, trong khoảng thời gian từ năm 1995-2017./.

Hoàng Châu (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết