Tiếng Việt | English

26/11/2018 - 15:01

Liên kết tiêu thụ sản phẩm

Thời gian qua, nhờ liên kết sản xuất - bao tiêu sản phẩm, nông sản do nông dân trên địa bàn tỉnh Long An sản xuất có đầu ra ổn định tại thị trường trong nước và tiềm năng sang các thị trường xuất khẩu.

Liên kết để tiêu thụ

Đối với cây lúa, từ năm 2014 đến nay, tỉnh triển khai thực hiện trên 320 lượt cánh đồng với diện tích gần 100.000ha, chủ yếu ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười. Riêng năm 2017, diện tích cánh đồng lớn (CĐL) giảm 2.523ha so với năm 2016. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, liên kết để sản xuất là rất cần thiết, trong đó hợp tác xã (HTX) có vai trò quan trọng liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Hiện nay, đối với cây lúa, có 11 HTX tham gia liên kết sản xuất với các công ty: Cổ phần Tân Đồng Tiến, Lương thực Long An, Cổ phần Xây lắp - Cơ khí và Lương thực thực phẩm (Mecofood), Cổ phần Đầu tư - Nghiên cứu và Xuất khẩu gạo thơm ITA-RICE với diện tích hơn 5.000ha. Các doanh nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt phương án (dự án) CĐL với diện tích gieo trồng đến năm 2020 là 103.800ha nhằm bảo đảm đầu ra cho nông sản và xây dựng thương hiệu lúa gạo trên địa bàn tỉnh.

Hợp tác xã có vai trò quan trọng liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp

Hợp tác xã có vai trò quan trọng liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp

Giám đốc HTX Gò Gòn (huyện Tân Hưng) - Trương Hữu Trí cho biết: “HTX cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân thông qua hợp đồng từ đầu vụ; đồng thời hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật để nông dân chủ động và mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Qua đó, chất lượng sản phẩm luôn bảo đảm và gom đủ nguồn hàng theo đúng thời hạn hợp đồng với doanh nghiệp. Nhờ vậy, doanh nghiệp thu mua sản phẩm của HTX tăng lên, HTX có nguồn cung cấp lúa ổn định, nông dân sản xuất hiệu quả. HTX hiện có 149 hộ thành viên, tổng diện tích sản xuất trên 1.164ha, trong đó, lúa là cây trồng chủ lực, canh tác chính trong 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu”.

Không riêng gì cây lúa, cây rau hiện nay có 16 HTX và 41 tổ hợp tác (THT) tham gia liên kết sản xuất với 5 doanh nghiệp: Công ty TNHH Phước Sơn, Công ty TNHH Việt Thanh, Co.opMart, Công ty Tâm Tuấn Phát, Công ty TNHH Aeon Việt Nam. Hình thức liên kết là hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm cho nông dân,... Thời gian qua, tỉnh hỗ trợ HTX Rau an toàn Phước Hòa tham gia điểm bán rau an toàn tại chợ phường 2 - TP.Tân An, Cần Đước, Cần Giuộc, Thạnh Hóa, Tân Thạnh và 3 HTX (Rau an toàn Tân Hiệp, Tân Vạn Hưng, Rau an toàn Phước Hiệp) tham gia Chợ phiên nông sản an toàn tại TP.HCM; xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho 8 HTX (HTX Rau, củ, quả an toàn Tân Hiệp; Rau an toàn Phước Hiệp; Rau an toàn Phước Hòa; Tân Vạn Hưng; SX-TM-DV Phước Thịnh; Long Khê; Đồng Thuận; Tân Tiến).

Cây thanh long có 13 THT và 5 HTX tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ với diện tích khoảng 209ha; 65 cơ sở kinh doanh thu mua, sơ chế thanh long vùng Long An và Tiền Giang; 3 HTX (Thanh long Tầm Vu, Vạn Thành, Long Hội) xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa; 2 HTX (Long Hội, Dịch vụ nông nghiệp Dương Xuân) sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành) - Trương Quang An chia sẻ: “Để hỗ trợ thành viên, HTX không ngừng đẩy mạnh khâu tiếp thị; phối hợp sở, ngành tỉnh mở rộng xúc tiến tiêu thụ sản phẩm ra thị trường quốc tế; mở rộng liên kết với các HTX trong vùng, kết nạp thêm thành viên, nhằm tăng diện tích trồng thanh long theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Hiện sản phẩm thanh long của HTX không chỉ được ưa chuộng tại thị trường trong nước mà còn vươn tầm tới nhiều thị trường quốc tế khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Hồng Kông, Ấn Độ..., giảm thiểu sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (chỉ còn khoảng 30% tổng sản lượng xuất khẩu)”.

Riêng cây chanh có 4 HTX liên kết sản xuất với Công ty TNHH MTV Fruit Republic Cần Thơ. Diện tích liên kết ước khoảng 500ha với 250 hộ tham gia. Trong đó, công ty hỗ trợ kinh phí cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP cho 11 hộ với diện tích 40ha, sản lượng khoảng 810 tấn/năm tại xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Cần tạo mối liên kết bền vững

Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An - Đặng Thị Liên cho rằng: “Việc liên kết giữa doanh nghiệp - nông dân ngày càng đa dạng. Để tạo mối liên kết bền vững, cần sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân, đơn vị liên quan. Chính quyền cơ sở và cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường công tác hướng dẫn xây dựng mô hình liên kết cụ thể để nông dân và doanh nghiệp thấy được lợi ích mang lại, từ đó có trách nhiệm thực hiện đúng các nội dung cam kết. Doanh nghiệp có kế hoạch cụ thể về nhu cầu, khả năng tiêu thụ sản phẩm để ký kết hợp đồng với nông dân, có như vậy liên kết mới bền vững”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: “Ngành sẽ phối hợp địa phương khuyến cáo nông dân phương thức sản xuất; hỗ trợ nông dân lựa chọn các đối tác liên kết; đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách về kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng CĐL; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tham gia quản lý, kiểm tra và giám sát thực hiện hợp đồng giữa các bên liên quan. Bên cạnh đó, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ; hướng nông dân sản xuất đồng loạt theo quy trình tạo vùng nguyên liệu lớn thuận tiện cho doanh nghiệp bao tiêu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ thành lập các mô hình điểm về kinh tế hợp tác, liên kết “4 nhà” để tạo mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho nông sản trên địa bàn tỉnh”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết