Tiếng Việt | English

29/09/2022 - 17:20

Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản - Yếu tố quyết định thành công và bền vững trong sản xuất nông nghiệp

Thời gian qua, nông dân trên địa bàn tỉnh Long An tích cực liên kết, hình thành được nhiều hợp tác xã (HTX) để phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy mô hàng hóa lớn, nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh thành lập được 221 hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN), trong đó có 192 HTX đang hoạt động và được đánh giá là hoạt động tương đối hiệu quả.

Nhu cầu cần thiết

Thời gian qua, các HTXNN dần khẳng định vai trò tích cực trong việc liên kết giữa các hộ nhỏ, lẻ để hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn, bảo đảm an toàn và chất lượng, tạo thuận lợi trong kết nối với doanh nghiệp (DN) bao tiêu. Nhiều HTX cũng tạo lập được các mối liên kết, hợp tác với các DN trong sản xuất, kinh doanh, ổn định đầu ra sản phẩm và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng.

Thông tin từ Liên minh HTX tỉnh, các HTX trên địa bàn tỉnh hoạt động khá đa dạng như cung cấp dịch vụ nông nghiệp (làm đất, bơm nước, thu hoạch lúa,...); mua bán vật tư nông nghiệp, nông sản; tham gia sản xuất (rau an toàn, lúa giống, thanh long, chanh, khoai mỡ, chăn nuôi gia súc, gia cầm,...). Bên cạnh đó, phần lớn HTX đều thực hiện vai trò làm cầu nối cho thành viên các dịch vụ như cung ứng giống, cây trồng, vật tư nông nghiệp,... theo hình thức mua chung, bán chung, chia sẻ kỹ thuật sản xuất, liên kết sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm.

Một góc khu sơ chế rau của Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hiệp

Tuy nhiên, nhìn chung hoạt động các HTXNN vẫn còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế như quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, chưa có sự đồng đều giữa các vùng trong tỉnh. Số lượng HTX tăng nhưng số lượng thành viên còn ít, sự gắn kết lợi ích giữa các thành viên và HTX chưa cao, số lượng các HTX có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với DN theo chuỗi còn ít nên khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc, hiện toàn huyện có trên 1.800ha rau, năng suất khoảng 22 tấn/ha/vụ, sản lượng ước trên 125.000 tấn/năm. Trong đó, HTX Rau an toàn Phước Hiệp là một trong những HTX rau an toàn đầu tiên trên địa bàn huyện được công nhận chuỗi an toàn thực phẩm. Nhờ bảo đảm tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, các sản phẩm của HTX không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong tỉnh mà còn có chỗ đứng vững chắc tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Với chất lượng tốt và an toàn, sản phẩm của HTX cũng được thu mua với giá ổn định cao hơn thị trường từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc nhấn mạnh: “Hiện nay, huyện Cần Giuộc đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của những người tham gia công tác quản lý HTX cũng như người sản xuất về tầm quan trọng của việc sản xuất sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Qua đó, nhằm từng bước hình thành các mô hình sản xuất an toàn, các vùng sản xuất hàng hóa cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao”.

Đến nay, toàn huyện Vĩnh Hưng có 11 HTXNN và 1 Liên hiệp HTX Vĩnh Hưng, trong đó có 3 HTX hoạt động có hiệu quả, gồm: HTXNN Hưng Phú, HTX Sản xuất Nông nghiệp Vĩnh Thuận và HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm. Trong năm nay, huyện đã thực hiện 5 dự án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với 7 DN. Trong đó, có 5 mô hình DN liên kết với HTX, diện tích liên kết là 250ha, với 39 hộ tham gia.

Giám đốc HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) - Bùi Văn Tuấn cho biết, chỉ có sản xuất tập trung theo mô hình cánh đồng lớn thì mới giảm được giá thành, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Đặc biệt là thuận lợi trong khâu liên kết với DN cung ứng vật tư đầu vào, tiêu thụ nông sản cũng dễ dàng hơn. Khi làm mô hình cánh đồng lớn thì việc áp dụng cơ giới hóa sẽ đồng bộ, từ đó giảm được công lao động, tăng nguồn lợi nhuận.

Anh Phan Văn Thủ - thành viên HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm, thông tin: “Nhờ có liên kết sản xuất mà vụ lúa Hè Thu vừa qua, người dân ở địa phương tiêu thụ rất thuận lợi. HTX thu mua lúa với giá cao hơn thị trường 200 đồng/kg. Hầu hết người dân ở đây đều sử dụng các giống lúa chất lượng cao khi gieo sạ nên hạt gạo bảo đảm yêu cầu xuất khẩu. Người dân bây giờ cũng đã thay đổi tập quán sản xuất từ sạ dày sang sạ hàng, cấy máy nên giảm rất nhiều chi phí, ít sâu, bệnh, mang lại nguồn lợi nhuận cao hơn”.

Cần thay đổi tư duy

Để thích ứng với nhu cầu thị trường, các HTX cần phải có nông sản chất lượng, bảo đảm an toàn, đáp ứng yêu cầu về số lượng và khả năng cung ứng liên tục cũng như có các phương thức để quảng bá và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất. Muốn làm được như vậy, HTX phải tăng được quy mô, nâng cao năng lực hoạt động, chuẩn hóa sản xuất, chú trọng áp dụng nhật ký điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm và ứng dụng các công nghệ mới, nhất là công nghệ thông tin để tăng cường kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường, để nông sản tạo dựng được uy tín, bán được giá, nông dân tại các HTX cần bảo đảm tính minh bạch về chất lượng, an toàn của sản phẩm thông qua các chứng nhận quy trình sản xuất.

Đồng thời, chú trọng áp dụng các giải pháp công nghệ để thay thế các biện pháp thủ công. Thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ,... tăng cường tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ thông qua hình thức liên kết hợp tác;...

Hợp tác xã Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm sản xuất phân hữu cơ từ cây lục bình để giảm chi phí sản xuất cho thành viên

Song song đó, HTX cũng cần quan tâm tăng cường liên kết với các DN và các bên liên quan trong các chuỗi giá trị ngành hàng để giải quyết các khó khăn về vốn, công nghệ. Đặc biệt, HTX cần phát huy các lợi thế về vùng nguyên liệu nông sản chất lượng gắn với làm tốt các khâu sơ chế, hoàn thiện nguyên liệu cho DN thu mua đầu vào để đề xuất DN hỗ trợ về vốn, chia sẻ máy móc và công nghệ để cùng phát triển chuỗi giá trị ngành hàng, gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, tỉnh quan tâm thúc đẩy và hỗ trợ nông dân liên kết, hình thành các HTX để thuận lợi trong kết nối với các DN và đơn vị chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ðồng thời, triển khai nhiều hoạt động kết nối cung - cầu, hội thảo, tọa đàm và tập huấn cho người dân và DN để thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Qua đó, góp phần tăng năng suất, nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân và hình thành vùng nguyên liệu lớn cho DN xuất khẩu. Ðến nay, trên địa bàn tỉnh có 221 HTXNN, vụ Hè Thu vừa qua, diện tích lúa của người dân được liên kết và tiêu thụ với các DN đạt hơn 14.790ha.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết, để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường, đòi hỏi các HTX phải đầu tư cho nguồn nhân lực, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý. Đồng thời, chuyển đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, tích hợp đa giá trị, thực hiện kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.

“Bên cạnh đó, các HTX cũng cần đổi mới tư duy trong sản xuất, kinh doanh và liên kết, cần tiếp tục quá trình mở rộng quy mô của HTX thông qua nhiều giải pháp khác nhau, từ việc tăng quy mô về thành viên, quy mô về doanh thu đến việc hợp tác với các HTX khác trong cùng lĩnh vực để mở rộng kinh doanh và hợp tác trong các hệ sinh thái. Đặc biệt, trong quá trình chuyển đổi, phát triển, các HTX cần thay đổi tư duy trong liên kết với các DN, cần tăng tính cam kết, chia sẻ để hài hòa lợi ích giữa các HTX và DN đầu vào, đầu ra” - ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết thêm./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết