Tiếng Việt | English

10/11/2020 - 17:38

Long An: Các cơ sở y tế tăng cường phòng, chống bệnh không lây nhiễm

Bệnh không lây nhiễm (KLN) thường là các bệnh mạn tính, bệnh tiến triển chậm có thời gian điều trị kéo dài, đang gia tăng ngày càng nhiều. Một số bệnh gây tàn phế nên tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, các cơ sở y tế tăng cường năng lực thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh KLN.

Người dân cần chủ động đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm nguy cơ gây bệnh để phòng và điều trị hiệu quả

Mục tiêu quan trọng mà ngành Y tế đặt ra hiện nay là khống chế tốc độ gia tăng của bệnh KLN, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh KLN trong cộng đồng. Để thực hiện mục tiêu này, Trạm Y tế xã Long Thạnh (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) thành lập đội ngũ cộng tác viên y tế (CTV) gồm 10 người thực hiện công tác truyền thông phòng, chống bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường. Đây là đội ngũ làm việc nhiệt tình, có tinh thần và trách nhiệm cao. Qua đó, nhằm phát hiện sớm, quản lý và theo dõi phát đồ điều trị của bệnh nhân.

Toàn xã Long Thạnh có 3 ấp với 4.795 dân, trạm y tế được trang bị 3 máy đo huyết áp điện tử. Mỗi CTV được giao chỉ tiêu vãng gia từ 40-50 người/tháng. CTV được đào tạo về cách đo huyết áp, đánh giá nguy cơ đái tháo đường, cách tính chỉ số BMI (là chỉ số được tính từ chiều cao và cân nặng) nhằm xác định tình trạng cơ thể ở mức bình thường, suy dinh dưỡng hay béo phì.

Chị Hồ Thị Thanh Đạm (CTV xã Long Thạnh) chia sẻ: “Khi đến mỗi gia đình, tôi thực hiện đo huyết áp, cân nặng, tính chỉ số BMI của từng thành viên trong gia đình để tìm hiểu nguy cơ bệnh tật. Nếu đánh giá có nguy cơ bệnh thì giới thiệu đến trạm y tế để kiểm tra lại sức khỏe. Những bệnh nhân bị tăng huyết áp không biến chứng thì quản lý, bệnh nhân dùng thuốc điều trị thì theo dõi để bệnh nhân duy trì điều trị theo phác đồ của bác sĩ”.

Đội ngũ cộng tác viên làm việc nhiệt tình, có tinh thần và trách nhiệm cao

Là địa bàn rộng (6 ấp, với 13.684 dân) nên xã Đông Thạnh (huyện Cần Giuộc) quan tâm công tác phòng, chống bệnh KLN nhằm phát hiện, quản lý và điều trị kịp thời. Theo đó, xã phát hiện có 71 bệnh nhân đái tháo đường, trong đó có 20 người điều trị thường xuyên tại trạm y tế xã; 307 người được chẩn đoán tăng huyết áp, trong đó 80 bệnh nhân được khám và điều trị thường xuyên.

Trưởng Trạm Y tế Đông Thạnh – Nguyễn Thị Thanh Vân cho biết: “Các CTV đến từng hộ gia đình để tuyên truyền về tình hình bệnh KLN, kiểm tra huyết áp, đánh giá nguy cơ đái tháo đường, giải thích bệnh tình, vận động người dân ăn nhiều rau, củ, ăn ít muối, giảm ăn chất béo, tinh bột, tập thể dục 30 phút/ngày/tuần. Các thông điệp được CTV truyền thông như “cho bớt muối - chấm nhẹ tay - giảm ngay đồ mặn”, “tăng huyết áp - kẻ giết người thầm lặng”, “hãy nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình”.

Tuyền thông với thông điệp “cho bớt muối - chấm nhẹ tay - giảm ngay đồ mặn”

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng đang ở mức cao và tiếp tục gia tăng. Số người hút thuốc lá, uống rượu bia, dinh dưỡng không đầy đủ và thiếu hoạt động thể lực, thừa cân béo phì dẫn đến rối loạn chuyển hóa một số chất trong cơ thể cũng là những yếu tố nguy cơ chưa được kiểm soát. Hiện nay, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm đang lớn hơn tổng số tử vong do tất cả các bệnh khác cộng lại. Vì vậy, ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý và sử dụng các thực phẩm lành mạnh, người dân cần chủ động đến cơ sở y tế khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm nguy cơ gây bệnh để phòng và điều trị hiệu quả. Qua đó, góp phần giảm chi phí khám chữa bệnh, chi phí đi lại cho người dân, đồng thời giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh KLN như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp,... đều có nguy cơ tử vong và chiếm 73% trong tổng số người chết mỗi năm. Điều đáng lo ngại là cứ 5 người trưởng thành ở Việt Nam thì có 1 người bị tăng huyết áp và cứ hơn 20 người thì có 1 người đái tháo đường.

Như vậy, đến nay, nước ta có khoảng 12 triệu người tăng huyết áp và khoảng 3 triệu người đái tháo đường. Thế nhưng, số người được chẩn đoán bệnh đái tháo đường trong độ tuổi từ 18 - 69 tuổi chiếm 31,1%; tăng huyết áp là 43,1%. Số bệnh nhân đái tháo đường được quản lý tại các cơ sở y tế mới chỉ đạt 28,9% và bệnh tăng huyết áp là 13,6%./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết