Tiếng Việt | English

05/12/2021 - 20:25

Long An chỉ đạo tăng cường ngăn chặn, xử lý "tín dụng đen"

UBND tỉnh Long An có văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh tăng cường các giải pháp ngăn chặn xử lý tệ nạn "tín dụng đen", cho vay nặng lãi. Trong đó, đặc biệt cảnh báo về việc giao dịch cho vay bằng hợp đồng "giả cách".

Người dân cần cảnh giác với những loại hình thông báo cho vay dán ở cột điện, gốc cây, bờ rào (Ảnh minh họa)

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở, sinh động, đa dạng, dễ tiếp cận đến người dân.

Nội dung tuyên truyền phải đi trước một bước, dự báo tình hình, cảnh báo sớm về phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" xảy ra trên địa bàn. Đẩy mạnh truyền thông qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, nền tảng di động… gắn với các vụ án, vụ việc cụ thể.

Các cơ quan liên quan rà soát các bất cập, vướng mắc khi áp dụng pháp luật để xử lý hành vi cho vay lãi nặng, "tín dụng đen”. Hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục cho vay; mở rộng mạng lưới các tổ chức tín dụng ở địa bàn khu, cụm công nghiệp, khu đông dân cư, vùng sâu, vùng xa.

Đặc biệt, UBND tỉnh chỉ đạo công an tỉnh tăng cường rà soát, lập danh sách, lập hồ sơ, quản lý các băng nhóm tội phạm, các đối tượng có tiền án, tiền sự, đối tượng nghiện ma túy, thanh thiếu niên hư, côn đồ... liên quan đến các hoạt động "tín dụng đen" để có biện pháp hạn chế các điều kiện, nguyên nhân, phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật từ "tín dụng đen".

Mở các đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp, triệt phá các băng nhóm tội phạm hoạt động "bảo kê", cưỡng đoạt tài sản, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê; các loại tội phạm có mối quan hệ với tín dụng đen (cờ bạc, ma túy); phối hợp các cơ quan tư pháp trong công tác phát hiện, đấu tranh, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xét xử các vụ án liên quan đến "tín dụng đen";...

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng cảnh báo về hình thức hợp đồng "giả cách". Theo đó, chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể tổ chức quán triệt, tăng cường kiểm tra, yêu cầu tổ chức công chứng và công chứng viên thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc kiểm tra, phát hiện những biểu hiện bất thường để tư vấn, giải thích, thông tin đầy đủ cho người dân hiểu rõ bản chất, hậu quả của hợp đồng "giả cách", ủy quyền; kiên quyết từ chối dịch vụ công chứng các hợp đồng có dấu hiệu "giả cách"; không tiếp tay, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng thủ tục công chứng để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, đất đai của người vay.

Về hợp đồng "giả cách" được cảnh báo với hình thức người vay nợ bị chủ nợ  yêu cầu, gạ gẫm hoặc lừa ký vào hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất mà số tiền ghi trong hợp đồng thấp hơn nhiều so với giá trị thực của tài sản. Với hình thức này, thông thường, các chủ nợ đưa ra “giao kèo”, khi thanh toán xong tiền nợ sẽ trả lại hợp đồng cho người vay. Nhưng vì lãi chồng lãi, một thời gian sau, người vay mất khả năng chi trả nên chỉ biết tức tưởi nhìn tài sản của mình vào tay người cho vay. Những hợp đồng kiểu này được gọi là hợp đồng "giả cách”./.

Đức

 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích