Tiếng Việt | English

10/06/2020 - 10:10

Long An: Chung tay phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm

Mùa mưa bắt đầu cũng là thời điểm dễ phát sinh nhiều dịch bệnh như sốt xuất huyết (SXH), Zika, tay - chân - miệng (TCM), sởi,... ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Vì vậy, đi đôi với thực hiện những biện pháp “sống chung an toàn” với đại dịch Covid-19, ngành chức năng còn triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm này.

Địa phương tập trung kiểm soát chặt chẽ

Đức Hòa là địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp nên dân nhập cư đông. Đi đôi với công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, Trung tâm Y tế huyện còn chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm như SXH, TCM, sởi. Trung tâm Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp các ngành, đoàn thể, địa phương tập trung kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh và xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng.

Thả cá diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Hòa - Lương Thị Hồng Thắm cho biết: “Chúng tôi thành lập các đội chống dịch cơ động, sẵn sàng hỗ trợ các xã, thị trấn trong việc điều tra và xử lý triệt để ổ dịch (nếu có). Hàng năm, huyện triển khai 3 đợt chiến dịch diệt lăng quăng tại tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn. Riêng những địa phương trọng điểm (vùng hạ), có nguy cơ bùng phát dịch bệnh thì triển khai 4 đợt chiến dịch”.

Thời điểm này, công tác truyền thông cũng được chú trọng nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Từ đầu năm 2020 đến nay, Đức Hòa ghi nhận 130 ca mắc SXH, giảm 65,8% so cùng kỳ; 35 ổ dịch SXH, giảm 65,3% so cùng kỳ; 19 ca mắc TCM (cùng kỳ 95 ca) và 11 ca sốt phát ban nghi sởi (cùng kỳ 31 ca).

Ông Hồ Văn Sáp (xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa) chia sẻ: “Ngoài thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, tôi còn giữ gìn môi trường sống sạch sẽ. Bình hoa thì thay nước thường xuyên và loại bỏ vật dụng chứa nước không cần thiết nhằm tránh sự trú ngụ của muỗi vằn gây bệnh SXH”.

Thay nước bình hoa thường xuyên nhằm tránh sự trú ngụ của muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết

Chủ động phòng bệnh

Cũng như các địa phương khác, Trung tâm Y tế TP.Tân An xem “phòng dịch hơn chống dịch”. Vì vậy, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được chủ động triển khai. Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh được củng cố, kiện toàn. Ngoài ra, thành phố có 16 đội cơ động phòng, chống dịch, sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Trung tâm Y tế thành phố chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh.

Từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố ghi nhận 11 ổ dịch SXH với 92 ca mắc, giảm 73 ca so cùng kỳ và ghi nhận 21 ca mắc bệnh TCM, giảm 16 ca so cùng kỳ. Các ổ dịch SXH đều được xử lý triệt để.

Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Tân An - Lê Văn Tuấn thông tin: “Đi đôi với việc duy trì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, thành phố chủ động triển khai chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống bệnh SXH. Chiến dịch bắt đầu từ ngày 08 đến 25-6-2020, tập trung tại các xã: Lợi Bình Nhơn, An Vĩnh Ngãi và phường 3. Các xã, phường còn lại cũng tăng cường truyền thông hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống SXH và giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh”.

Công tác vãng gia đến từng hộ gia đình hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được chú trọng

Thành phố có 300 nhân viên chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Lực lượng này chính là cánh tay nối dài của ngành Y tế trong thực hiện các biện pháp vãng gia đến từng hộ gia đình. Trưởng trạm Y tế phường 3 - Nguyễn Thị Hương cho biết: “Nhân viên chăm sóc sức khỏe cộng đồng cấp phát tờ rơi, tờ bướm đến từng hộ gia đình, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết, thường xuyên thả cá diệt lăng quăng, diệt muỗi và không để muỗi đốt. Với các bệnh có vắc-xin dự phòng như sởi, quai bị, viêm màng não,... chúng tôi vận động người dân chủ động tiêm vắc-xin để tạo miễn dịch và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Đồng thời, chúng tôi khuyến cáo người dân, nếu trẻ có biểu hiện mắc bệnh như sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, tiêu chảy thì đến cơ sở y tế gần nhất để khám, tư vấn và điều trị kịp thời”.

Bên cạnh đó, ngành Y tế còn phối hợp ngành Giáo dục và Đào tạo giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại trường học để triển khai xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lan rộng. Công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy cơ mắc hiện nay trong trường học, lớp học được thực hiện thường xuyên.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Huỳnh Hữu Dũng thông tin: “Chúng tôi tích cực giám sát, phân tích, dự báo xu hướng phát triển của từng bệnh dịch ở từng ổ dịch để có biện pháp phòng, chống thích hợp. Nếu xuất hiện ổ dịch thì xử lý triệt để và tiến hành xử lý môi trường kết hợp các biện pháp tiêu diệt véctơ truyền bệnh. Trung tâm chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất: Dụng cụ lấy mẫu, hóa chất sát khuẩn, tẩy uế môi trường; đồng thời phân phối thuốc, vật tư, hóa chất kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch cũng như trang thiết bị phòng hộ cá nhân cho cán bộ trực tiếp tham gia điều tra và xử lý ổ dịch”.

Những bệnh truyền nhiễm luôn là gánh nặng và thách thức cho hoạt động y tế dự phòng nói chung và công tác phòng, chống dịch nói riêng. Vì vậy, các địa phương cần tích cực giám sát nhằm phát hiện sớm và thực hiện đúng quy trình xử lý ổ dịch (nếu có) theo quy định. Người dân cần chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống theo khuyến cáo của ngành Y tế nhằm bảo vệ tốt sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng./.

Từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh không ghi nhận ổ dịch TCM, giảm 5 ổ dịch so cùng kỳ. Số ca mắc TCM là 226 ca, giảm 62,5% so cùng kỳ. Riêng bệnh SXH, toàn tỉnh ghi nhận 127 ổ dịch, xử lý 98%. Số ca mắc SXH là 662 ca, giảm 55% so cùng kỳ. Không ghi nhận tử vong do mắc SXH và TCM.

Hiện nay, bệnh TCM, SXH, Zika, Covid-19 chưa có vắc-xin phòng ngừa. Biện pháp phòng bệnh SXH, Zika tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng, chống muỗi đốt. Ngoài ra, người dân cần tích cực phối hợp chính quyền và ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch bệnh.

Đối với bệnh TCM, Covid-19, người dân cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhà ở sạch sẽ và thường xuyên sát khuẩn tay hoặc rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy (cả người lớn và trẻ em). Người dân thực hiện tốt việc ăn chín, uống chín; đồng thời thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường,...

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích