Tiếng Việt | English

12/09/2019 - 15:41

Long An chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mạnh mẽ sau 3 năm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Sáng 12/9, Tỉnh ủy Long An tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả 3 năm triển khai thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Phạm Văn Rạnh đánh giá cao kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện chương trình

Tại điểm cầu cấp tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần đồng chủ trì hội nghị.

Theo đánh giá tại hội nghị, sau 3 năm thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC trên 3 cây, 1 con đạt kết quả bước đầu, nhất là công tác tuyên truyền góp phần chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân.

Nhiều mô hình cho hiệu quả cao đã tạo sức lan tỏa. Nhiều hộ dân sau khi tham gia học tập đã tự đầu tư xây dựng. Công tác xúc tiến đầu tư thương mại và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm được tăng cường xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Nhiều hợp đồng cung ứng sản phẩm sạch cho các nhà phân phối trong và ngoài tỉnh được thực hiện, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Sau 3 năm thực hiện, chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt nhiều kết quả bước đầu

Đề án xây dựng được nhiều mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất trên 18.500ha (lúa 15.075ha, rau 1.476ha, thanh long 2.077ha). Lũy kế đến nay, thành lập 43 hợp tác xã (HTX), 151 tổ hợp tác (THT) tại các vùng triển khai đề án và xây dựng 16 HTX điểm.

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại, gặp gỡ, đối thoại và hỗ trợ THT, HTX, doanh nghiệp trong vùng sản xuất được thực hiện tốt, góp phần giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc. Tỉnh xây dựng 12 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên rau, thịt gà, gạo, thịt heo; 14 điểm bán thực phẩm an toàn tại các huyện, TP.Tân An; dự kiến đến cuối năm 2019 xây dựng được thêm 13 điểm bán thực phẩm an toàn. Đối với vùng chăn nuôi bò thịt, đã xây dựng được 2 HTX và 15 THT, xây dựng 10 mô hình ƯDCNC, hỗ trợ 181 con bò cái sinh sản.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Nguyễn Thanh Truyền, việc thực hiện đề án gặp không ít khó khăn: Thiếu quỹ đất sạch để thu hút đầu tư các doanh nghiệp; một số mô hình trình diễn sản xuất ƯDCNC bước đầu thực hiện có hiệu quả nhưng khi nhân rộng lại gặp khó khăn về vốn đối ứng của người dân; một số THT, HTX hoạt động còn rất yếu về nhân lực lẫn tài chính; tâm lý người dân vào THT, HTX chưa thật sự xuất phát từ nhu cầu cần thiết; việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm trong một số mô hình còn hạn chế; kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư nhưng nhìn chung nhiều nơi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Trần Văn Cần phát biểu tại hội nghị 

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần nhận định, nông dân là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò chủ thể trong việc thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và doanh nghiệp là đầu mối trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, để đề án thực hiện hiệu quả, cần tuyên truyền sâu, rộng tăng nhận thức cho người dân tham gia THT, HTX và tuân thủ theo quy định HTX, để người dân sản xuất hiệu quả, không còn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.

Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh đánh giá cao kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh. Ông đề nghị thời gian tới, các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; thường xuyên tổ chức đối thoại doanh nghiệp, HTX để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình liên kết sản xuất; phấn đấu đến cuối năm 2019 hoàn thành việc xây dựng 4 HTX điển hình để làm lan tỏa chương trình; tăng cường xúc tiến thương mại cho các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh; triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện đề án./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết