Tiếng Việt | English

19/07/2019 - 05:37

Long An có 11 huyện, thị xã nhiễm dịch tả heo Châu Phi

Trên địa bàn tỉnh Long An, dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) xảy ra trên 65 hộ tại 11 huyện, thị xã với tốc độ lây lan nhanh và gây thiệt hại rất nhiều đến người chăn nuôi.

Long An tiêu hủy hơn 1.500 con heo nhiễm dịch tả heo Châu Phi

Mặc dù cả hệ thống chính trị của tỉnh Long An vào cuộc với quyết tâm phòng, chống DTHCP nhưng dịch bệnh vẫn lây lan nhanh và gây thiệt hại lớn đến người chăn nuôi.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Long An, bệnh DTHCP xảy ra trên 65 hộ tại 11 huyện, thị xã (huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Hưng, Thủ Thừa, Tân Trụ, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường); đã tiến hành tiêu hủy trên 1.500 con heo bệnh.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương cũng yêu cầu các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân tự giám sát hoạt động chăn nuôi, khi xảy ra tình trạng heo bệnh phải báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng. Theo đó, ngành chức năng hướng dẫn các biện pháp tiêu hủy heo bệnh, tiêu độc khử trùng, kiểm soát nguồn thức ăn chăn nuôi để hạn chế nguồn lây lan.

Thông tin về tình hình DTHCP trên địa bàn, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh – Phan Ngọc Châu cho biết, các ngành chức năng đã làm nhiều cách để phòng, chống dịch. Tuy nhiên, dịch bệnh lây lan nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện, ngành triển khai tiêu độc khử trùng tại vùng dịch và vùng bị uy hiếp; cấp trên 2.750 lít thuốc khử trùng và 52.280kg vôi. Giải pháp trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên heo để phát hiện sớm, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm DTHCP, báo cáo nhanh và xử lý triệt để các ổ dịch vừa phát sinh; tổ chức kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, mua bán động vật, sản phẩm động vật và giết mổ động vật chưa qua kiểm soát của cơ quan Thú y.

Đối với các huyện, thị xã đã xảy ra dịch, cần tăng cường giám sát, thực hiện tiêu hủy heo bệnh đúng quy định, tùy theo điều kiện thực tế của địa phương mà lựa chọn phương pháp tiêu hủy phù hợp (chôn hoặc đốt). Đối với địa phương chưa có dịch, để giảm áp lực dịch bệnh, đề nghị vận động người dân không nên tăng đàn trong thời gian này, đồng thời chủ động bán với các loại heo đã đến tuổi xuất bán. Các địa phương tăng cường công tác an toàn sinh học trong chăn nuôi, lưu ý bảo đảm thực hiện an toàn sinh học tuyệt đối khi xuất bán heo (người đến bắt heo, mua heo cần thay trang phục, ủng, dụng cụ,…)./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết