Tiếng Việt | English

07/10/2019 - 17:44

Long An còn khoảng 460 hộ dân chưa có điện

Theo số liệu của Điện lực Long An, tính đến cuối tháng 8/2019, toàn tỉnh hiện còn 460 hộ chưa có điện và 51.901 hộ còn dùng chung (sử dụng điện tổ).

Một hệ thống dây điện chằng chịt ở nông thôn

Huyện Cần Giuộc có xã Phước Vĩnh Đông còn 24 hộ dùng điện chung, xã Phước Hậu còn 12 hộ dùng chung. Huyện Mộc Hóa có xã Tân Lập có 113 hộ dân chưa có điện và còn 225 hộ dùng chung, xã Bình Hòa Tây còn 157 hộ dùng chung. Huyện Vĩnh Hưng có xã Vĩnh Lợi còn 4 hộ chưa có điện. Ngoài ra, còn nhiều xã của một số huyện vẫn chưa có điện kế mà phải dùng chung (điện tổ).

Đồng thời, một số hộ dân trồng rau vùng Hạ sử dụng điện bằng cách câu nhờ qua hộ khác, không được ngành điện cấp điện trực tiếp (như tại xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc). Khu vực giáp ranh của xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, người dân sống cặp kênh Bắc Đông kéo nhờ điện của huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Được biết, những hộ dân sinh sống tại khu vực giáp ranh với các tỉnh khác, khi sử dụng điện phải kéo nhờ bên tỉnh khác và phải trả luôn lượng điện tiêu thụ của người cho kéo.

Qua khảo sát, ngành Điện lực cảnh báo: Tuyến đường M3 thuộc ấp 2, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa còn 5 điện kế tổ, với hơn 50 hộ, các trụ điện làm bằng gỗ, mục nát, gãy đổ, nằm sát mặt đất. Người dân trên 6 tuyến kênh thuộc xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng tự kéo điện vượt sông với các trụ điện bằng gỗ gây mất an toàn về điện, nhất là khi vào mùa mưa bão thì rất dễ gãy đổ, ảnh hưởng đến các xuồng, ghe lưu thông trên các tuyến sông, nguy hiểm đến tính mạng người dân.

Theo ngành Điện lực Long An, việc nhiều hộ dân chưa có điện và nhiều hộ còn phải sử dụng điện chung là do nhu cầu đầu tư các công trình điện trung, hạ thế cũng như các công trình điện để cấp nước nông thôn là rất lớn, nhưng nguồn kinh phí không bảo đảm nhu cầu, kể cả ngân sách nhà nước và nguồn vốn phân bổ từ Tổng Công ty Điện lực Miền Nam cho Công ty Điện lực Long An.

Ngoài ra, điều kiện tự nhiên bất lợi như tình trạng người dân sinh sống thưa thớt theo một số đồng ruộng, tuyến kênh thuộc khu vực Đồng Tháp Mười, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước và các ngành liên quan vì suất đầu tư rất lớn, trung bình từ 10 triệu đến 100 triệu/hộ gia đình, trong khi nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân đều có hạn.

Cũng theo Điện lực Long An, vấn đề an toàn về điện chưa được quan tâm đúng mức; công tác phối hợp trong kiểm tra an toàn điện giữa cơ quan quản lý nhà nước và ngành điện thiếu chặt chẽ, chưa có phương án xử lý kịp thời đối với các đường dây điện bị gãy đổ, hoặc chưa chủ động đề xuất phương án tiếp nhận các đường dây do người dân tự đầu tư trước đây.

Thi công đường dây trung thế

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân, cuối năm 2017, khu vực vùng sâu, vùng xa của huyện Đức Huệ và Mộc Hóa được Công ty Điện lực Long An đầu tư công trình đường dây trung hạ áp, cấp điện cho xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa (bao gồm 55 hộ dân chưa có điện) và xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, với tổng mức đầu tư 5 tỉ đồng.

Nhằm khắc phục những khó khăn, năm 2018, tỉnh Long An thực hiện cơ chế ứng vốn cho Công ty Điện lực Long An thi công các công trình cấp bách phục vụ chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 23 tỉ đồng, dự kiến trong năm 2019, tỉnh xin chủ trương tạm ứng cho Công ty Điện lực Long An 40 tỉ đồng để tiếp tục đầu tư cho các công trình trạm bơm điện.

Trong năm 2018 - 2019, ngoài các dự án Tổng Công ty Điện lực Miền Nam đầu tư trên địa bàn tỉnh thì Tổng Công ty phân bổ cho Công ty Điện lực Long An khoảng 35 tỉ đồng/năm để đầu tư giải quyết các khó khăn, bức xúc về điện trên địa bàn tỉnh. Năm 2020, dự kiến phân bổ khoảng 32 tỉ đồng.

Việc đầu tư xây dựng lưới điện trung, hạ áp trên địa bàn tỉnh được ngành điện tích cực quan tâm, nhất là kế hoạch xóa điện kế dùng chung theo cam kết của ngành. Theo đó, giai đoạn 2018 – 2019, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam triển khai 2 dự án (dự án JICA, dự án kfW3) trên địa bàn tỉnh Long An, với tổng mức đầu tư 327 tỉ đồng.

Giai đoạn 2019 – 2020, Tổng Công ty phân bổ cho Công ty Điện lực Long An khoảng 150 tỉ đồng. Kết quả đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh còn 27.443 điện kế dùng chung, giảm khoảng 20% so với thời điểm năm 2017, với tổng số hộ còn dùng chung là 51.901 hộ./.

Hải Đăng

Chia sẻ bài viết