Tiếng Việt | English

30/08/2020 - 18:31

Long An: Giao thông khởi sắc sau 75 năm

Với sự hỗ trợ của Trung ương, các tuyến Quốc lộ (QL) N2, QL50 và cao tốc TP.HCM-Trung Lương ngang qua địa bàn đã góp phần vào việc phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, giúp tỉnh Long An đóng vai trò là cầu nối về giao thông giữa trung tâm KT-XH, văn hóa TP.HCM với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.

ĐT830 nối cảng Quốc tế Long An-Khu cụm công nghiệp

Thời kỳ Pháp thuộc, Long An thuộc địa phận các tỉnh Tân An, Chợ Lớn. Lúc này, hệ thống giao thông còn sơ khai, đa số người dân đi lại bằng xuồng, ghe trên các hệ thống kênh, rạch và 2 sông lớn là Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Giao thông đường bộ chủ yếu tập trung khu vực phía Nam với tuyến đường sắt Sài Gòn-Mỹ Tho và QL4 (nay là QL1) là những trục đường chính.

Sau giải phóng 1975, bắt tay vào xây dựng quê hương, ngành Giao thông vận tải (GTVT) đã lập nên kỳ tích, dấu ấn là việc mở đường tiến quân vào Đồng Tháp Mười (ĐTM) với Tỉnh lộ 49 (nay là QL62). Từ đó, mở ra một trang mới về GTVT của tỉnh.

Long An có vị trí chiến lược rất quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ. Sau khi hợp nhất từ 2 tỉnh Tân An và Chợ Lớn và một phần của ĐTM, diện tích của tỉnh khoảng 4.500km2

Diện tích ĐTM (đất ngập nước) của tỉnh ước tính gần 300.000ha. Để khai phá vùng đất hoang sơ này, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực, chủ yếu đào đắp bằng tay để xây dựng tuyến đường bộ (Tỉnh lộ 49) từ trung tâm TP.Tân An về huyện Mộc Hóa (nay là thị xã Kiến Tường). Theo đó, người dân ở các huyện phía Nam của tỉnh và ở các tỉnh, thành trong cả nước có điều kiện về vùng đất mới để khai phá canh tác, phát triển vùng ĐTM được như ngày hôm nay.

Ông Trần Văn Nghị (Ba Be), ngụ ấp 1, thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, kể: “Sau giải phóng, gia đình tôi từ Tiền Giang về đây lập nghiệp, chủ yếu sống ở mé sông Vàm Cỏ Tây, sau đó mới khai phá vào sâu bên trong để làm ruộng, trồng tràm và sen. Bây giờ, giao thông thuận tiện, con cái tôi đều cất nhà sâu trong đồng, việc sản xuất, kinh doanh dễ dàng hơn”.

Nhờ giao thông thông suốt, ông Ba Be và các con đã mở rộng diện tích, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kết hợp sản xuất nông nghiệp với thu hút du lịch sinh thái, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao mức sống và thu nhập của các thành viên trong gia đình.

Trên địa bàn 5 huyện và 1 thị xã của ĐTM, ngoài hệ thống trục chính là QL62, Long An còn có các tuyến đường tỉnh (ĐT) tỏa về trung tâm các huyện như  ĐT818, 819, 817, 831,... Song song đó, tỉnh có tuyến ĐT837 nối Long An với các tỉnh bạn như Tiền Giang, Đồng Tháp. Từ các trục đường chính này, hệ thống đường huyện (hương lộ) và hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT) do các xã quản lý tỏa khắp về các tổ dân cư như hệ thống mạch máu của cơ thể.

Trưởng ấp Vàm Lớn, xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hoá - Lê Thanh Hóa, thông tin: “Hồi trước, người dân trong ấp đi lại rất khó khăn. Từ khi xã chủ trương xây dựng nông thôn mới, trọng tâm huy động sức dân xây dựng tuyến đường GTNT cặp kênh Vàm Lớn nối ĐT817 với khu vực dân cư trong ấp và các xã bạn được người dân đồng tình hiến đất làm đường, xây dựng hệ thống đèn thắp sáng vào ban đêm”.

Giao thông nông thôn không ngừng phát triển

Từ khi tỉnh chủ trương thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, ĐT830 có vai trò quan trọng kết nối các khu, cụm công nghiệp của tỉnh với TP.HCM và nước ngoài thông qua tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Cảng quốc tế Long An (sông Soài Rạp). Tuyến đường này đã góp phần vào tiến độ phát triển KT-XH, đưa tỉnh vào vị thế địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư và có nguồn thu ngân sách thuộc vào loại tốp đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (năm 2019).

Với sự hỗ trợ của Trung ương, các tuyến QLN2, QL50 và cao tốc TP.HCM - Trung Lương ngang qua địa bàn đã góp phần vào việc phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, giúp  tỉnh Long An đóng vai trò là cầu nối về giao thông giữa trung tâm KT-XH, văn hóa TP.HCM với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long./.

Đỗ Lâm

Chia sẻ bài viết