Tiếng Việt | English

10/03/2019 - 21:48

Long An kiểm tra chặt chẽ nguồn heo qua địa bàn tỉnh, nhập tỉnh

Trước nguy cơ lây lan bệnh dịch bệnh lợn Châu Phi, UBND tỉnh Long An yêu cầu các ngành chức năng lập chốt kiểm dịch tạm thời kiểm tra chặt chẽ nguồn heo qua địa bàn tỉnh, nhập tỉnh.

Long An hiện có đàn heo khoảng 162.400 con

Long An hiện có đàn heo khoảng 162.400 con, giảm 27,7% so với các năm 2017, 2018. Hình thức chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, vùng chăn nuôi tập trung ở các huyện như Châu Thành, Tân Trụ, Đức Hòa,...

Tổng số lượng hộ chăn nuôi heo của tỉnh khoảng 11.000 hộ chăn nuôi và 20 trang trại chăn nuôi lớn. Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần yêu cầu các ngành chức năng cần kiểm tra chặt chẽ nguồn heo qua địa bàn tỉnh, nhập tỉnh, không để dịch tả xảy ra trên địa bàn.

Long An có số lượng cơ sở giết mổ và thu gom động vật nhiều nên dễ xảy ra tình trạng lây nhiễm dịch tả lợn Châu Phi. Hiện nay, giá heo giữa miền Bắc và miền Nam chênh lệch nên thương lái gia tăng số lượng vận chuyển heo từ Bắc vào Nam để bán (mức chênh lệch 800.000 đến 1 triệu đồng/tạ heo hơi). Trong khi đó, Long An là cửa ngõ về các tỉnh miền Tây. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 42 cơ sở giết mổ và 11 điểm thu gom động vật.

Bình quân, mỗi đêm các cơ sở trên địa bàn tỉnh giết mổ tập trung khoảng 2.500 con heo, cung cấp chủ yếu cho thị trường TP.HCM. Nguồn heo chủ yếu nhập từ các tỉnh. Do chênh lệch giá nên những ngày qua số lượng heo được vận chuyển về rất nhiều nhưng được hợp thức hóa thành heo nội địa. Hoặc xe chuyên chở biển số miền Bắc nhưng giấy kiểm dịch thú y từ một số tỉnh Đông Nam bộ,…

Bên cạnh đó, nguy cơ người dân bán chạy heo bệnh, heo nghi bị bệnh do mức hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có heo bị buộc phải tiêu hủy còn thấp và hiện thấp hơn giá thị trường. Ngoài ra, người chăn nuôi thường dùng thức ăn thừa cho heo ăn nhưng chưa qua xử lý nhiệt. Đặc biệt, Long An có đường biên giới với Campuchia và hoạt động giao thương nên nguy cơ lây nhiễm cao.

Trước những nguy cơ này, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng lập chốt kiểm dịch tạm thời kiểm tra chặt chẽ nguồn heo qua địa bàn tỉnh, nhập tỉnh. Đồng thời, tổ chức phun thuốc sát trùng để thực hiện tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật là heo đi qua địa bàn tỉnh, nhập tỉnh.

Ngoài các chốt kiểm dịch, UBND tỉnh còn yêu cầu các địa phương trong tỉnh giao thêm chức năng, nhiệm vụ cho Đội tuần tra phòng, chống tội phạm và an toàn giao thông của huyện, thị xã, thành phố chức năng kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển heo trên địa bàn mình.

Theo đó, các ngành chức năng cần xử lý các trường hợp vi phạm (nếu có) trong việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật theo quy định pháp luật hiện hành. Chủ động chuẩn bị địa điểm chôn xác động vật không rõ nguồn gốc, bị bệnh, bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh./.

Gia Hân 

Chia sẻ bài viết