Tiếng Việt | English

29/04/2016 - 04:36

Long An: Loại trừ bệnh phong và những thách thức mới

Dù có các biện pháp điều trị hiệu quả, bệnh phong vẫn là một thách thức không nhỏ ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Năm 2012, Long An được công nhận loại trừ bệnh phong theo 4 tiêu chuẩn của Y tế Việt Nam. Cuộc phỏng vấn Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Long An – Bác sĩ (BS) Ngô Văn Hoàng giúp chúng ta biết thêm về cách loại trừ bệnh phong tại tỉnh nhà.

Phóng viên: Ông có thể cho biết đôi nét về khái niệm “loại trừ bệnh phong” và “thanh toán bệnh phong”?

BS. Ngô Văn Hoàng: Loại trừ bệnh phong là giảm số người mắc bệnh phong dưới mức cho phép, cụ thể là tỷ lệ phát hiện bệnh phong trong 3 năm liên tục <1/100.000, tỷ lệ bệnh toàn bộ bệnh phong < 0,2/10.000. Thanh toán bệnh phong là không còn bệnh nhân phong tồn tại tại địa phương.

Tỷ lệ lưu hành của Long An vào cuối năm 2015 là 0,02/10.000. Đây là tỷ lệ thấp so với chuẩn cho phép 10 lần (<0,2/10.000) và tương đương với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Để duy trì tỷ lệ này, nhiều năm qua chúng tôi thực hiện các giải pháp gồm: Quản lý tốt người tiếp xúc với bệnh nhân phong, củng cố mạng lưới chống phong, lồng ghép hoạt động phát hiện bệnh vào mạng lưới y tế đa khoa, truyền thông giáo dục y tế về bệnh phong.

Ảnh minh họa: Internet

Phóng viên: Xin ông cho biết những thành tựu của Chương trình phòng, chống phong của Long An?

BS. Ngô Văn Hoàng: Chương trình phòng, chống bệnh phong Long An hoạt động trên 25 năm. Chương trình đạt 4 thành tựu lớn đó là: Được công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp tỉnh từ 2012 và duy trì cho tới nay; 100% bệnh nhân phong được chăm sóc, quản lý, điều trị tại địa phương; kiến thức cơ bản về bệnh phong ngày càng được nâng cao; việc hòa nhập cộng đồng của bệnh nhân phong ngày càng tốt hơn, thành kiến về bệnh phong hầu như bị xóa bỏ.

Phóng viên: Bệnh nhân phong cần điều trị và phòng, chống tàn tật như thế nào để có hiệu quả, thưa ông?

BS. Ngô Văn Hoàng: Theo số liệu thống kê quí I/2016, Long An đang quản lý 243 bệnh nhân phong, trong đó, có 236 bệnh nhân cần chăm sóc tàn tật, chiếm 97%.

Ngành Y tế Long An có hẳn một chương trình phòng chống tàn tật dành cho bệnh nhân phong. Chương trình này có 4 hoạt động lớn gồm: Hướng dẫn bệnh nhân phong tàn tật tự chăm sóc tàn tật tại nhà; cán bộ mạng lưới chống phong chăm sóc tàn tật tại nhà cho bệnh nhân phong cần chăm sóc tàn tật; cung cấp phương tiện phòng chống tàn tật; phẫu thuật phục hồi chức năng.

Phóng viên: Xin ông cho biết những thuận lợi, khó khăn, tồn tại trong công tác phòng, chống phong hiện nay?

BS. Ngô Văn Hoàng: Công tác phòng, chống bệnh phong tại Long An được sự chỉ đạo thường xuyên; hình thành hệ thống, phối hợp nhịp nhàng; đội ngũ cán bộ giàu nhiệt huyết. Bên cạnh đó, Long An còn nhận được sự quan tâm giúp đỡ và chỉ đạo chuyên môn của Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Da liễu TP.HCM,…

Tuy nhiên, tình trạng thiếu nhân sự, đặc biệt là ở tuyến tỉnh, cán bộ da liễu tuyến huyện còn mỏng, trình độ giới hạn, một số cán bộ còn đảm nhiệm thêm chương trình khác nên công việc có khi bị đùn tắc.

Đa số bệnh nhân phong nghèo, cư trú vùng sâu, vùng xa, trình độ giới hạn nên việc giáo dục truyền thông cho bệnh nhân đôi khi còn gặp khó khăn; xã hội còn thành kiến với bệnh nhân phong; việc thực hiện tự chăm sóc tàn tật tại nhà còn hạn chế,…

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!./.

Song Minh

Chia sẻ bài viết