Ký kết tài trợ dịch vụ Chuyển đổi số giữa tỉnh Long An và Saigontel tại buổi Tọa đàm định hướng phát triển Vùng kinh tế công nghệ cao tổ chức vào tháng 4/2021 (Ảnh tư liệu)
Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế
Đưa công nghệ số vào mọi mặt của đời sống KT - XH. Cơ quan Nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả dựa trên dữ liệu và công nghệ số, cung cấp dịch vụ công chất lượng cao. Doanh nghiệp ứng dụng toàn diện công nghệ số trong hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh. Người dân, doanh nghiệp được phổ cập sử dụng dịch vụ số.
Theo Nghị quyết đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, xác định rõ: Chuyển đổi số là cuộc cách mạng của toàn dân, toàn diện; là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của cả hệ thống chính trị trong tỉnh; bảo đảm các yếu tố: Lấy người dân làm trung tâm; nhận thức đóng vai trò quyết định; chuyển đổi cơ chế chính sách và công nghệ là động lực; phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá; tăng cường hợp tác trong và ngoài nước là giải pháp quan trọng; bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt.
Chuyển đổi số theo định hướng mở để người dân, doanh nghiệp tham gia, tương tác với cơ quan Nhà nước. Dữ liệu là tài nguyên mới, Nhà nước chủ động mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Nền tảng số phát triển chủ yếu theo mô hình tập trung, đồng bộ, thông suốt. Tập trung triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng để thành quả chuyển đổi số luôn bền vững.
Long An luôn trong nhóm tỉnh, thành phố có thứ hạng cao
Mục tiêu Nghị quyết này hướng đến Chuyển đổi số phải thực hiện đồng bộ trên 3 trụ cột: Xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên phạm vi toàn tỉnh; phấn đấu Long An luôn trong nhóm tỉnh, thành phố có thứ hạng cao về chuyển đổi số.
Nghị quyết cũng xác định 8 chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 phải thực hiện hoàn thành: Đạt trên mức trung bình cả nước đối với các chỉ tiêu chuyển đổi số đề ra trong chương trình chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được cung cấp mức độ 4.
Hoàn thành xây dựng Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số chiếm 10% GRDP. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình và 100% xã. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh.
Triển khai thí điểm Chuyển đổi số ở 3 đơn vị gồm: 2 xã (thuộc huyện Cần Giuộc, Châu Thành) và 1 phường (thuộc TP.Tân An). Hoàn thành triển khai các dịch vụ đô thị thông minh cơ bản tại TP.Tân An; hình thành 1 Khu công nghệ thông tin tập trung.
Nghị quyết đề ra đến năm 2030 hoàn thành 6 chỉ tiêu cơ bản: Đạt trên mức khá cả nước đối với các chỉ tiêu chuyển đổi số đề ra trong chương trình chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2025 - 2030. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 100% và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau. Tỷ trọng kinh tế số chiếm 15% GRDP. Phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G.
Hoàn thành xây dựng Cổng dữ liệu mở của tỉnh, cung cấp tất cả dữ liệu được phép mở theo quy định. Triển khai toàn diện dịch vụ đô thị thông minh ở các đô thị phát triển của tỉnh; phát triển Vùng kinh tế công nghệ cao tại tỉnh.
8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số
Để đạt được các chỉ tiêu đề ra, Nghị quyết đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền các cấp; xây dựng cơ chế, chính sách tạo niềm tin thực hiện công cuộc chuyển đổi số toàn diện.
Các nhiệm vụ, giải pháp được tập trung triển khai trong thời gian tới: Phát triển hạ tầng, nền tảng số, dữ liệu số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số. Hợp tác, nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo trong môi trường số; phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực chuyển đổi số nhanh và bền vững.
Phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số để dẫn dắt chuyển đổi số; cung cấp dịch vụ công chất lượng cao; sử dụng tối ưu nền tảng số giải quyết hiệu quả các vấn đề KT - XH.
Phát triển kinh tế số, từng bước tăng tỷ trọng kinh tế số để góp phần đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh đúng định hướng.
Phát triển xã hội số để người dân, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giao dịch, tương tác với cơ quan nhà nước; tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành xã hội, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho cộng đồng.
Ngoài ra, Nghị quyết chỉ rõ, 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số: Y tế (hồ sơ sức khỏe điện tử người dân; hồ sơ bệnh án điện tử trong cơ sở khám chữa bệnh); Giáo dục (ứng dụng nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa); Giao thông Vận tải và logistics (ứng dụng hệ thống giao thông thông minh, ứng dụng nền tảng kết nối giữa các chủ hàng, nhà giao vận, khách hàng); Nông nghiệp (phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm); Tài nguyên và Môi trường (ứng dụng giải pháp thông minh trong quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý sự cố môi trường, quản lý chất thải); Tài chính - ngân hàng (ứng dụng công nghệ số trong các ngành thuế, hải quan, kho bạc); Năng lượng (tự động hóa mạng lưới giúp cung ứng điện hiệu quả, tiết kiệm); Sản xuất công nghiệp (nhà máy thông minh, sản xuất sản phẩm thông minh).
Việc ban hành Nghị quyết về Chuyển đổi số thể hiện sự quan tâm đặc biệt và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT - XH của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo./.
Hùng Cường