Tiếng Việt | English

26/11/2019 - 15:41

Long An: Sơ kết 4 năm thực hiện Đề án 'Xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt tập trung ứng dụng công nghệ cao'

Ngày 26/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An phối hợp UBND huyện Đức Hòa, UBND huyện Đức Huệ tổ chức Hội nghị Sơ kết 4 năm thực hiện Đề án “Xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt tập trung ứng dụng công nghệ cao” trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2019.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh nhấn mạnh, người chăn nuôi cần áp dụng các công nghệ mới để tạo ra sản phẩm chất lượng

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh chủ trì. Đại diện lãnh đạo 2 huyện, hợp tác xã, tổ hợp tác và một số hộ dân chăn nuôi bò thịt trong vùng đề án tham dự.

Từ khi thực hiện đề án năm 2016 đến nay, đề án đạt một số kết quả nổi bật. Tỉnh hình thành nhiều mô hình điểm về chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình đạt hiệu quả, có vai trò quan trọng trong việc áp dụng các công nghệ vào thực tiễn, có sức lan tỏa lớn đến các hộ chăn nuôi.

Vai trò của tổ hợp tác, hợp tác xã ngày càng được khẳng định. Các hộ dân ý thức hơn và tham gia vào liên kết chăn nuôi; từng bước thay đổi thói quen cũ, mạnh dạn chuyển đổi chăn nuôi theo hướng hiện đại, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Từ đó, hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng như các lợi ích về kinh tế của các thành viên ngày càng nâng cao.

Chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn bước đầu đạt một số kết quả tích cực

Toàn tỉnh hiện xây dựng được 10 mô hình điểm, hỗ trợ 181 bò cái sinh sản, 75 máy phục vụ cho chăn nuôi và bước đầu thực hiện nhân rộng trên địa bàn 2 huyện Đức Hòa, Đức Huệ.

Tỉnh hỗ trợ chứng nhận VietGAHP cho 4 đơn vị (2 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác, 1 trang trại) và tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho người chăn nuôi. Đồng thời, phối hợp Trường Đại học Nông Lâm (TP.HCM) thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ thành viên nhằm tổ chức lại sản xuất một cách hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, Đề án còn gặp một số khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện: Các hộ tham gia mô hình mẫu còn gặp khó về vốn; việc giải ngân nguồn vốn hỗ trợ mô hình điểm chậm; áp dụng kỹ thuật còn hạn chế; đội ngũ quản lý điều hành hợp tác xã còn yếu, thiếu chuyên môn nghiệp vụ, hiệu quả còn thấp nên kêu gọi thành viên tham gia còn hạn chế; một số người chăn nuôi chưa mặn mà tham gia; liên kết bao tiêu sản phẩm chưa thể thực hiện;…

Trao chứng nhận VietGAHP

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh nhấn mạnh, ngành tiếp tục phối hợp địa phương để phấn đấu thực hiện đề án theo kế hoạch. Trong đó, tập trung củng cố, nâng chất hợp tác xã, xây dựng mô hình điểm đạt hiệu quả cao, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới.

Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các hộ chăn nuôi phải chủ động, thay đổi tập quán chăn nuôi, áp dụng các công nghệ mới vào chăn nuôi để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng với tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường.

Dịp này, các tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại chăn nuôi bò trên địa bàn 2 huyện Đức Hòa, Đức Huệ còn được trao chứng nhận VietGAHP./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết