Tiếng Việt | English

14/05/2019 - 15:36

Long An triển khai cấp bách các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi

Sáng 14/5, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An - Đinh Thị Phương Khanh chủ trì hội nghị triển khai cấp bách các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP).

Tham gia hội nghị có Giáo sư, Tiến sĩ – Nguyễn Ngọc Hải (Trường Đại học Nông lâm TP.HCM) cùng lãnh đạo các địa phương, phòng nông nghiệp, các hộ chăn nuôi an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh.

Giáo sư, Tiến sĩ – Nguyễn Ngọc Hải trình bày về tình hình DTHCP gây ra ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi

Tại hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ – Nguyễn Ngọc Hải trình bày về tình hình DTHCP xảy ra trên thế giới, khi xâm nhập vào Việt Nam gây ra ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi; các giải pháp ứng phó khi dịch bệnh xảy ra.

Theo nhận định của Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh – Dương Minh Phí, hiện nay, bệnh DTHCP xảy ra ở các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Phước, Hậu Giang, do đó nguy cơ bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh rất cao. Vì vậy, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cần tăng cường kiểm tra, giám sát các lò giết mổ trên địa bàn, các phương tiện vận chuyển động vật đi qua các chốt kiểm dịch.

Đồng thời, tăng cường hướng dẫn các hộ, trang trại chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại ít nhất 2 lần/tuần; thực hiện “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh; không tiêu thụ, giết mổ heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa nuôi heo mà không qua xử lý nhiệt. Khi phát hiện heo có dấu hiệu bất thường phải báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y.

Các hộ chăn nuôi mong muốn tỉnh cần có giải pháp để các cơ sở không nhập heo từ những tỉnh đã xảy ra dịch

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An – Đinh Thị Phương Khanh đánh giá cao sự chủ động phòng, chống DTHCP của các địa phương thời gian qua. Bà đề nghị các địa phương cần rà soát Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch, các đội phản ứng nhanh lên kế hoạch, phương án sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra, chuyển từ phòng sang chống để không bị động; đối với các địa phương có những cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ, không bảo đảm an toàn cần có giải pháp gom lại cơ sở giết mổ tập trung; tăng cường tuyên truyền để các hộ, trang trại chăn nuôi nắm vững kiến thức cơ bản về phòng, chống DTHCP./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết