Tiếng Việt | English

29/04/2017 - 22:05

Long An với chặng đường bứt phá phía trước

Sau khi Hậu Nghĩa, Tân An được giải phóng, chiều ngày 30/4/1975, bộ đội ta tiến vào Mộc Hóa trong tiếng reo hò vang dội của hàng ngàn người dân, Kiến Tường hoàn toàn được giải phóng. Sáng ngày 01/5/1975, lễ mừng công được tổ chức trọng thể tại Tân An và Mộc Hóa; cùng với cả nước, Long An bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập, tự do, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,...

Quá khứ hào hùng - động lực hướng tới tương lai

Truyền thống anh hùng rạng ngời với tám chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” chính là động lực, sức mạnh nội sinh để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Long An vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thành công nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh và bảo vệ nền hòa bình còn non trẻ.
Trong thời gian ngắn, bằng sự cần cù vượt khó, tỉnh nhà cơ bản bảo đảm an ninh lương thực, xây dựng đời sống mới, xã hội mới. Đồng thời, quân và dân Long An bảo vệ vững chắc một phần biên giới Tây Nam của Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Campuchia.


Lãnh đạo tỉnh, huyện dự Lễ khởi công công trình đường Tân Tập - Long Hậu (đoạn từ Quốc lộ 50 - Cảng Long An). Ảnh: Thanh Nga

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III (nhiệm kỳ 1983-1986) đề ra mục tiêu xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, đẩy mạnh cải tiến phân phối lưu thông; tiến quân khai phá mạnh mẽ vùng Đồng Tháp Mười, giải quyết căn bản vấn đề lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng. Dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng cùng truyền thống cách mạng của quê hương thôi thúc, động viên hàng chục ngàn thanh niên, bộ đội, lao động trong và ngoài tỉnh tiến hành khai hoang lập nghiệp, đào kênh, mở đường, khai phá vùng đất Đồng Tháp Mười bưng biền thành vựa lúa trù phú của tỉnh và khu vực, góp phần đánh thức vùng đất hoang vu thành tiền đồn vững chắc trên tuyến biên giới. Mặt khác, những bài học từ xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, đẩy mạnh cải tiến phân phối lưu thông biến Long An thành điểm sáng trong cả nước, cung cấp kinh nghiệm quý báu cho công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước sau này.

30 năm hòa mình vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, Long An phát triển nhanh chóng, từ một tỉnh thuần nông trở thành địa phương khá năng động trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện nay, toàn tỉnh có 16/28 khu công nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy trên 67%; có 15/ 32 cụm công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 81,5%. Trên địa bàn tỉnh hiện có 8.487 doanh nghiệp trong nước hoạt động với tổng vốn đăng ký 203.494 tỉ đồng. Đầu tư nước ngoài có 819 dự án với vốn đăng ký 5.307 triệu USD. Cuối năm 2016, sản lượng lương thực của tỉnh đạt trên 2,8 triệu tấn/năm (năm 1976 là 400.000 tấn).

Toàn tỉnh có 57/166 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới; 123/192 xã, phường, thị trấn đạt danh hiệu xã văn hóa. Kết quả trên thể hiện sự thống nhất về nhận thức và hành động, quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ và nhân dân Long An.

Xây dựng nền tảng phát triển nhanh, bền vững

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra mục tiêu: “Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nền tảng đưa Long An phát triển nhanh, bền vững”. Đồng thời, đại hội cũng đề ra 2 chương trình đột phá: Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm và Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; 3 công trình trọng điểm: Đường tỉnh 830 (Đức Hòa - Tân Tập), đường Vành đai TP.Tân An, Trục hạ tầng giao thông - đô thị kết nối với TP.HCM.

Quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết, bên cạnh công tác tuyên truyền đưa nghị quyết vào cuộc sống, tỉnh tổ chức một loạt sự kiện: Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự; Tổng kết chương trình hợp tác phát triển KT-XH giai đoạn 2007-2020 giữa Long An và TP.HCM; Hội thảo Phát huy tiềm năng và lợi thế phát triển của tỉnh thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X; khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; khởi công công trình trọng điểm Đường tỉnh 830 (Đức Hòa - Tân Tập),... Mới đây, tỉnh thống nhất về “Hướng tuyến kết nối hạ tầng giao thông trục Tiền Giang - Long An - TP.HCM” và đường vành đai TP.Tân An.

Đặc biệt, Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp xác định đến năm 2020, toàn tỉnh có 20.000ha sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao ở các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường. Vụ Đông Xuân 2016-2017, toàn tỉnh triển khai 68 cánh đồng lớn, tổng diện tích gần 10.000ha, lợi nhuận cao hơn từ 1,5-2 triệu đồng/ha so với lúa sản xuất bên ngoài cánh đồng. Riêng vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao có năng suất cao hơn 1-2 tấn so với sản xuất đại trà. Ngoài cây lúa, đến năm 2020, toàn tỉnh có 2.000ha sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP.Tân An. Riêng cây thanh long hiện có diện tích 7.721ha; kế hoạch đến năm 2020, toàn tỉnh có 2.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao. Vùng bò thịt ứng dụng công nghệ cao được triển khai tại 2 huyện Đức Hòa, Đức Huệ. Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, xây dựng thương hiệu, xây dựng doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao,...

Nhiều vùng chuyên canh rau sạch đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh (Trong ảnh: Công nhân Hợp tác xã Phước Thịnh, huyện Cần Giuộc sơ chế, phân loại rau)

Phát huy truyền thống quý báu của tỉnh và những thành tựu 42 năm Ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Long An đoàn kết, quyết tâm, chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức hướng về phía trước “xây nền tảng đưa Long An phát triển nhanh, bền vững”./.

Thời gian tới, Tỉnh đoàn xác định cần phát huy vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế, triển khai tư vấn hướng nghiệp cho thanh niên, phối hợp Trung tâm Giới thiệu việc làm, kết nối với doanh nghiệp, hỗ trợ giúp thanh niên có việc làm. Tổ chức Đoàn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch.

Nhằm khuyến khích thanh niên khởi nghiệp, Tỉnh đoàn chú trọng các hoạt động khởi nghiệp, kích thích tinh thần thanh niên. Hoạt động khởi nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bộ cho thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp. Hiện Tỉnh đoàn đang xây dựng kế hoạch, thời gian tới sẽ đề xuất phối hợp cùng Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,... có biện pháp hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi: Vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, vốn khởi nghiệp,...

Đoàn Thanh niên sẽ giữ vai trò kết nối, giúp thanh niên phát triển kinh tế gia đình, dịch vụ và sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ thanh niên tìm được đầu ra và phát triển kinh tế tập thể.

Phó Bí thư Tỉnh Đoàn - Nguyễn Hoài Thanh

Tấn Lộc

Chia sẻ bài viết