Tiếng Việt | English

02/09/2015 - 14:07

Long An: Xử lý nguồn nước để nuôi vịt xiêm hiệu quả

Theo kinh nghiệm dân gian, địa điểm lý tưởng để nuôi vịt là nơi có nguồn nước ra vào, được thay nước thường xuyên và hút bùn đáy sau mỗi đợt nuôi. Bên cạnh đó, nước cho vịt uống phải là nước mưa, nước ngầm hoặc nước sinh hoạt hằng ngày. Nhiều nông dân đang áp dụng phương pháp chăn nuôi này nhưng dịch bệnh vẫn thường xảy ra, chất thải trong và sau quá trình chăn nuôi chưa được xử lý hiệu quả. Đó là khó khăn chung của người chăn nuôi hiện nay.

Bắt đầu nuôi vịt xiêm đẻ trứng từ năm 2007 đến nay, anh Phạm Minh Văn, ngụ ấp Bình Thủy, xã Bình Quới, huyện Châu Thành, nắm rõ những khó khăn của người chăn nuôi. Theo anh Văn, hiện nay không phải nơi nào cũng có nguồn nước sông, rạch ra vào để chăn nuôi. Do đó, anh mày mò nghiên cứu, thử nghiệm các phương pháp xử lý nước trong ao tù, lắng và đã thành công.

Theo đó, anh Văn chuẩn bị ao lắng có diện tích 100m2, ao nuôi diện tích 300m2, độ sâu của cả 2 ao đều là 1,5m; chuồng nuôi diện tích khoảng 1.000m2, nền đất và mái tole. Nước được lấy từ nguồn sông, rạch cho vào cả ao lắng và ao nuôi. Sau đó, kiểm tra các chỉ số hóa học theo tiêu chuẩn chất lượng nước mặt, đồng thời tạo và nuôi hệ phiêu sinh thực vật (Cyanobacteria, Chrysophyta, Antrophyta,...) và phiêu sinh động vật (Aegilsthus, Oithora, Sapphiirina,...).


Anh Phạm Minh Văn chăm sóc đàn vịt xiêm giống

Sau 1 tháng, nước trong ao được kiểm tra bằng kính hiển vi, nếu thấy hiện diện đủ các loại phiêu sinh nêu trên là đạt yêu cầu, có thể tiến hành nuôi vịt và thả cá nuôi xuống ao. Vịt được cho sử dụng (tắm, uống) nguồn nước ao này ngay từ 1 ngày tuổi. Nguồn nước trong ao được anh Văn kiểm tra độ pH hằng tuần. Nếu thấy nguồn nước ao có độ pH>8,2 vào buổi chiều thì bổ sung vi sinh vật phân hủy hữu cơ (phân vịt) dưới đáy ao bằng các nhóm vi khuẩn như Lacto bacillus spp, Bacillus spp, Nitro somonas spp,... Đặc biệt, trong suốt quá trình nuôi vịt, không cần thay nước ao nuôi, nếu nước cạn thì bổ sung nước ao từ ao lắng qua ao nuôi, không lấy trực tiếp nguồn nước sông vào ao nuôi vịt.

Theo anh Văn, trong chăn nuôi vịt cũng như gà, 3 vấn đề cần quan tâm nhất là thức ăn, nước uống và nền chuồng. Tuy nhiên, nguồn thức ăn hiện nay đã được cung cấp từ các nhà máy chế biến nên khá an tâm. Còn lại nguồn nước uống và nền chuồng là 2 vấn đề khó khăn mà nhiều nông dân đang phải đối mặt. Vì vậy, ngoài việc nghiên cứu xử lý nguồn nước ao, anh Văn còn tìm cách xử lý nền chuồng trong khi nuôi mà không cần phải hốt phân thải hằng ngày.


Anh Phạm Minh Văn kiểm tra trứng đang ấp trong lò

Theo đó, nền chuồng được anh xử lý bằng các loại vi khuẩn kỵ khí như: Bacilus spp, Lacto bacillus spp, Sacchromyces spp. Khi xử lý bằng phương pháp này, chất thải của vịt, gà được phân hủy, nền chuồng khô ráo, không ẩm ướt, không mùi hôi, khí độc, tránh được ruồi, muỗi,... tạo môi trường trong lành cho gia cầm phát triển.

Anh Văn hiện có 1.000 con vịt giống đang cho trứng. Với 10 máy ấp trứng, hằng tuần, anh bán ra khoảng 1.000 vịt con. Bằng phương pháp xử lý nền chuồng, nguồn nước trong ao nuôi như trên, hầu như dịch bệnh không xảy ra trong suốt quá trình chăn nuôi và vịt cho trứng tốt. 1 vịt giống đẻ 130 trứng/năm, tỷ lệ trứng có phôi 85%, tỷ lệ nở trên trứng có phôi 80%. Riêng vịt xiêm thịt, sau 2,5 tháng nuôi đạt trọng lượng 2,8kg/con.

Phương pháp chăn nuôi này có nhiều ưu điểm: Vịt đẻ trứng đều quanh năm; vịt thịt không cần chăn nuôi theo mùa vụ; vịt uống và sử dụng nước ao, không cần thay nước ao; không dùng thuốc sát trùng các loại và không hút bùn đáy ao. Đặc biệt, nông dân chăn nuôi theo phương pháp này ít tốn kém chi phí đầu vào như không tốn chi phí nhiều cho bơm thoát nước, không xả chất thải ra môi trường và các chi phí khác.

Với những sáng kiến mang lại hiệu quả thiết thực trong xử lý nguồn nước ao để chăn nuôi vịt xiêm đẻ, anh Phạm Minh Văn được trao giải khuyến khích trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông tỉnh Long An lần III năm 2013-2014./.

Mai Hương


 

 

Chia sẻ bài viết