Tiếng Việt | English

01/07/2015 - 14:35

Lún vệt bánh xe: yếu tố chủ quan nhiều hơn

Nguyên nhân hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường bêtông nhựa có thể xảy ra ở nhiều khâu. Nhưng tựu trung nguyên nhân chủ quan vẫn là chính, là ở chất lượng của đường.

Mặt quốc lộ 1A bị biến dạng, lồi lõm rất nguy hiểm - Ảnh: Mậu Trường

Tại hội nghị trao đổi kinh nghiệm thiết kế, thi công, quản lý chất lượng, xử lý hiện tượng hằn lún vệt bánh xe do Bộ GTVT tổ chức ngày 30-6, qua tham luận của nhiều đơn vị, nhà thầu đã đưa ra nguyên nhân trên.

Ông Ngô Trọng Nghĩa, phó tổng giám đốc Cienco 4, lý giải khu vực Nghệ An - Hà Tĩnh xuất hiện hằn lún nhiều nhất vì vật liệu đá khu vực này chất lượng không bằng các nơi khác.

“Bên cạnh đó, do không đổi mới về mặt hàm lượng nhựa theo chỉ đạo của Bộ GTVT, tuân thủ quá nghiêm túc tỉ lệ hạt nhỏ trong cấp phối bêtông nhựa dẫn tới thừa lượng nhựa gây lún” - ông Nghĩa thừa nhận. Ông Nghĩa cho biết từ nay trở đi sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT để các dự án tiếp theo không bị hằn lún như vậy.

Theo ông Nguyễn Viết Hải - tổng giám đốc TNHH Tập đoàn Sơn Hải, nguyên nhân dẫn đến lún mặt đường là khi nhiệt độ ngoài trời đến 40 - 410C thì bêtông nhựa nóng đến 60 - 650C, nếu đường đảm bảo chất lượng thì không lún. Còn những vị trí có nhiều nhựa hấp thụ nhiệt nhiều hơn lên đến 70 - 750C làm yếu kết cấu mặt đường, mặt đường không chịu được tải trọng nên hằn lún.

Để triệt tiêu hằn lún, việc thi công phải đảm bảo độ chặt, độ rỗng dư, độ dẻo, độ bền... Các tiêu chuẩn này phải đạt yêu cầu khi nhiệt độ lớn hơn hoặc bằng 800C. Nếu đạt được việc này thì không có nhiệt độ cao hơn làm hỏng mặt đường.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng hiện tượng hằn lún có ảnh hưởng chất lượng công trình, uy tín của đơn vị thi công.

Theo ông Đông, nguyên nhân đường lún có cả chủ quan và khách quan, “nhưng phải nhìn nhận đường vừa làm xong xuất hiện hằn lún trong thời gian rất ngắn thì yếu tố chủ quan nhiều hơn các yếu tố khách quan”./. 

Tuấn Phùng/tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết