Tiếng Việt | English

16/11/2020 - 19:38

Lý giải nguyên nhân bão số 13 đổi hướng và di chuyển chậm trước khi vào đất liền

Bão số 13 nằm ở rìa phía Tây của áp cao cận nhiệt đới, nơi dòng dẫn đường yếu, thay đổi, nên bão di chuyển chậm trước khi tâm bão vào đất liền.

Theo số liệu cập nhật của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 7h ngày 16/11, ảnh hưởng của bão số 13 đã làm 19 người bị thương khi chằng chống nhà cửa; 6 nhà sập, hơn 5.700 nhà bị tốc mái và hư hỏng. Ngoài ra, bão còn làm 17 tàu bị chìm, hư hỏng tại nơi neo đậu; hơn 540m đê kè thủy lợi bị hư hỏng, gần 40km bờ sông, bờ biển tiếp tục bị sạt lở.

Lý giải về việc bão 13 đổi hướng và di chuyển chậm trước khi vào đất liền, ngày 16/11, trao đổi với phóng viên, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, sau khi vượt qua kinh tuyến 109 độ kinh Đông vào vùng biển miền Trung trong tối 14/11, bão số 13 đi vào rìa phía Tây Tây Nam của áp cao cận nhiệt đới, nơi dòng dẫn đường thay đổi từ hướng Tây sang hướng Tây Tây Bắc.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.

"Thời điểm tiến sát đảo Cồn Cỏ (8-10h ngày 15/11), bão nằm ở rìa phía Tây của áp cao cận nhiệt đới, nơi dòng dẫn đường yếu, nên bão di chuyển chậm trước khi tâm bão vào đất liền khu vực Bắc Quảng Bình, Nam Hà Tĩnh lúc 13h chiều ngày 15/11", ông Khiêm chia sẻ.

Theo ông Mai Văn Khiêm, bão Vamco có nhiều điểm đặc biệt hơn cơn bão số 12. Bão Vamco xuất phát điểm gần giống với cơn bão số 9, bề mặt nước biển khu vực bão hình thành ở vùng biển ngoài khơi Philippines khoảng 31-32 độ C là điều kiện để bão tăng cường độ. Bão Vamco có hoàn lưu rộng nên khi vào Philippines ít bị suy yếu. Khi vào Biển Đông (sáng 12/11), bão vẫn ở cường độ khá mạnh, cấp 12, giật cấp 15.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.

Ông Khiêm cho biết thêm, nhiệt độ bề mặt nước biển ở vùng biển phía Đông Nam của quần đảo Hoàng Sa cao (khoảng trên 27 độ C) là điều kiện cho bão tăng cường độ, nên sáng sớm ngày 14/11, bão đã mạnh lên cấp 13-14, giật cấp 17.

“Khi bão vượt qua khu vực quần đảo Hoàng Sa đi vào vùng biển phía trong nhiệt độ bề mặt nước biển thấp hơn nên bão suy yếu. Bão tiếp tục suy yếu khi vào vùng biển ven bờ các tỉnh miền Trung”, ông Khiêm thông tin.

Sang sáng sớm ngày 15/11, bão số 13 đã giảm cường độ, ở cấp 9-10, giật cấp 12. Trước đó, suốt đêm 14/11, rạng sáng 15/11, bão gây mưa lớn, gió mạnh ở khu vực ven biển các tỉnh miền Trung. Tại Đà Nẵng, nước sông Hàn dâng cao, tràn vào các tuyến đường Như Nguyệt, Bạch Đằng... gây ngập khoảng nửa mét. Sóng lớn đánh vào bờ kè đường Như Nguyệt có lúc cao đến 5m. Sau hơn 3 ngày quần thảo trên Biển Đông, lúc 13h chiều 15/11, tâm bão đã vào đất liền khu vực Bắc Quảng Bình, Nam Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ tâm bão.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: "Nguyên nhân bão giảm cường độ là do đường di chuyển của bão chịu tác động của không khí lạnh khô"./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết