Ảnh Lê Hoàng Thái
Tôi lớn lên trong một ngôi nhà nhỏ nằm ven bờ sông Vàm Cỏ. Phía trước nhà có con lộ đá đỏ mùa nắng bụi mịt mù, mùa mưa thì nhão bùn lầy lội; phía sau nhà có bến sông um tùm dừa nước, ô rô, cóc kèn sáng, trưa, chiều ríu rít tiếng chim. Người dân nơi đây sống bằng nghề làm ruộng và đan đệm nên từ thuở bé thơ, tôi đã thân thiết với những neo bàng xanh đậm, mát lạnh, thơm thơm mùi bưng biền hoang dại. Ngủ vùi trên vung đệm đan dở, trong những giấc mơ ban ngày của tôi văng vẳng tiếng rao “Ai mua bàng hôn” trôi trên sông nước.
Mùa nắng, ngoại tôi mua cả thiên bàng đem về tót bằng, ra neo, tề ngọn, phơi khô vựa để dành đan cả năm. Những neo bàng được cột lỏng ở giữa xòe ra hình 2 cánh quạt như những bông hoa khổng lồ màu xanh làm dịu đi ánh nắng chói chang đổ tràn xuống sân nhà, ngõ lộ,... Bàng phơi khô ngả sang màu thạch lam, thoảng hương của nắng, gió, cỏ, bùn hòa lẫn vào nhau gần gũi, thân thương vì tôi thường ôm neo bàng khô thay gối ôm lúc ngủ.
Những đêm trăng, những tàn khuya gà gáy, những trưa hè oi nồng, tiếng giã bàng đôi như tiếng nhịp thời gian bình yên và hạnh phúc. Trước sân hoặc sau hè nhà nào cũng có một mục bàng làm bằng thân cây to xẻ đôi bằng phẳng như tấm thớt dài với đôi chày phình hai đầu, thuôn nhỏ ở giữa vừa bằng hai tay nắm lên nước bóng loáng.Đàn bà, con gái trong xóm bàng da trắng, tóc dài nhưng lòng bàn tay đầy vết chai vì giã bàng mỗi ngày và móng tay cùn mằn vì “nhắt” (làm khít những cọng bàng lại) trong quá trình đan đệm. Trẻ nhỏ trong xóm tôi được bà, được mẹ đưa ngủ trong những chiếc võng bàng. Học trò trong xóm tôi đi học đội nón bàng, ôm trong tay những chiếc cặp bàng đựng sách, vở, bút, mực. Từ năm lớp hai, tôi đã biết phụ ngoại ôm bàng ra sân, tuốt dây cột rẻ thành hình cánh quạt để phơi cho mau khô; biết đan miếng trường, biết bẻ bìa chiết, bìa tréo,... Lớn hơn một chút, tôi tự mình đan đệm hàng (đệm để phơi lúa), thành thạo từ khâu bẻ khuôn, gầy chân, cài ghim, vặn góc, bẻ bìa đôi. Đan đệm ngủ khó hơn nhiều vì bàng đan đệm ngủ phải là bàng kim mới, được lựa từng cọng đều tăm tắp, được phơi đặng nắng, không lẫn cọng bàng tử nào. Tấm đệm ngủ, đệm cưới được đan bởi người có tay nghề lâu năm và khéo tay đẹp như một tác phẩm nghệ thuật. Tấm đệm nặng chắc, có màu xanh ngọc được chạy hình, chạy chữ vừa khít lòng giường, nằm lên mát rượi cả chiêm bao…
Tôi lớn lên, lấy chồng về xứ khác, làm nghề khác mưu sinh. Hai mươi mấy năm trôi qua... Xóm vẫn là xóm nhưng bàng bây giờ không còn nữa. Người ta phơi lúa bằng sân xi măng, bằng tấm nylon chuyên dụng; người ta ngủ trên giường nệm Kymdan phủ ra trắng, ra hoa và ôm gối ôm bằng tơ gòn êm ái. Chị Ba, cô Tư tóc dài da trắng, đôi tay chai sần khéo léo đan đệm ngủ, đệm cưới ngày nào giờ đã tóc bạc pha sương. Mục bàng, chày giã đã hóa tro trong bếp củi,... Tôi năn nỉ ngoại giữ lại mục bàng và đôi chày để làm kỷ niệm. Ngoại cười móm mém: “Cực khổ gần chết, có kiếm được bao nhiêu tiền đâu mà con luyến tiếc”. Ngoại đâu biết những đêm trăng ồn ào nơi phố thị, tôi nhớ quay quắt mùi bưng biền hoang dại của bàng, tiếng chày nhịp nhàng của xóm bàng bình yên thuở xưa./.
T.M