Tiếng Việt | English

01/05/2020 - 17:41

Mặt trận không tiếng súng

Trong “cuộc chiến” với Covid-19, người dân được kêu gọi hãy ở nhà để “tiền tuyến” yên tâm chống dịch. Mặt trận này không tiếng súng, không bom đạn kẻ thù nhưng cũng lắm sự hy sinh và gian khổ.

Tình quân - dân “cá - nước”

Chốt biên phòng kiểm soát đường biên được dựng lên dọc đường tuần tra biên giới, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đường biên và phòng dịch Covid-19. Chốt nhỏ, chỉ có vài vật dụng thiết yếu bên đường tuần tra biên giới là nơi các anh bộ đội biên phòng ngày đêm túc trực nhắc nhở người dân không qua, lại đường biên bằng đường mòn, lối mở.

Hội Phụ nữ xã Tân Hiệp đến đồn tặng khẩu trang vải và nước rửa tay khô cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ

Cán bộ, chiến sĩ bám chốt 24/24 giờ, ban ngày nắng rát, đêm lạnh và muỗi kêu vo ve. Điện thắp sáng, nước sinh hoạt cũng phải dùng tiết kiệm. Giữa mùa nắng nóng, lại ở biên giới xa xôi nên một gáo nước cũng trở nên quý hiếm. Thương chiến sĩ vất vả, nhọc nhằn, thỉnh thoảng, người dân địa phương hay cán bộ đoàn thể xã đến thăm, tặng các anh một ít nhu yếu phẩm. Vài chai nước mát giải nhiệt ban ngày hay cái bánh nóng hổi, do các chị tự tay gói tặng các anh lót dạ ban đêm là tấm lòng người dân hướng về “tiền tuyến”. 

Bên kia cột mốc là nước bạn, đường mòn, lối mở khá nhiều, ngoài trực gác, các anh còn đi tuần tra dọc tuyến, bất kể ngày đêm. Chiến sĩ Nguyễn Hoàng Gia Bảo trực suốt tại chốt biên phòng đã gần 1 tháng. Mấy hôm nay, Đồn Biên phòng Thuận Bình dựng thêm 1 chốt nên cán bộ, chiến sĩ được huy động đến hỗ trợ, Hoàng ở lại trực cùng 1 dân quân. Dưới cái nắng tháng tư, hai anh lặng nhìn qua phía bên kia biên giới, không dám lơ là. Mùa này đồng khô, cây cối ngả vàng, đồng mênh mông nhìn ngút mắt. 

Chốt biên phòng kiểm soát đường biên được dựng lên dọc đường tuần tra biên giới Việt Nam - Campuchia nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đường biên, phòng dịch

Thiếu tá Nguyễn Vân Sơn - Chính trị viên Đồn Biên phòng Thuận Bình, cho biết, đoạn đường biên do đồn quản lý dài khoảng 8,9km, xa khu dân cư, người qua lại phần lớn là nông dân làm ruộng cặp đường biên. Nhưng không phải vì vậy mà chiến sĩ lơi lỏng tuần tra. Ngày cũng như đêm, các anh bám chốt, đi tuần suốt. Trên tay lúc nào cũng cầm sẵn loa để tuyên truyền, nhắc nhở người dân.

Những ngày cách ly xã hội, thấy tình hình khó khăn hơn, Ban Chỉ huy đồn cho dựng thêm một chốt cạnh đường mòn nhỏ dẫn sang nước bạn. Thương bộ đội biên phòng vất vả, chú Bảo - người dân địa phương, đến giúp dựng chốt. Ba hôm rồi, ngày nào chú cũng có mặt. Đào móng, hàn sắt, dựng sườn, lợp mái, việc gì cũng có chú góp một tay. Nhìn trời có vẻ âm u, chú quệt mồ hôi, nói: “Ráng chiều nay xong cho mấy chú bộ đội có nhà mới để ở, mùa mưa sắp đến rồi”. Tình quân - dân nhờ vậy mà thêm thấm đượm, đậm đà!

Gác lại niềm riêng, một lòng vì nhiệm vụ

Đất nước bước vào “cuộc chiến” chống dịch nên bộ đội phải là người đi trước. Các anh gác lại chuyện riêng, một lòng vì nhiệm vụ. Cách đây không lâu, mọi người không khỏi xót xa khi hay tin Trung úy Nguyễn Đình Thông, Đồn Biên phòng Thạnh Trị, không thể về chịu tang cha bởi đang tham gia chống dịch ở vùng biên. Tại Đồn Biên phòng Thuận Bình, Thiếu tá Nguyễn Văn Tiền cũng vừa trải qua nỗi đau mất mát người thân. Trở về nhà vừa kịp đưa tiễn cha lần cuối, nhận được lệnh tập trung, Thiếu tá Tiền lập tức trở về đơn vị. Trọng trách người con út, ở nhà thờ, khói hương cho ông bà, lễ cúng cha theo phong tục, anh đều trao gửi lại vợ mình để lên đường làm nhiệm vụ.

Nỗi niềm riêng anh giữ lại riêng mình. Về biên giới, anh chỉ một quyết tâm chung vai cùng đồng đội. Ở đó, cũng có những người như anh, hy sinh hạnh phúc riêng tư vì việc nước. Thiếu tá Nguyễn Vân Sơn kể: “Đại úy Phan Văn Dũng Tâm ở đơn vị vừa hoãn cưới. Nhà anh ở Trà Vinh, được tăng cường lên đồn. Gia đình hai bên dự định mùng 10 tháng 3 âm lịch làm lễ thành hôn nhưng vì dịch bệnh và đang làm nhiệm vụ, anh phải gác chuyện riêng, chờ dịch bệnh qua đi”.

Thương bộ đội biên phòng vất vả, chú Bảo - người dân địa phương, đến giúp một tay dựng chốt

Dẫu biết rằng, mái nhà vắng người “trụ cột” sẽ có phần hụt hẫng, nhưng đã chọn gắn bó cùng người lính là chọn cho mình sự hy sinh. Ngày nào cũng vậy, cứ hơn 18 giờ, chị Trần Thị Huyền Trân (vợ Trung úy, bác sĩ Đỗ Tấn Phương đang làm việc tại Bệnh viện dã chiến và Khu cách ly tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở huyện Bến Lức) mới ra khỏi cơ quan. Chị tất tả về nhà vì 2 con nhỏ đang chờ mẹ. Mùa dịch bệnh, các con nghỉ học, chị vừa đi làm lại phải vừa chăm sóc các con. Trong, ngoài, một mình chị xoay sở.

Là bác sĩ quân y nên khi Bệnh viện dã chiến đi vào hoạt động, anh Phương là một trong những người đầu tiên đến nhận nhiệm vụ tại đây. Tiễn chồng lên đường làm nhiệm vụ, chị Huyền Trân động viên anh hãy an tâm, ở nhà chị sẽ chu toàn tất cả. Biết chồng làm việc nơi nguy cơ lây nhiễm cao nhưng chị vẫn vững lòng tin. Những ngày này, chị thấy mình phải thật vững vàng, bởi các con sẽ nhìn vào nụ cười lạc quan của mẹ mà an tâm, anh nhìn vào chị mà toàn tâm tập trung cho nhiệm vụ. Rồi khi tất cả đồng lòng, dịch bệnh bị đẩy lùi, cuộc sống sẽ trở lại như trước. Chị Trân tin điều đó và xem những khó khăn mình đang gánh vác là chuyện đương nhiên. Anh là người lính nên phải ra “mặt trận” và chị hứa với lòng sẽ là hậu phương vững chắc cho anh cùng đồng đội vẻ vang chiến thắng trở về.

Chiến trường nào cũng có khốc liệt riêng, người lính thời nào cũng đầy trách nhiệm và nghị lực. Họ bỏ lại đằng sau gia đình, vợ con và những nỗi riêng tư, sát cánh bên nhau, bảo vệ đồng bào, Tổ quốc. Cuộc chiến với Covid-19 sẽ còn dài và các anh Bộ đội Cụ Hồ luôn là bức tường thành vững chắc, vượt qua mọi thử thách, gian nan./.

Hoàng Thúy

Chia sẻ bài viết