Tiếng Việt | English

29/10/2021 - 08:51

Mở cửa hoạt động kinh doanh - dịch vụ trong trạng thái 'bình thường mới'

Để vực dậy hoạt động kinh doanh - dịch vụ, tăng doanh thu bán lẻ hàng hóa, tăng thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy phát triển KT - XH, bảo đảm an sinh cho người dân, UBND tỉnh Long An cho phép cơ sở kinh doanh - dịch vụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ truyền thống hoạt động trở lại trên tinh thần bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch.

Khôi phục hoạt động của chợ truyền thống

Sau thời gian tạm ngừng để phòng, chống dịch Covid-19, đến nay, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đã trở lại hoạt động với phương châm an toàn là trên hết. Hầu hết tiểu thương, người dân phấn khởi trở lại buôn bán trong trạng thái “bình thường mới”. Mấy ngày nay, chị Nguyễn Thị Kim Ngân, tiểu thương chợ Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, rất phấn khởi khi chợ hoạt động trở lại.

Chị Ngân bộc bạch: “Tôi bán trái cây ở chợ Bình Hiệp gần 8 năm. Mấy tháng qua, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chợ tạm ngừng hoạt động, tiểu thương đều nghỉ bán. Nay chợ hoạt động trở lại, ai cũng phấn khởi vì cuộc sống dần trở lại bình thường. Sau hơn 1 tuần hoạt động trở lại, lượng khách hàng đến chợ chưa nhiều, nhưng mỗi ngày tôi bán cũng được vài chục kilogam trái cây, lời được hơn 100.000 đồng để trang trải cuộc sống”.

Giăng dây, kẻ vạch bảo đảm khoảng cách giữa người mua và người bán

Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp - Ngô Hữu Đức cho biết, do tình hình dịch Covid -19 diễn biến phức tạp nên chợ Bình Hiệp tạm ngừng hoạt động một thời gian. Chợ được hoạt động trở lại từ ngày 15/10 sau thời gian chuẩn bị các thủ tục cần thiết theo quy định để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như lập chốt kiểm soát lối ra vào chợ, lối đi trong chợ thông thoáng, có bảng hướng dẫn đi một chiều bảo đảm khoảng cách giữa người đi chợ, các hộ kinh doanh bố trí vách ngăn giữa các sạp với nhau.

Hiện có khoảng 80% hộ tiểu thương đăng ký hoạt động buôn bán trở lại với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bách hóa tổng hợp, giá cả ổn định so với trước đây. Khách hàng đến chợ cũng không đông, chủ yếu là người dân địa phương.

Còn tại chợ Tân Thạnh, chị Hoàng Phong Diễm Thủy, tiểu thương bán rau, củ, quả, phấn khởi: “Tiểu thương chúng tôi vui mừng khi được buôn bán trở lại và cam kết thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Mặc dù buôn bán không được nhiều so với trước nhưng được kinh doanh thì có đồng ra, đồng vào trang trải cuộc sống gia đình. Các mặt hàng rau, củ, quả được lấy từ nguồn tin cậy, an toàn và bán với giá bình ổn”.

Tại chợ Tân Thạnh, địa phương thành lập chốt kiểm soát chặt người ra, vào chợ

Theo Phó Trưởng ban Quản lý chợ Tân Thạnh - Nguyễn Văn Tuấn, chợ Tân Thạnh có 350 hộ tiểu thương đăng ký kinh doanh tạp hóa, quần áo may sẵn, thịt, cá, gà, vịt. Sau thời gian tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19, đến ngày 04/10 chợ được hoạt động trở lại, nhưng nhiều hộ tiểu thương còn e ngại dịch bệnh nên chưa trở lại buôn bán.

Những ngày đầu, chợ chỉ có khoảng 50 hộ tiểu thương buôn bán chủ yếu các mặt hàng thiết yếu (rau, củ, trứng, thịt, khô,…). Đến nay, chợ hoạt động nhộn nhịp hơn, hiện có khoảng 200 hộ tiểu thương buôn bán.

“Các chợ truyền thống trên địa bàn huyện được mở cửa một cách thận trọng, đặt tính an toàn lên hàng đầu. Đến nay, huyện có 6/6 chợ đã hoạt động trở lại, do tình hình dịch bệnh nên sức mua giảm, hàng hóa chưa đa dạng, phong phú nhưng cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Huyện chú trọng kiểm soát chặt các đầu mối, điểm giao, nhận hàng, bố trí điểm tập kết các xe vận chuyển hàng hóa.

Đồng thời, xe vận chuyển hàng hóa phải có nhật ký hành trình di chuyển, cài đặt phần mềm khai báo y tế, thực hiện các quy định về phòng, chống dịch, khử khuẩn thường xuyên, hạn chế tiếp xúc gần” - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Hưng - Nguyễn Văn Nghĩa cho biết.

Bảo đảm an toàn phòng, chống dịch

Công tác phòng, chống dịch Covid -19 tại các chợ và Trung tâm thương mại - dịch vụ ở thị xã Kiến Tường đều được siết chặt. Theo Trưởng ban Quản lý chợ thị xã Kiến Tường - Nguyễn Phước Đức, để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 sau khi các chợ và Trung tâm thương mại - dịch vụ trên địa bàn hoạt động trở lại, Ban Quản lý chợ tiến hành phun thuốc khử khuẩn, giăng dây, bố trí vách ngăn giữa tiểu thương với tiểu thương và làm tấm chắn phía trước để bảo đảm an toàn giữa người bán và người mua, thành lập chốt bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ người ra, vào chợ.

Đối với tiểu thương, người lao động phải tiêm đủ 2 liều vắc-xin phòng Covid-19 và xét nghiệm bằng phương pháp PCR, cam kết tuân thủ các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm túc khuyến cáo “5K”.

Ông Hồ Vương Mức, tiểu thương bán tạp hóa tại Trung tâm Thương mại - Dịch vụ thị xã Kiến Tường, cho biết: “Để bảo đảm phòng, chống dịch, tôi trang bị dung dịch sát khuẩn ngay tại quầy bán để người dân rửa tay; làm một rào chắn căng tấm bạt trong suốt xung quanh cửa hàng để bảo đảm giữ khoảng cách giữa người bán và người mua”.

Tại chợ Thủ Thừa, người dân được đo thân nhiệt, khai báo y tế trước khi vào chợ

Để bảo đảm phòng, chống dịch Covid -19, 100% nhân viên quản lý chợ, tiểu thương, người lao động tại chợ Thủ Thừa đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin và phải được xét nghiệm bằng phương pháp PCR hoặc test nhanh kháng nguyên có kết quả âm tính còn hiệu lực không quá 72 giờ.

Theo Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND thị trấn Thủ Thừa - Nguyễn Văn Nam, để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch khi chợ hoạt động trở lại, địa phương thành lập 4 tổ để tổ chức đo thân nhiệt, khai báo y tế tại khu vực cửa vào chợ, không để người dân có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở vào chợ; hướng dẫn di chuyển, kiểm soát tốt mật độ người mua bán tại chợ, bảo đảm quy định phòng, chống dịch, giữ khoảng cách an toàn; kiểm soát tốt việc giao nhận hàng hóa tại chợ, các xe vận chuyển hàng hóa ra vào chợ phải có nhật ký hành trình di chuyển, khử khuẩn, hạn chế tiếp xúc gần.

Bên cạnh đó, địa phương thường xuyên nhắc nhở khách hàng, tiểu thương thực hiện cài đặt ứng dụng NCOVI, PC-Covid, yêu cầu thực hiện quét mã QR khi ra vào chợ…

Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: Trên cơ sở đánh giá, kiểm soát dịch bệnh, Sở Công Thương có văn bản hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án để mở lại các chợ truyền thống trên địa bàn. Qua kiểm tra một số chợ đã hoạt động trở lại, các địa phương, Ban Quản lý chợ thực hiện tốt các phương án phòng, chống dịch, lập chốt kiểm soát người dân và phương tiện giao nhận hàng hóa ra vào chợ, phát phiếu đi chợ cho người dân, giăng dây, phân luồng giữa người mua và người bán, ngày chủ nhật lực lượng chức năng khử trùng toàn khu vực chợ.

Theo khảo sát, nguồn hàng cung ứng hàng hóa bảo đảm, bắt đầu dồi dào trở lại, hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương trong tỉnh, ngoài tỉnh cơ bản thông suốt, thuận lợi. Đến nay, có 100% siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích hoạt động bình thường trở lại; 80/125 chợ truyền thống đã hoạt động.

Để thực hiện kế hoạch khôi phục kinh tế sau thời gian chống dịch, UBND tỉnh giao ngành Công Thương thúc đẩy khôi phục lại khu vực thương mại - dịch vụ. Chủ trương của UBND tỉnh là cho mở lại tất cả hoạt động thương mại - dịch vụ, chợ truyền thống, ngành hàng.

“Đối với các cơ sở kinh doanh - dịch vụ như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ truyền thống được phép hoạt động bình thường, nhưng người bán và người phục vụ (đối với Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích) phải đáp ứng một trong các điều kiện: Đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 không quá 06 tháng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính trong thời hạn 72 giờ (trừ người dưới 18 tuổi chưa tiêm vắc-xin, người chống chỉ định tiêm chủng, người tạm hoãn tiêm chủng).

Đối với nhà hàng, quán ăn, quán giải khát được phép hoạt động bình thường, nhưng người phục vụ phải đáp ứng các điều kiện: Đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính trong thời hạn 72 giờ (trừ người dưới 18 tuổi chưa tiêm vắc-xin, người chống chỉ định tiêm chủng, người tạm hoãn tiêm chủng).

Chủ các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm định kỳ cho nhân viên (người bán và người phục vụ) theo quy định tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT, ngày 12/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ; đồng thời, có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định” - ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết thêm.

Để vực lại nhanh doanh thu bán lẻ hàng hóa, thương mại - dịch vụ, tăng thu ngân sách, thúc đẩy phát triển KT - XH, bảo đảm an sinh cho người dân trong trạng thái “bình thường mới”, việc mở lại tất cả các hoạt động thương mại - dịch vụ phục vụ người tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi là rất quan trọng trong lộ trình khôi phục KT - XH của tỉnh./.

Đến nay, có 100% siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích hoạt động bình thường trở lại; 80/125 chợ truyền thống đã hoạt động.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết