Tiếng Việt | English

31/01/2023 - 10:52

Mô hình 1+5: Cảm hóa bằng tình yêu thương

Bằng cách tìm hiểu kỹ về hoàn cảnh, tâm tư, tình cảm của từng trường hợp để có biện pháp giúp đỡ thích hợp, mô hình cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật và có biểu hiện vi phạm pháp luật theo tiêu chí 1+5 (mô hình 1+5) tại xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực.

Gần 1 năm trở lại đây, anh Nguyễn Thành Nhân (ấp Bình Tây 2, xã Bình Hòa Tây) chí thú làm ăn, không còn sa ngã theo lời rủ rê của bạn bè xấu. Sau khi cai nghiện thành công, có sẵn nghề thợ xây, anh nhanh chóng tìm được việc làm, cùng vợ chăm lo cho các con. Anh Nhân kể, trước đây, nghe theo lời bạn bè xấu, anh rơi vào con đường nghiện ngập. Nhờ sự khuyên răn, hướng dẫn của cán bộ xã, anh mới làm lại cuộc đời.

Đoàn cán bộ gồm đại diện UBMTTQ Việt Nam xã, Công an xã và đoàn thể đến tận nhà để động viên, giúp đỡ những người từng vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Bình Hòa Tây - Nguyễn Văn Danh cho biết, việc giúp đỡ những người như anh Nhân được UBMTTQ Việt Nam xã, Công an xã và các đoàn thể phối hợp thực hiện. Xã xây dựng mô hình cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật và có biểu hiện vi phạm pháp luật theo tiêu chí 1+5 từ năm 2018. Đến năm 2020, mô hình được nhân rộng trong toàn huyện. Thông qua mô hình, chúng tôi đã giúp nhiều người lầm lỡ trở lại con đường lương thiện, chí thú làm ăn.

UBMTTQ Việt Nam xã phối hợp Công an xã và các đoàn thể thành lập đoàn đến từng nhà các đối tượng từng vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật để nhắc nhở, khuyên răn; đồng thời, tạo điều kiện, giới thiệu việc làm, giúp họ có thể dễ dàng hòa nhập cộng đồng.

Thiếu tá Nguyễn Văn Vạn - Trưởng Công an xã Bình Hòa Tây, thông tin: “Địa phương giáp với thị xã Kiến Tường và biên giới nên tình hình an ninh, trật tự có phần phức tạp. Tuy nhiên, nhờ mô hình 1+5, công tác tuyên truyền được thực hiện tốt, an ninh, trật tự được bảo đảm. Khi mô hình mới thành lập, mỗi tuần chúng tôi đến 5 gia đình nhưng hiện nay chỉ còn 1 gia đình mỗi tuần. Các trường hợp đã tiến bộ, chúng tôi thường xuyên theo dõi nhằm nắm bắt tâm tư, tình cảm”.

Trong các buổi làm việc, cán bộ cố gắng tạo không khí thoải mái, gần gũi, nhẹ nhàng giải thích, từng bước giúp người mắc sai lầm hiểu ra và quyết tâm sửa chữa. Ông Nguyễn Văn Danh cho biết thêm: “Ban đầu, nhiều người thấy chúng tôi đến là họ trốn, không ra tiếp nhưng cứ đến thường xuyên, nói chuyện thân tình, dần dần họ cũng nghe". Trước khi bắt đầu cảm hóa trường hợp nào, ông Danh cùng các cán bộ phải tìm hiểu rõ hoàn cảnh cụ thể, xem đối tượng đang cần gì để có cách thức khuyên giải và biện pháp hỗ trợ thích hợp.

Theo ông Danh, “bí quyết” để thực hiện thành công mô hình chính là sự cảm thông, chia sẻ, tạo điều kiện để người vi phạm, có nguy cơ vi phạm thay đổi bản thân. Ông Danh nói: “Đời người không ai tránh khỏi vấp ngã. Khi vấp ngã có người giúp đỡ, hỗ trợ thì người vấp ngã sẽ có động lực để làm lại”.

Sau 5 năm triển khai, thực hiện, mô hình 1+5 tại Bình Hòa Tây phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giúp địa phương xây dựng nông thôn mới./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết