Tiếng Việt | English

01/12/2015 - 15:59

Môn Lịch sử sa sút như hiện nay, lỗi tại ai?

Chất lượng môn Lịch sử sa sút như hiện nay không phải thuộc về học sinh mà là trách nhiệm của người lớn...

Thời gian gần đây, tình trạng học sinh “quay lưng” với môn Lịch sử ngày càng gia tăng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: sách giáo khoa còn nặng nề kiến thức, phương pháp giảng dạy của giáo viên chưa thực sự thu hút học sinh... Vấn đề này đã khiến dư luận xã hội thực sự quan tâm cũng như lo ngại.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GD-ĐT vừa đưa ra Dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” có đề cập đến việc tích hợp nội dung môn Lịch sử với môn Đạo đức-Công dân và An ninh-Quốc phòng thành môn học mới có tên “Công dân với Tổ quốc”.

Tuy nhiên, ngay sau khi Dự thảo được đưa ra, nhiều học giả, nhà khoa học, sử học và thậm chí là giáo viên lại phản đối cách thức tích hợp này và bày tỏ sự lo ngại vị thế môn Lịch sử có thể bị “lãng quên”.

Sau khi lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII vào chiều 27/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết trong đó yêu cầu tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới. Như vậy, môn Lịch sử tiếp tục là môn học độc lập, không bị tích hợp vào các môn học khác. Vấn đề cốt yếu là bây giờ chúng ta phải có những giải pháp hữu hiệu trong việc đổi mới môn Lịch sử, làm sao để môn học này thực sự thu hút học sinh.

Dạy Lịch sử là phải để học sinh có được khí phách của dân tộc

Việc phản đối cách thức tích hợp môn Lịch sử và bày tỏ sự lo ngại vị thế môn học này có thể bị “lãng quên” là hoàn toàn có cơ sở khi nước ta đã từng bị phong kiến phương Bắc đô hộ trong khoảng 1.000 năm, giặc Minh chiếm đóng trong 20 năm và gần 100 năm Pháp thuộc. Thời kỳ đô hộ nào, kẻ thù đều muốn xóa nhòa lịch sử của nước ta, muốn người dân quên hẳn lịch sử dân tộc. Minh Thành Tổ đã từng ra lệnh không tờ giấy nào còn có chữ được tồn tại ở nước ta.

Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến rất chú trọng đến giáo dục lịch sử cho học sinh. Trung Quốc đã từng đăng cai Đại hội Sử học toàn thế giới với sự tham dự của hơn 1000 nhà sử học. Tất cả đều nhấn mạnh đến vị trí, vai trò của môn Lịch sử đối với sự phát triển chung của thế giới.

Nhiều nước đều coi Lịch sử là môn học bắt buộc ở cấp học phổ thông và có cách thức để thu hút học sinh học môn học này. Điều quan trọng thu hút học sinh đến với môn Sử là chúng ta phải dạy cho các em có được tinh thần, khí phách dân tộc, lòng yêu nước thông qua các bài giảng.

Theo PGS.TS Vũ Quang Hiển, khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc dạy và học lịch sử hiện nay còn nhiều bất cập, từ quan niệm, nội dung chương trình, sách giáo khoa đến phương pháp giảng dạy của đội ngũ thầy, cô giáo và phương thức kiểm tra đánh giá.

Lịch sử chỉ được giáo dục có hiệu quả khi nó là một môn khoa học. Khung chương trình môn Lịch sử phải được xây dựng lại một cáchphù hợp với từng độ tuổi, đảm bảo tính vừa sức của mỗi bậc học, cấp học. Để thực hiện điều này, ngành Giáo dục cần tập hợp, chắt lọc ý kiến của giới sử học, các nhà khoa học giáo dục, nhất là các nhà sư phạm…

Trên nền tảng của chương trình mới, chúng ta có thể tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa thực sự khoa học. Hiện nay, sách giáo khoa của chúng ta còn phiến diện, nặng tính hàn lâm, nghiêng về các sự kiện chính trị, quân sự, nhưng lại ít các thông tin, sự kiện liên quan đến các lĩnh vực kinh tế-xã hội, văn hóa, đối ngoại...

Để môn Lịch sử thực sự hấp dẫn đối với học sinh, từ chương trình và sách giáo khoa môn học này phải có sự đổi mới căn bản và toàn diện. Triết lý dạy học môn Lịch sử không phải là tạo ra những người học theo lối thuộc lòng máy móc các sự kiện lịch sử, từ ngày tháng đến chi tiết diễn biến, mà ngay các nhà sử học nổi tiếng trên thế giới cũng không thể thuộc hết được.

Điều quan trọng trong dạy và học Lịch sử là giúp học sinh có được tinh thần, khí phách của lịch sử dân tộc; giúp con người có lòng yêu nước, khả năng nhìn nhận, đánh giá mọi sự kiện, hiện tượng lịch sử dựa trên những cứ liệu xác thực và tự liên hệ với thực tiễn để rút ra được bài học cho hiện tại và tương lai. Từ đó hình thành nên năng lực và phẩm chất con người, tạo ra bản lĩnh, bản sắc con người. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng mà các nhà trường, đội ngũ thầy, cô và các nhà sử học cần phải nhận thức một cách nghiêm túc. Ngoài ra, xã hội cũng cần phải thay đổi quan niệm môn Lịch sử là môn học phụ, môn học thuộc lòng.

Để thực hiện được mục tiêu trên, chúng ta cần có sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp có thẩm quyền, cần hình thành những trung tâm hỗ trợ giáo dục lịch sử ở cấp quốc gia và trong từng địa phương nhằm hỗ trợ thường xuyên để nâng cao trình độ cho giáo viên cũng như tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh trong học tập môn Lịch sử.

Học sinh thích học Lịch sử thông qua các hoạt động trải nghiệm hơn là kiểu "thầy đọc trò chép" (Ảnh minh họa)

Học sinh thích học Lịch sử thông qua trải nghiệm

Chúng ta cần có cách thức để xã hội và đặc biệt là học sinh hiểu rằng, Lịch sử không phải là môn học thuộc lòng mà là môn khoa học. Việc giáo dục lịch sử nên theo hướng giảng dạy những kiến thức, kỹ năng cơ bản tối thiểu.

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội nêu ý kiến, việc dạy Lịch sử hiện nay chủ yếu thiên về truyền đạt kiến thức áp đặt theo kiểu bắt học sinh phải nhớ nhiều sự kiện, ngày tháng, địa danh, nhân vật nên khiến học sinh phải học thuộc rất nhiều và dễ dẫn đến tình trạng chán nản. Phương pháp truyền đạt chỉ theo hướng một chiều là giáo viên chỉ đứng bục giảng và trò ghi chép.

Nhiều nước giáo dục lịch sử cho học sinh thông qua những chuyến đi tham quan bảo tàng, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và qua việc trình chiếu các bộ phim lịch sử hấp dẫn. Học sinh các nước được học tập trải nghiệm, sáng tạo. Việc đổi mới môn Lịch sử đều có sự tham gia của các nhà sư phạm.

Trong giờ giảng dạy, giáo viên nên để học sinh trao đổi, thảo luận về một nhân vật, sự kiện nào đó hơn là chỉ ghi chép. Khi tạo được không khí tranh luận sôi nổi thì việc dạy sử sẽ hấp dẫn và học sinh sẽ thích thú môn học này hơn nhiều so với hiện nay.

Nếu Việt Nam cải cách dạy học lịch sử như nhiều nước trên thế giới đã từng làm sẽ tốt hơn.

Chọn lọc kiến thức và cách dạy học phù hợp

GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, tình trạng học sinh thờ ơ với môn Lịch sử trong nhiều năm nay là điều rất đáng lo ngại.

Khi bắt học sinh phải thi thì điểm số rất thấp. Khi cho tự chọn thì hầu hết bỏ ngay môn học này. Rồi những điều tra xã hội học, phỏng vấn bất chợt, phần lớn cho thấy, học sinh hiểu biết rất lơ mơ, hiểu sai cả những nhân vật anh hùng tiêu biểu như coi Quang Trung- Nguyễn Huệ là hai người, hai anh em... Đó là những câu chuyện cười ra nước mắt. Nhưng vấn đề là nguyên nhân của tình trạng đó và trách nhiệm thuộc về ai?

Trước hết là do sách giáo khoa quá nặng nề, la liệt các sự kiện, nhân vật và con số, mang tính nhồi nhét kiến thức. Trong một số bài, lại có những mục chung chung, lặp đi lặp lại như sau mỗi cuộc kháng chiến là nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử, nào là nhân dân yêu nước, cả nước đoàn kết, lãnh đạo sáng suốt tài giỏi... Lịch sử hiện đại thì trình bày theo các kế hoạch 5 năm với la liệt các số liệu... Cách dạy nặng về truyền thụ kiến thức, câu hỏi kiểm tra và thi cử cũng chỉ nhằm đo kiến thức trong sách giáo khoa...

Nội dung sách giáo khoa cùng với cách dạy cách học, cách thi như vậy thì mặc nhiên học sinh không thể tìm thấy hứng thú trong học tập, coi môn Lịch sử như một môn học của trí nhớ, học thuộc lòng, không cần thông minh, sáng tạo. Học sinh với tính năng động của tuổi trẻ không thể chấp nhận một môn học như vậy.

Theo Giáo sư Phan Huy Lê, bản thân môn Lịch sử nếu đặt đúng vị thế của một môn khoa học, biết chọn những kiến thức thật cần thiết cùng với cách dạy, cách học phù hợp là một trong những môn học rất hấp dẫn của giới trẻ.

Chất lượng môn Lịch sử sa sút đến mức độ “thảm hại” như hiện nay hoàn toàn không thuộc về bản thân môn học, cũng không thuộc trách nhiệm của học sinh. Đó là trách nhiệm của người lớn, của những người biên soạn chương trình và sách giáo khoa, của giáo viên, bao trùm lên là trách nhiệm chỉ đạo và thiết kế môn học của Bộ GD- ĐT.

Trên thực tế, có một số giáo viên đầy tâm huyết với môn học và học sinh, cố gắng cải tiến cách dạy, chăm lo hướng dẫn phương pháp học tập cho các em. Nhưng sự sa sút của môn Lịch sử nằm trong cả hệ thống từ nhận thức về vị thế, yêu cầu, mục tiêu của môn học cho đến chương trình, sách giáo khoa và đội ngũ giáo viên. Sự cố gắng của một số thầy, cô giáo hay sự cải tiến trong một vài khâu nào đó không thể thay đổi toàn cục./.

Bích Lan/VOV.VN

Chia sẻ bài viết