Tiếng Việt | English

22/06/2019 - 05:22

Một cây làm chẳng nên non...

Làm việc nhóm sẽ phát huy những mặt mạnh của từng người để bổ sung cho nhau. Nghề báo cũng vậy, làm việc nhóm giúp chúng ta tối ưu hóa hiệu suất làm việc, hoàn thành công việc nhanh hơn và tạo ra tác phẩm tốt nhất phục vụ công chúng.

Phóng viên phát thanh, truyền hình thường  làm việc theo nhóm, còn gọi là ê-kíp

Phóng viên phát thanh, truyền hình thường làm việc theo nhóm, còn gọi là ê-kíp

Tất cả phải vì mục tiêu chung

Phóng viên báo in hầu hết thường hoạt động độc lập nhưng khi thực hiện những đề tài mang tính dài hơi, nhiều kỳ, nhất là ở thể loại phóng sự, phóng sự điều tra, thì làm việc nhóm là hết sức cần thiết. Mỗi nhóm thông thường gồm 2-4 thành viên, mỗi thành viên sẽ có những ưu điểm riêng. Làm việc nhóm giúp phát huy được kỹ năng, thế mạnh của từng cá nhân trong việc khai thác, thu thập đến xử lý thông tin và triển khai thành sản phẩm báo chí. 

Theo phóng viên Ngọc Mận (Báo Long An), thuận lợi của làm việc nhóm là nhiều người sẽ có nhiều ý tưởng nên bài viết phong phú hơn. Thông tin thu thập được cũng sâu, đa chiều hơn vì có thời gian đi thực tế, cũng như đầu tư cho tác phẩm. Làm việc nhóm còn giúp người làm báo hạn chế những sai sót, bổ sung kiến thức cho nhau, giúp nhau cùng tiến bộ. Trong một vài trường hợp, các thành viên còn có thể hỗ trợ nhau khi tác nghiệp.

Tuy nhiên, muốn làm việc nhóm hiệu quả trước hết phải bảo đảm tất cả mọi người có cùng hướng đi. Bởi, chỉ cần một người đi chệch hướng thì khó có thể hoàn thành công việc một cách tốt nhất. “Các thành viên phải tin tưởng lẫn nhau và có cách nhìn nhận vấn đề gần giống nhau. Nếu mỗi người vì cái tôi quá lớn, bảo thủ trong suy nghĩ thì khó có thể làm việc chung được” - cộng tác viên Huỳnh Hương (Báo Long An) chia sẻ. 

Làm việc nhóm giúp phóng viên hạn chế những sai sót, bổ sung kiến thức cho nhau

Làm việc nhóm giúp phóng viên hạn chế những sai sót, bổ sung kiến thức cho nhau

Mỗi nhóm dù lớn hay nhỏ đều cần có một trưởng nhóm. Người này được ví như “nhạc trưởng” triển khai mọi kế hoạch thực hiện, từ khâu sắp xếp thời gian, phân công công việc đến xử lý những tình huống nảy sinh trong nhóm và cuối cùng là tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh. Dù là trưởng nhóm hay chỉ là một thành viên thì việc lắng nghe ý kiến đóng góp của người khác là điều rất quan trọng. Đừng bao giờ bảo thủ cho rằng mọi ý kiến của mình luôn luôn đúng. Một khi đã vào nhóm thì phải dẹp bỏ cái tôi và dung hòa vì cái chung.

Tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau

Khác với báo in, phóng viên phát thanh, truyền hình thường làm việc theo nhóm, còn gọi là ê-kíp. Trong ê-kíp làm chương trình, mỗi người đều có nhiệm vụ riêng. Tất nhiên không thể nói được nhiệm vụ nào quan trọng hơn vì để có một tác phẩm truyền hình đạt chất lượng về hình ảnh, âm thanh, nội dung, qua đó truyền tải được thông điệp đến công chúng đúng như mong muốn thì mỗi người đều có những đóng góp nhất định. Điều quan trọng là ê-kíp phải hiểu nhau và hết lòng vì một mục tiêu chung.

Để có tác phẩm phát thanh, truyền hình hay, đầu tiên phải có chất liệu tốt. Những người tác nghiệp tại hiện trường chính là người sẽ chọn lọc những chất liệu cần thiết để mang về và tiếp tục thực hiện ở khâu hậu kỳ. Người quay phim phải hiểu được ý đồ của biên tập và thể hiện bằng khung hình, góc máy của mình. Ngoài ra, người thuyết minh, kỹ thuật dựng cũng cần phải hiểu ý đồ của biên tập để có cách đọc, cách dựng phù hợp. 

Đạo diễn Hoài Mỹ (Đài Phát thanh và Truyền hình Long An) cho biết, một chương trình truyền hình cần có sự tham gia của nhiều thành phần: Đạo diễn, kỹ thuật, quay phim, biên tập, người dẫn chương trình,... Tất cả những thành phần này phải có sự phối hợp nhịp nhàng thì công việc mới trôi chảy và đạt hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, khi thực hiện một chương trình trực tiếp, ngoài bám sát kịch bản, những thành viên trong ê-kíp còn phải phục tùng yêu cầu của đạo diễn. Chính vì vậy, trong làm việc nhóm, tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm đóng vai trò rất quan trọng. 

Theo phóng viên Yến Mai, hiện đang phụ trách chương trình Vượt qua hiểm nghèo của Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, trước khi thực hiện chương trình, phóng viên phải dành thời gian trao đổi với nhân vật, người thân của nhân vật và người dân địa phương, hình thành những ý tưởng cần khai thác và bàn bạc trước với người quay phim để sắp xếp các cảnh quay. Tuy nhiên, lúc ra hiện trường, đôi khi sẽ có những tình huống phát sinh, quay phim có thể trao đổi với phóng viên để có những cảnh quay “đắt giá” nhất.

Trong làm việc nhóm, tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm đóng vai trò rất quan trọng

Trong làm việc nhóm, tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm đóng vai trò rất quan trọng

Chị Yến Mai cho rằng, cái khó khi làm việc nhóm có lẽ là tìm được những người hiểu ý nhau trong quá trình thực hiện một chương trình. Nếu tìm được một ê-kíp “ăn ý” sẽ không còn khó khăn, có chăng là do yếu tố khách quan khi quay hình. Muốn vậy, trong quá trình làm việc, mọi người cần tôn trọng lẫn nhau, không nên tự đề cao mình và xem thường những người khác. Việc giúp đỡ và tôn trọng giữa các thành viên chính là yếu tố không thể thiếu khi làm việc nhóm.

Làm việc nhóm không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công việc mà còn tiết kiệm nhiều thời gian. Qua đó, những người làm báo có thể khắc phục được khuyết điểm, phát huy ưu điểm của bản thân, chung sức tạo ra những tác phẩm báo chí hay, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng./.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết