Tiếng Việt | English

27/12/2016 - 17:13

Một ngày ở Trạm Phước Đông

Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) giữ vị trí quan trọng trong vận tải hàng hóa, nông sản. Do vậy, công tác tuần tra, kiểm soát của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát đường thủy đóng vai trò rất quan trọng. Họ chính là những người góp phần bảo đảm cho những chuyến hành trình đưa hàng về bến an toàn, những chuyến đò hàng ngày nối đôi bờ đưa khách qua sông.


Kiểm tra phương tiện trên sông Vàm Cỏ

Nơi có lượng phương tiện đông đúc

Trạm Cảnh sát đường thủy Phước Đông (gọi tắt trạm Phước Đông), thuộc ấp 7, xã Phước Đông nằm trên bờ Kênh Nước Mặn là nơi tập trung nhiều phương tiện thủy nội địa. Kênh Nước Mặn dài 2km thuộc khu vực ấp 7, xã Phước Đông, ấp Chợ, xã Long Hựu Đông và ấp Long Hưng, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, tỉnh Long An là con kênh đào có từ thời Pháp thuộc để tránh bão.

Sau đó, kênh này trở thành tuyến ĐTNĐ quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Tây về Sài Gòn (nay là TP.HCM). Theo Đại tá Văn Thế Thái, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, đây cũng chính là lý do Trạm Cảnh sát đường thủy Phước Đông được hình thành. Hiện nay, lưu lượng tàu chở hàng, sà lan chở vật liệu xây dựng từ miền Tây về TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ qua lại liên tục.

Trung tá Đặng Văn Thắm, cán bộ trạm Phước Đông cho biết: "Do trạm nằm ở ngã ba sông Cần Giuộc và Kênh Nước Mặn nên thuận lợi cho việc tuần tra. Ngoài việc tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên tuyến, cán bộ, chiến sĩ của trạm còn tham gia tuyên truyền Luật ĐTNĐ bằng nhiều hình thức cho các đối tượng tham gia giao thông đường thủy: Thuyền trưởng, thuyền viên, chủ phương tiện, chủ bến đò và người dân dọc 2 bên tuyến ĐTNĐ".


Tuần tra trên Kênh Nước Mặn

Do Kênh Nước Mặn nối 2 sông Cần Giuộc và sông Vàm Cỏ rồi đổ thẳng ra cửa biển khu vực Đồn Rạch Cát nên tàu bè từ các tỉnh miền Tây, miền Đông khi đến khu vực này thường neo đậu chờ con nước, khi nước xuôi, họ mới cho phương tiện di chuyển theo hướng dòng nước để tiết kiệm nhiên liệu và rút ngắn thời gian di chuyển. Theo quan sát, khi thủy triều xuống, hàng chục phương tiện neo đậu dọc theo các tuyến sông lớn. Đây cũng là lúc ca nô của trạm len lỏi giữa các phương tiện vừa tuần tra, vừa nhắc nhở thuyền trưởng, thuyền viên chấp hành quy định Luật ĐTNĐ, bảo đảm TTATGT.

Trung tá Đặng Văn Thắm cho biết thêm: "Khi phương tiện neo đậu cũng là lúc các đối tượng tội phạm hoạt động, vì sau một chuyến hành trình dài, căng thẳng nên khi neo đậu thì thuyền trưởng, các thuyền viên mệt mỏi, nằm ngủ và mất cảnh giác. Ngoài ra, do lượng phương tiện quá đông, việc đậu, đỗ thường gây mất trật tự, có khi xảy ra va chạm, tai nạn giao thông nên chúng tôi phải thường xuyên tuần tra, nhắc nhở các thuyền trưởng và chủ phương tiện".

Bảo đảm an toàn cho những chuyến hải trình

Theo Phòng Cảnh sát đường thủy, trạm Phước Đông quản lý 35,8km sông Cần Giuộc, 35,5km sông Vàm Cỏ và 2km Kênh Nước Mặn, đây là các tuyến sông thuộc Trung ương quản lý, có mật độ phương tiện tải trọng lớn từ 500 tấn trở lên lưu thông rất dày đặc. Ngoài ra, trạm còn kiểm tra 14 bến khách ngang sông trên tuyến, trong số này có những bến thuộc loại lớn như: Bến Tân Tập, bến Long Hựu Đông, bến Phước Vĩnh Đông,...

Thượng úy Lê Hữu Tạo, cán bộ trạm cho biết: "Do thường xuyên tuần tra, kiểm soát nên chúng tôi chỉ nhìn là biết phương tiện có chở quá tải trọng cho phép hay không". Theo quan sát, có rất nhiều phương tiện chở cát từ miền Tây về TP.HCM nếu nhìn từ xa chỉ thấy một đống cát lớn trôi trên sông, không thấy mạn tàu.

Trung tá Đặng Văn Thắm cho biết thêm: "Các sà lan chở cát quá tải có nguy cơ mất ATGT, nhất là khi người lái thiếu kinh nghiệm đi vào các vùng các luồng nước giao nhau hoặc những ngày có sóng to, gió lớn". Được biết, tại ngã ba Kênh Nước Mặn - sông Cần Giuộc là nơi thường xảy ra vụ chìm sà lan khi đi qua vùng nước xoáy. Ngoài ra, khu vực này còn có bến đò Long Hựu Đông - Đông Thạnh hàng ngày đưa khách qua lại nên cán bộ, chiến sĩ trạm thường xuyên nhắc nhở chủ phương tiện nâng cao cảnh giác.


Phương tiện thủy nội địa lưu thông trên Kênh Nước Mặn dày đặc

Đi cùng các cán bộ, chiến sĩ Trạm Phước Đông mới thấy hết khó khăn, vất vả của họ. Một ngày, trạm tổ chức 2 đợt tuần tra. Vào những ngày trời mưa bão, sóng lớn, việc tuần tra, kiểm soát lại càng khó khăn hơn, nhất là tại khu vực cửa biển, sóng lớn có khi cao từ 1-2m. Dùng bữa cơm thân mật tại trạm mới biết, cán bộ, chiến sĩ đa số công tác xa nhà, bên cạnh công việc hàng ngày thì cũng ít có điều kiện vui chơi, giải trí. Mọi người tự động viên nhau vượt qua khó khăn. Các đồng chí trong trạm tự trồng rau xanh, vì từ trạm ra chợ khá xa.

Thấy được khó khăn của trạm nên cấp trên tăng cường cho đơn vị thêm 3 đồng chí. Tuy nhiên, so với công việc thực tế thì vẫn không đáp ứng, bởi khối lượng công việc thực sự quá nhiều. Trung tá Đặng Văn Thắm chia sẻ: "Bên cạnh công việc tuần tra hàng ngày bảo đảm TTATGT, phòng, chống tội phạm đường thủy, xử lý tai nạn giao thông, chúng tôi còn tham gia với UBND, công an các xã dọc theo tuyến sông thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành TTATGT ĐTNĐ, tham gia đoàn liên ngành kiểm tra theo đợt cao điểm".

Đặc biệt, hiện nay, trạm thực hiện Đề án bảo đảm ATGT ĐTNĐ, tập trung 2 nội dung chính là phòng ngừa TNGT và chống ùn tắc giao thông ĐTNĐ khu vực Kênh Nước Mặn. Theo đó, việc phòng ngừa ùn tắc và tai nạn giao thông được đặt lên hàng đầu, khi xảy ra ùn tắc, trạm có phương án giải quyết nhanh. Vì vậy, rất cần được đầu tư phương tiện hiện đại hỗ trợ như: Tàu cứu hộ để đề phòng khi sà lan mất lái trôi tự do nhằm hạn chế hư hỏng hạ tầng. Hệ thống đèn chiếu sáng ban đêm, hệ thống biển báo hiệu, cảnh báo nguy hiểm vùng các luồng nước giao nhau, đặc biệt là bãi tạm giữ phương tiện vi phạm,...

Đội trưởng đội Tham mưu tổng hợp, Phòng Cảnh sát đường thủy - Trung tá Tạ Hy Rong cho biết: Các lỗi vi phạm chủ yếu qua kiểm tra các phương tiện ĐTNĐ là chở quá vạch dấu mớn nước an toàn phương tiện (còn gọi là chở hàng quá tải) chiếm đến 2.000 trường hợp vi phạm trên tổng số 3.566 lỗi vi phạm. Việc chở hàng quá tải trên lĩnh vực ĐTNĐ tuy không trực tiếp gây hư hỏng hạ tầng giao thông nhưng cũng là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông ĐTNĐ và làm thiệt hại tính mạng, tài sản rất lớn.

Theo số liệu của Phòng Cảnh sát đường thủy, năm 2016, các đơn vị của phòng tập trung tuần tra, kiểm soát 612 lượt trên địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATGT ĐTNĐ phát hiện và lập 3.529 biên bản vi phạm hành chính với 3.566 lỗi vi phạm Luật Giao thông ĐTNĐ. Cơ quan chức năng tiến hành xử lý 3.510 trường hợp vi phạm, xử phạt số tiền trên 5,9 tỉ đồng.

Riêng trạm Phước Đông tổ chức 320 lượt tuần tra, lập biên bản 2.578 trường hợp vi phạm. Ngoài ra, trạm tổ chức hàng trăm đợt tuyên truyền, phổ biến Luật ĐTNĐ cho 33.753 lượt người nghe (thuyền trưởng, thuyền viên, chủ bến đò,...).

Năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông ĐTNĐ tại các huyện Thạnh Hóa, Cần Giuộc, Bến Lức, Thủ Thừa, Tân Thạnh và Tân Hưng làm chết 7 người, bị thương 2 người. So với cùng kỳ năm 2015, số vụ giảm 2 vụ (7/9), số người chết giảm 1 người (7/8) số người bị thương tăng 2 người.

Cũng theo thống kê, số vụ tai nạn giao thông ĐTNĐ xảy ra trên tuyến ĐTNĐ quốc gia 4 vụ, tuyến ĐTNĐ do địa phương quản lý 3 vụ./.

Hải Đăng

Chia sẻ bài viết