Tiếng Việt | English

08/12/2015 - 10:16

Một ngày ở Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động và Xã hội

Mỗi học viên ở Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động và Xã hội có một hoàn cảnh, nỗi niềm riêng, họ đang cùng nhau rèn luyện, học tập, để bước ra khỏi những tháng ngày nghiện ngập. Ở đó, họ được chăm sóc, học tập, lao động và được hướng đến những ngày mới đầy hy vọng.

Khám sức khỏe cho học viên tại trung tâm

Đợi ngày về

Đã 3 ngày nay, anh N.K.K quê ở huyện Đức Hòa không ngủ được. Anh cứ thấp thỏm, nôn nao trong người. Còn 3 ngày nữa anh chính thức kết thúc đợt học tập trở về với gia đình. 23 tháng xa gia đình, ăn tết cùng các học viên tại trung tâm, năm nay được về nhà đón tết đoàn tụ, với anh không có niềm vui nào bằng. 

Trước đây, nghe lời rủ rê của bạn bè, anh dùng ma túy đá như một thú vui. Địa phương đưa vào trung tâm học tập. Qua thời gian rèn luyện, anh nhận ra những sai lầm nên học tập tốt. Nhờ vậy, anh được xét cho về trước thời hạn 1 tháng.

Anh nói, khi về sẽ giúp gia đình nuôi bò, trồng đậu. Anh nhớ rõ thời điểm này, ở quê, mọi người chuẩn bị gieo mùa đậu mới. Anh mong được nhìn thấy mặt đứa con trai 7 tuổi. Từ ngày vào trung tâm, anh không có cơ hội gần gũi và chăm sóc con, sắp đến ngày về, anh mất ngủ mấy hôm liền, nôn nao chờ đợi.

Hằng năm, trung tâm nhận vào và cho hòa nhập cộng đồng hàng chục đến hàng trăm học viên. Chỉ tính riêng năm 2015, trung tâm nhận 21 học viên, trong đó có 10 học viên tự nguyện, 2 học viên bắt buộc và 9 trường hợp trốn các năm trước bị bắt lại.

Số học viên tái hòa nhập cộng đồng trong năm là 231 học viên (tính đến đầu tháng 11-2015). Hiện tại, ở trung tâm còn 45 học viên đang học tập, rèn luyện, một số chuẩn bị kết thúc đợt học và tái hòa nhập cộng đồng.

Anh T.M.C, quê ở huyện Bến Lức đã học tập tại trung tâm 13 tháng, anh nhớ rõ mình còn 27 ngày nữa là được về nhà. Anh dự tính, sau khi về trình diện với địa phương, anh sẽ đưa gia đình về quê vợ ở Đồng Tháp.

“Ba mẹ vợ kêu vợ chồng tui về dưới đó làm ăn vì cũng đang cần người phụ. Về dưới rồi, tui với vợ phải đi đăng ký kết hôn để làm khai sinh cho mấy đứa nhỏ để tụi nó được đi học. Trước đây, do dùng ma túy đá, tôi bị triệu tập tới trung tâm nên trốn khỏi địa phương, vợ chồng chưa kịp đăng ký kết hôn”.

Anh C nói rồi bỏ lửng câu chuyện ở đó. Có lẽ, đối với anh, đó là thời gian lầm lỗi chẳng muốn nhắc đến làm gì . Những ngày ở trung tâm, anh cố gắng học tập và lao động tốt, chờ đến ngày về.

Con đường sáng

Một ngày của học viên ở trung tâm bắt đầu bằng thể dục buổi sáng, ăn sáng, lao động, học tập, nghỉ ngơi,... Ở đây, học viên mới đến được theo dõi sát sao về sức khỏe, điều trị cắt cơn đến khi ổn định sức khỏe mới bắt đầu tham gia học tập, lao động.

Học viên học nghề tại trung tâm

Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động và Xã hội - Nguyễn Văn Cường cho biết, trung tâm có nhiều phòng chức năng riêng biệt nhằm tạo điều kiện cho học viên cai nghiện và có cuộc sống lành mạnh, hiểu được giá trị của lao động và sức khỏe. Phòng y tế chăm sóc sức khỏe, điều trị và tư vấn cho học viên cách phòng, chống bệnh lây nhiễm. Phòng giáo dục hòa nhập hướng dẫn học viên các quy phạm pháp luật về ma túy, theo dõi, nắm bắt tư tưởng học viên trong quá trình học tập. Phòng sau cai sẽ phụ trách tư vấn cho học viên phòng, chống tái nghiện.

Khi học viên đã ổn định sức khỏe sẽ được tổ chức lao động có chấm công và trả tiền hằng tháng. Công việc của học viên tại trung tâm: Trồng lúa, tràm, chăn nuôi, làm rẫy, tạp vụ,... tùy theo sức khỏe và nguyện vọng của học viên mà cán bộ trung tâm sắp xếp công việc phù hợp. Trung tâm cũng bảo đảm học viên chỉ lao động khoảng 3 giờ/ngày.

Vào các dịp lễ, tết, học viên được tổ chức tham gia các hội thao: Bóng chuyền, cờ tướng, đá banh, hái hoa dân chủ,...

Ngoài ra,  học viên còn được học nghề theo nguyện vọng. Mới đây, trung tâm tổ chức bế giảng lớp dạy nghề và cấp chứng chỉ cho 58 học viên với 2 nghề hàn điện và điện gia dụng.

Ở trung tâm, những mảnh đời vấp ngã được nâng đỡ, trao cho cơ hội tự sửa chữa để tái hòa nhập cộng đồng./.

Phương Phương

 

 

Chia sẻ bài viết