Tiếng Việt | English

11/06/2020 - 11:23

Một người vì mọi người

Về ấp Cầu Lớn, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An nhắc đến ông Ngô Khắc Nhường (60 tuổi) có lẽ không ai không biết. Bởi, mỗi công trình đường, cầu, điện, nước hợp vệ sinh của địa phương đều có “bàn tay” ông tham gia.

Công việc chung, việc riêng, ông Ngô Khắc Nhường thường bàn bạc với vợ

Công việc chung, việc riêng, ông Ngô Khắc Nhường thường bàn bạc với vợ

Lấy sổ đỏ vay tiền cho người dân mượn

Sinh ra trong gia đình thuần nông và cũng không học cao để trở thành “ông này, bà nọ” nhưng ông Nhường luôn được dạy rằng phải sống ngay thẳng, có tình nghĩa; đồng thời học Bác cách sống giản dị, thật thà, không ngại gian khổ và luôn vì lợi ích chung. Tất cả những điều đó dần trở thành tính cách của ông. Làm việc gì ông cũng không nề hà, so đo, nhất là công việc của tập thể. Nhờ vậy, ông trở thành người có uy tín tại địa phương dù không tham gia ban quản lý ấp.

25 năm nay, cứ việc gì liên quan đến lợi ích của người dân ở địa phương là ông tham gia ngay. Trong đó, công việc chính của ông là đến từng nhà vận động người dân đóng tiền, trực tiếp tham gia làm các công trình và bảo quản, tu sửa để duy trì sử dụng lâu dài.

Được biết, trước đây, người dân ở đây chủ yếu sử dụng nước sông để nấu ăn, sinh hoạt nhưng nguồn nước bị ô nhiễm làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, năm 1999, địa phương được đầu tư 1 giếng nước cho mọi người cùng sử dụng. Tuy nhiên, quá trình lấy nước của người dân cũng lắm gian nan, vất vả. “Giếng bơm bằng tay, mọi người lần lượt đến lấy nước về xài nhưng thường 1 chuyến chỉ được 2 thùng nhỏ. Muốn đầy lu, khạp thì phải đi nhiều lần. Có người đi bộ, có người đi xuồng từ nhà đến giếng để lấy nước. Có những người, nhà rất xa giếng nên mỗi lần lấy nước là một lần vất vả. Ngoài ra, bơm thủ công nên mùa nắng cũng không đủ nước cho mọi người xài” - ông Nhường kể.

Trước thực tế khó khăn ấy, ông Nhường bàn bạc với mọi người về việc đặt máy bơm, làm bồn và kéo đường ống nước đến từng nhà giúp người dân đỡ vất vả, không tốn nhiều thời gian và công sức. Vậy là, ông và một số người bắt tay đi vận động khoảng 100 hộ dân. Thấy được lợi ích lâu dài, mọi người đồng thuận cao. Tuy nhiên, một số hộ khó khăn về kinh tế nên không có đủ tiền đóng. Ông Nhường nói: “Khi đó, mỗi hộ đóng khoảng 800.000 đồng. So với thời điểm đó, số tiền ấy thật sự lớn nhưng ai cũng đồng thuận và mong nước được dẫn tới nhà. Còn khoảng 40% hộ chưa có hoặc chưa đủ tiền đóng, sau khi bàn với gia đình, tôi quyết định lấy sổ đỏ vay tiền ngân hàng cho bà con mượn. Có tiền, bà con đóng lãi ngân hàng và trả tiền gốc cho tôi. Nhờ bà con thương nên ai có tiền là trả tôi ngay. Sau 6 tháng, tôi trả xong tiền ngân hàng và lấy sổ đỏ về”.

Đến nay, giếng nước vẫn được khai thác hiệu quả. Mọi người ở địa phương tham gia quản lý và bảo trì, sửa chữa nếu bị xuống cấp. 1.500 đồng/m3 nước thu từ người dân trên địa bàn dùng để trả tiền điện. 

Còn sức là còn tham gia

Ngoài công trình về nước, ông Nhường còn tham gia rất nhiều công trình khác. Năm 1995, ông cũng là người tiên phong trong tham gia vận động người dân đóng tiền để kéo đường dây điện, xóa đèn dầu mỗi tối ở các gia đình. Và kể từ đó, các công trình về đường, cầu tại địa phương, ông đều tham gia vận động và trực tiếp làm với mọi người. 

Để các công trình được “thấy mặt đặt tên”, việc đầu tiên và quan trọng nhất là đi vận động từng nhà, tạo sự đồng thuận của người dân để tham gia đóng góp sức người, sức của cùng hoàn thành công trình. “Người dân không khó, quan trọng là mình nói chuyện hợp tình, hợp lý để bà con thấy được lợi ích lâu dài. Ngoài ra, mọi chuyện mình làm, đặc biệt là liên quan đến tiền phải rõ ràng, minh bạch, công khai. Chính cách làm ấy, bà con tin tưởng lời nói và an tâm giao tiền cho mình” - ông Nhường chia sẻ.

Mặc dù tạo được uy tín, giúp việc vận động không quá vất vả nhưng đôi khi ông phải đi nhiều lần, đi vào buổi tối hoặc phải kiên trì giải thích về lợi ích lâu dài,… mới có sự đồng thuận 100%. Gần đây nhất, ông Nhường đóng góp kinh phí và vận động người dân xây dựng đường nông thôn ấp, trải đá xanh; đồng thời hiến 500m2 đất để làm đường và dốc cầu giúp người dân trong ấp đi lại thuận lợi. Ông Nhường cho biết: “Cầu lớn nhưng dốc hơi cao và gấp, không ít người té khi chạy xe xuống dốc cầu. Thấy vậy, tôi hiến đất và vận động mọi người đóng góp đổ đất thêm để dốc dễ chạy hơn. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên tham gia giặm vá đường, rong nhánh cây để bà con đi lại thuận tiện, nhất là học sinh đi học cũng an tâm hơn. Làm việc vì lợi ích chung với tôi giờ thành thói quen rồi. Còn sức là tôi còn tham gia các hoạt động cộng đồng như thế”.

Nếu ngoài xã hội, ông là người uy tín, luôn vì lợi ích cộng đồng thì trong gia đình, ông là tấm gương sáng cho anh em, con cháu học tập. Chính tính cách giản dị, hòa đồng, biết quan tâm và luôn nhất quán mà ông góp phần gìn giữ gia đình hòa thuận, hạnh phúc, con cháu ngoan hiền, hiếu thảo. Nhiều năm liền, gia đình ông đạt danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu. Với những đóng góp của mình, ông Nhường được huyện Thủ Thừa đề nghị tỉnh biểu dương điển hình tiên tiến Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2018-2020./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết