Tiếng Việt | English

11/12/2015 - 10:51

Mỹ đưa máy bay trinh sát tới Singapore, thách thức Trung Quốc

Trung Quốc đã chỉ trích việc Mỹ tăng cường quan hệ quốc phòng với Singapore, trong đó có việc điều máy bay trinh sát Poseidon tới quốc đảo này.

Từ 7-14/12/2015, Mỹ đã điều máy bay trinh sát P8 Poseidon tới Singapore trong khuôn khổ thỏa thuận giữa 2 bộ trưởng quốc phòng 2 nước. Động thái này khiến Trung Quốc như “đứng ngồi trên lửa”.

Trung Quốc chỉ trích Mỹ “quân sự hóa” tình hình

Reuters trích dẫn tin từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, Quân đội Trung Quốc đang “theo dõi chặt chẽ” thỏa thuận giữa Mỹ và Singapore về việc triển khai các máy bay trinh sát P8 Poseidon tới quốc đảo này và hy vọng động thái này không gây tổn hại cho sự ổn định trong khu vực.


Máy bay trinh sát P8 Poseidon của Mỹ tại Triển lãm hàng không ở Singapore (Ảnh Reuters).

"Chúng tôi đang quan tâm sát sao tới diễn biến tình hình, và hy vọng hợp tác quốc phòng song phương giữa Mỹ và Singapore có lợi cho hòa bình và ổn định trong khu vực, chứ không phải là ngược lại", Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố ngắn gọn vào cuối ngày 8/12.

Cũng trong ngày 8/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chỉ trích việc Mỹ tăng cường quan hệ quốc phòng với Singapore, trong đó có việc Washington triển khai máy bay tỉnh sát P8 Poseidon của Hải quân Mỹ tới quốc gia Đông Nam Á này từ 7-14/12.

Hãng tin AP dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh tuyên bố rằng, sự hiện diện mạnh mẽ hơn của quân đội Mỹ sẽ đi ngược lại lợi ích của các nước trong khu vực.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc, vốn bất bình với Washington về vấn đề Biển Đông, hôm thứ Ba tuyên bố rằng, động thái này nhằm “quân sự hóa” khu vực.

Theo Reuters, trong một tuyên bố chung sau cuộc họp tại Washington hôm thứ Hai 7/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen hoan nghênh việc triển khai các máy bay trinh sát Poseidon tại Singapore từ 07-14/12.

Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết các bên cũng hy vọng sẽ duy trì việc triển khai máy bay trinh sát như vậy ở Singapore.

Mỹ thực hiện cam kết gìn giữ ổn định trong khu vực

Tại một cuộc hội thảo tổ chức tại Washington hôm 9/12, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng nói rằng Singapore đã đồng ý việc triển khai P8 “luân phiên”, và tuyên bố thêm rằng, tiếp tục triển khai P8 là thêm một bước “cụ thể hóa” các cam kết của Washington về việc hoạt động như một lực lượng gìn giữ sự ổn định ở châu Á.


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen ký Thỏa thuận hợp tác quốc phòng (Ảnh Asia Channel).

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết vùng biển giàu năng lượng của Biển Đông, khu vực có lưu lượng giao thương trị giá hơn 5 nghìn tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó vùng biển này cũng được Philippines, Brunei, Việt Nam, Malaysia cùng tuyên bố chủ quyền.

Mỹ đã vận hành máy bay trinh sát P8 trên không phận Nhật Bản và Philippines, và đã tiến hành các chuyến bay giám sát từ Malaysia, nước láng giềng với Singapore.

Báo New York Times cho biết, việc triển khai máy bay trinh sát trong một tuần tại Singapore, bắt đầu từ thứ Hai 7/12, là kết quả của cuộc gặp gỡ trao đổi của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter với người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen ở Washington và 2 bên đã ký một thỏa thuận mới nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc phòng.

Trong một tuyên bố chung, hai bộ trưởng cho biết, việc triển khai máy bay trinh sát sẽ thúc đẩy hợp tác giữa quân đội các nước trong khu vực trong các cuộc tập trận chung, và cùng hỗ trợ nhau trong cứu trợ thiên tai và an ninh hàng hải.

New York Time dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết, việc Mỹ triển khai các máy bay trinh sát Poseidon tại Singapore ​​sẽ trở thành hoạt động thường xuyên, khoảng 3 tháng một lần.

Mỹ và Singapore có quan hệ hợp tác quốc phòng thường xuyên và lâu dài. Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đã từng điều máy bay trinh sát Poseidon từ Nhật Bản và Philippines, hai đồng minh lâu năm của Mỹ.

Việc triển khai máy bay tỉnh sát P8 Poseidon tới Singapore là một phần trong chiến lược tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở trong và xung quanh khu vực Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang gia tăng nhanh chóng các bước đi nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết vùng biển giàu tài nguyên và là cửa ngõ giao thương quan trọng này.

Hoạt động quân sự của Mỹ như vậy khiến Trung Quốc tức giận, coi đó như là nỗ lực để kiềm chế nước này. Quan hệ Mỹ và Trung Quốc trong năm nay leo thang căng thẳng về việc Trung Quốc xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo ở Biển Đông với quy mô lớn. Mỹ và một số nước khác đã kêu gọi Bắc Kinh phải chấm dứt xây dựng và quân sự hóa trong khu vực, một vùng biển quan trọng đối với giao thương hàng hải quốc tế./.

Bích Đào/VOV.VN

Chia sẻ bài viết