Tiếng Việt | English

30/01/2017 - 05:53

Năm Dậu bàn chuyện cúng gà mùng ba

Trong các lễ tục cúng bái ngày Tết Cổ truyền của người Việt đều rất đậm đà bản sắc dân tộc, những tìm hiểu về ngày, giờ, lễ vật, nghi thức, ý nghĩa của các lễ tục ấy rất cặn kẽ, phong phú,... Duy chỉ có việc “cúng gà ra mắt mùng ba” thì còn những lý giải khác nhau; tuy vậy, chung quy nó vẫn mang đậm dấu ấn văn hóa tâm linh của người Việt, thể hiện đạo lý căn bản của một dân tộc có bề dày truyền thống “Uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ người trồng cây”.

Sáng mùng ba tết, khi trời hãy còn mờ mờ chưa kịp sáng, đầu trên xóm dưới, gà còn gáy hiệp chót thì cả nhà đều thức dậy, mỗi người mỗi việc, dọn dẹp, quét tước nhà cửa, nổi lửa làm gà, bày biện nhang đèn, bông hoa, lễ vật để chuẩn bị “cúng mùng ba”.

Minh họa: Kiều Oanh

Từ trước tết, phải tính toán, chuẩn bị kỹ càng: Gà được cúng phải là gà giò (gà trống tơ, khoảng 1kg trở lại), phải đẹp về hình thức, màu sắc (mào gà, lông gà), đặc biệt, cặp chân gà phải chỉn chu, không thẹo vết, không dư ngón, không dị tật,...

Làm gà xong thì chéo cánh lên trên mình gà (cách này hiện nay nhiều người không làm được mà để cánh gà bình thường, trông không đẹp), đầu gà được kẹp bởi hai cánh gà và ngóc lên, há miệng, trông rất hay.
Cả thân và bộ đồ lòng gà được thả vào nồi cháo để luộc, phải trở bề cho gà chín đều. Riêng cặp chân gà thì cắt ra trong lúc nhổ lông. Ðến khi nước sôi, hạt gạo nở búp thì cho cặp chân gà vào, khi thấy những đường gân (máu) chân gà nổi lên thì vớt ra. Luộc chân gà sao cho vừa chín tới, không bị nứt nẻ, bong tróc,... thì mới đẹp. Cặp chân gà là yếu tố quyết định cho việc “cúng gà mùng ba”. Người ta căn cứ vào cặp chân gà để tiên đoán thời vận cả năm cho gia chủ,...

Lễ vật cho việc cúng này cũng hết sức đơn giản: Bình cắm nhang (khi cúng, đốt 3 cây nhang), 2 cây đèn cầy, dĩa gạo muối, dĩa trái cây, bình bông, 6 chén cháo, 1 tô cháo lớn, con gà luộc được chéo cánh, 3 chung rượu, 3 chung nước mát, muỗng, chén, đũa,... Rót rượu cúng 3 lần, khi nhang sắp tàn thì đổ 3 chung nước và rót vào đó 3 chung trà, xong hất dĩa gạo muối ra đường, đốt giấy tiền vàng bạc,...

Về giờ cúng, trong dân gian thường chọn sao cho khi cúng xong mà mặt trời chưa mọc là tốt nhất, đúng nhất (vậy là khoảng từ 4 đến 5 giờ sáng). Đặt bàn để cúng ở giữa sân hoặc ở cửa ra vào (không được đặt trong nhà), quay về hướng mặt trời mọc (hướng Đông).

Cúng mùng ba là cúng ai? Vái như thế nào? Cho đến bây giờ, dân gian vẫn truyền miệng: “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Theo một số tài liệu cũ thì người xưa cho rằng: Mùng ba là “cúng ra mắt”; có tài liệu chép: Mùng ba cúng “tiên sư, tổ sư”; cũng có sách ghi: Cúng mùng ba là cúng “hành khiển, hành binh”,... Đến nay, dân gian trong lúc cúng thì có cả 3 nội dung này.

Vì vậy, trong câu khấn vái để cúng mùng ba, người ta thấy có sự dung hợp, đan xen, hòa đồng: “Nam mô! Hành khiển, hành binh, tiên sư, tổ sư, đất đai viên trạch, thành hoàng bổn cảnh, siêu mồ lạc mả, cát đản âm nhơn về đây chứng giám độ trì cho gia đình chúng con là... tuổi... hiện ở... được bình yên, tai qua nạn khỏi, thuận buồm xuôi gió, thời vận hanh thông, mua may bán đắt, sức khỏe dồi dào, con cháu chăm ngoan, cả nhà hạnh phúc...”.

Ra mắt? Cúng xong, ai làm ngành nghề gì thì khởi động nghề nghiệp của mình trong chốc lát với ý nghĩa là để ngành nghề của mình ăn tết với mọi người.

Tiên sư, tổ sư? Cúng để tưởng nhớ những người khai sáng nên ngành nghề mà mình đang làm, đang được thăng tiến. Cúng để tưởng nhớ ông thầy đầu tiên dạy mình, dù là dạy chữ hay dạy nghề,... Đó chính là đạo lý “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc.

Hành khiển? Người thay mặt Ngọc hoàng trông coi trần gian năm đó. Hành binh? Người cầm quân, chỉ huy tiêu trừ ma quỷ quấy phá dân gian,...

“Đất đai viên trạch”? Dân gian hiểu: Đất đai, vườn tược được tốt tươi đến giờ là nhờ trải qua nhiều đời, nhiều thế hệ chăm sóc, đó là những người đi trước (tiền nhân) nên người sau (hậu thế) phải tưởng nhớ, trân trọng, ghi ơn. Còn những nội dung khác trong lời khấn thì đã rõ, không phải giải thích thêm.

Năm nay, Đinh Dậu, năm con gà, lại cúng gà mùng ba, cầu mong thuận hòa, nhà nhà ấm no, hạnh phúc, nghề nào, nghiệp nào cũng ăn nên làm ra, phát tài, phát đạt, dân giàu, nước mạnh.

Điều cốt lõi trong “cúng gà mùng ba” này, đó là việc xem chân gà. Có nhiều cách luận bàn, dưới đây là những kinh nghiệm dân gian: Chân gà có sắc hồng, vàng ánh thì giàu có, trọn bộ bàn chân gà đầy đặn, khít khao, không có khe hở thì làm ăn phát đạt, không bị hao hụt, thất thoát. Các ngón chân gà chụm lại, bên trong như có cái hang, ấy là tiền vô và giữ lại được.

Còn ngược lại với hình thức nêu trên là không tốt, ví như: Chân gà màu xám, làm ăn thất bại, sức khỏe không tốt, gặp hoạn nạn. Bàn chân gà mà các ngón rời rạc thì tiền vô cách mấy cũng ra hết, không giữ được. Các ngón chân gà đâm vào khe hở là gặp tai bay họa gió, lụy phiền,... Dân gian cho rằng, chân gà bên phải là tài (vật chất, tiền bạc), còn chân bên trái là mệnh (sức khỏe, thời vận).

Từ rất lâu, dân gian rất xem trọng việc “cúng gà mùng ba”. Người ta cho rằng:

Cúng gà ra mắt nghiêm trang
Luộc gà kỹ lưỡng, phải càng thêm tinh
Có kiêng ắt có thần linh
Cầu ông hành khiển, hành binh độ trì
Cho mình gặp hội khả thi
Mỗi chu niên trọn chu kỳ bình an
Mùng ba tết tới bước sang
Lại cúng ra mắt huy hoàng hơn xưa

Năm nay, Đinh Dậu, năm con gà, lại cúng gà mùng ba, cầu mong thuận hòa, nhà nhà ấm no, hạnh phúc, nghề nào, nghiệp nào cũng ăn nên làm ra, phát tài, phát đạt, dân giàu, nước mạnh. Kỳ vọng!
Kỳ vọng!

Thống Nhất

Chia sẻ bài viết