Tiếng Việt | English

17/12/2020 - 10:00

Nam giới điểm mười

Dù là một giám đốc, chủ doanh nghiệp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị hay một nông dân “chân lấm, tay bùn” thì để đạt Nam giới điểm 10, các anh đều phải thủy chung chồng vợ, giúp đỡ vợ cùng tiến bộ, hỗ trợ các chị em trong cơ quan, đơn vị...

Lúc nào gia đình thầy Hồ Văn Kín (giáo viên Trường THPT Tân Trụ, huyện Tân Trụ) và cô Phạm Thị Ngọc Nữ (Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Lạc Tấn, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) cũng tràn ngập yêu thương và tiếng cười.  Ảnh: Lê Ngọc

Người đàn ông mẫu mực

Khi hỏi về một nam giới điểm 10 được biểu dương, khen thưởng cấp tỉnh lần thứ 11 năm 2020, lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cần Đước không suy nghĩ lâu mà giới thiệu ngay Bí thư Đảng ủy xã Long Khê - Nguyễn Thanh Oai. Ông Oai được nhiều người khen ngợi bởi nấu ăn giỏi, cưng chiều vợ con, hiền lành,...

Theo ông Nguyễn Thanh Oai, người đàn ông chuẩn mực ngoài chăm lo kinh tế gia đình, sống và làm việc vì vợ, con, không rượu chè bê tha và không bị cám dỗ bởi những thứ khác ngoài xã hội

Người đàn ông mẫu mực ngoài chăm lo kinh tế gia đình, sống và làm việc vì vợ, con, không rượu chè bê tha và không bị cám dỗ bởi những thứ khác ngoài xã hội thì khi về nhà còn phải biết chia sẻ, phụ giúp gia đình”.

Ông Nguyễn Thanh Oai, Bí thư Đảng ủy xã Long Khê, huyện Cần Đước

Nhà ông Oai ở ấp 1A, xã Tân Trạch. Đó là căn nhà cấp 4 với khuôn viên trồng nhiều cây kiểng tạo nên một không gian xanh mát, trong lành và ấm cúng. Nghe có người gọi, người đàn ông trên tuổi 50 còn đang mang tạp dề nấu ăn vội vã bước ra và mời chúng tôi vào nhà. “Tôi đang nấu ăn để chút nữa bà xã và con gái về ăn cơm chung cho vui. Ở gia đình tôi không có phân biệt công việc nào của chồng hay vợ mà ai về trước thì đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc cây kiểng,...” - ông Oai trải lòng.

Ngồi trò chuyện cùng mới biết, ông Oai có những quan điểm, suy nghĩ mà không phải người đàn ông nào cũng có. Theo ông, người đàn ông mẫu mực ngoài chăm lo kinh tế gia đình, sống và làm việc vì vợ, con, không rượu chè bê tha và không bị cám dỗ bởi những thứ khác ngoài xã hội thì khi về nhà còn phải biết chia sẻ, phụ giúp gia đình. Còn những người đàn ông hay quát mắng, đánh đập vợ, không biết quan tâm và chia sẻ thì dễ đánh mất hạnh phúc gia đình.

Đang trò chuyện thì vợ ông Oai - bà Trần Thị Bảy về đến. Nhìn vẻ bề ngoài tươi trẻ, ít ai biết rằng bà Bảy đã ngoài 50 tuổi. Bà Bảy vừa ngồi xuống, ông Oai liền rót một ly nước cho vợ. “Ông xã tôi rất thương vợ con, thường động viên vợ chăm sóc sức khỏe, đi du lịch để thoải mái tinh thần. Bữa nào bận công tác hay tiếp khách, ông đều gọi điện thoại bảo vợ con ăn cơm trước, không phải chờ đợi. Mỗi buổi sáng, ông đều thức dậy sớm quét nhà, nấu cơm để cả nhà cùng ăn, sau đó đi làm. Nếu có thang điểm 100, tôi cũng chấm chồng mình đạt điểm tối đa chứ đừng nói điểm 10”.

Cùng nhau tiến bộ

Gia đình thầy Hồ Văn Kín (giáo viên Trường THPT Tân Trụ, huyện Tân Trụ) và cô Phạm Thị Ngọc Nữ (Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Lạc Tấn, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) có 3 thế hệ cùng chung sống. Thầy Kín tự hào nói: “Ông bà ta thường nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Thế nhưng, xã hội phát triển, vai trò, vị trí của người phụ nữ đã được khẳng định thì phụ nữ cũng có thể “xây nhà”, còn đàn ông cũng có thể xây “tổ ấm”. Với quan điểm này, tôi luôn tạo điều kiện cho vợ học tập nâng cao trình độ chuyên môn, còn bản thân lo chu tất việc chăm sóc cha mẹ, con cái trong gia đình để vợ an tâm học tập, làm việc. Nhìn thấy vợ đạt được nhiều thành tích trong công tác chuyên môn, tôi vui lắm!”.

Lúc nào gia đình thầy Hồ Văn Kín cũng tràn ngập yêu thương và tiếng cười

Ông bà ta thường nói: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Thế nhưng, xã hội phát triển, vai trò, vị trí của người phụ nữ đã được khẳng định thì phụ nữ cũng có thể “xây nhà”, còn đàn ông cũng có thể xây “tổ ấm”.

Thầy Hồ Văn Kín, giáo viên Trường THPT Tân Trụ, huyện Tân Trụ

Vợ chồng thầy Kín sinh được 2 người con gái. Điều này từng khiến cha mẹ thầy không vui vì muốn có cháu trai để “nối dõi tông đường”. Trước hoàn cảnh này, thầy nhẹ nhàng giải thích cho cha mẹ hiểu, bởi trai hay gái cũng là con cháu, miễn hiếu thảo là được.

Biết vợ con thích văn nghệ, thầy học hát, đóng kịch để mang lại niềm vui cho gia đình. Gia đình thầy không chỉ là “cây văn nghệ” của địa phương mà còn đại diện cho huyện, tỉnh tham gia các cuộc thi.

Cô Ngọc Nữ (vợ thầy Kín) chia sẻ: “Chồng tôi tâm lý lắm, vợ con thích gì đều chiều ý. Còn việc chăm sóc các thành viên trong gia đình thì khỏi phải nói, lúc nào anh cũng là số 1, làm tốt hơn cả tôi. Vì vậy mà các con mến cha hơn mẹ, nhiều lúc tôi còn cảm thấy “ganh tỵ””. Để chuẩn bị thi Ngày hội Gia đình tiêu biểu các tỉnh, thành phố miền Tây Nam bộ lần thứ 2, năm 2020, thầy viết kịch bản, chuẩn bị đạo cụ, lo việc nhà chu toàn để cô có thời gian tập luyện. “Mẹ con tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi có người chồng, người cha hết lòng thương yêu, chia sẻ trong mọi việc, mọi hoàn cảnh” - cô Ngọc Nữ nói.

Hậu phương vững chắc

Ngược về vùng Đồng Tháp Mười, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lê Trọng Hữu, ngụ xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa. Theo lời giới thiệu của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, anh Hữu là 1 trong 3 điển hình tiêu biểu được biểu dương, khen thưởng Nam giới điểm 10 cấp tỉnh lần thứ 11 năm 2020.

Anh Lê Trọng Hữu là nam giới điểm 10 tiêu biểu của huyện

Thang điểm của mô hình Nam giới điểm 10 là phải biết quan tâm chị em phụ nữ trong cơ quan, thủy chung chồng vợ, chia sẻ công việc gia đình cùng vợ,... Tuy nhiên, không phải vì để đạt Nam giới điểm 10 mới thực hiện mà những tiêu chí này tôi làm thường xuyên”.

Anh Lê Trọng Hữu, ngụ xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa

Anh Hữu bộc bạch: “Thang điểm của mô hình Nam giới điểm 10 là phải biết quan tâm chị em phụ nữ trong cơ quan, thủy chung chồng vợ, chia sẻ công việc gia đình cùng vợ,... Tuy nhiên, không phải vì để đạt Nam giới điểm 10 mới thực hiện mà những tiêu chí này tôi làm thường xuyên”.

Khi đến nhà anh Hữu, chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm, lo lắng của anh dành cho gia đình như lời anh chia sẻ. Nhìn đứa con gái vừa tròn thôi nôi cứ quấn lấy anh, được anh cho ăn, ru ngủ càng khẳng định, anh Hữu là người chồng, người cha tuyệt vời, biết quan tâm, chăm sóc gia đình.

Vợ anh Hữu chia sẻ: “Khi bé mới tập ăn, chồng tôi nấu cháo mỗi buổi sáng, sau đó đưa đứa con gái lớn đi học. Tôi dạy lớp 1, chương trình sách giáo khoa mới khá áp lực, hiểu được điều này, chồng trở thành hậu phương vững chắc lo cho gia đình để tôi có điều kiện, thời gian tập trung cho công việc”.

Mô hình Nam giới điểm 10 ở tỉnh đã góp phần xóa bỏ quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” hay phụ nữ phải làm việc gia đình, chăm sóc chồng con. Mô hình cũng mang đến những thay đổi tích cực trong cách làm, cách nghĩ của các “đấng mày râu”, từ đó giúp phụ nữ có điều kiện phát triển bình đẳng, khẳng định được vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết