Tiếng Việt | English

06/09/2021 - 11:24

Năm học 2021-2022: Nhiều kế hoạch dạy học ứng phó với tình hình dịch bệnh

Năm học 2021-2022 sắp bắt đầu, tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Để tìm hiểu thêm về kế hoạch năm học mới trong tình hình dịch bệnh, phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) - Nguyễn Thanh Tiệp.

PV: Thưa ông, công tác chuẩn bị cho năm học mới của tỉnh đang diễn ra như thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Tiệp: Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, căn cứ vào khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định quy định về kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, học sinh (HS) các cấp sẽ tập trung vào ngày 17/9/2021, tổ chức lễ khai giảng năm học vào ngày 18/9/2021 và chính thức đi vào giảng dạy từ 20/9/2021. Riêng Trường THPT Chuyên Long An sẽ tổ chức dạy học trực tuyến cho HS lớp 11 và 12 kể từ ngày 06/9/2021 theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT. Đối với việc tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022, tỉnh thực hiện bằng phương thức xét tuyển.

Sở GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng GD&ĐT, các trường học, cơ sở giáo dục căn cứ vào tình hình cụ thể để có sự chuẩn bị chu đáo cho ngày khai giảng và xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 phù hợp với yêu cầu chung và thực tiễn của địa phương trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Năm học 2021-2022 sẽ có nhiều kế hoạch dạy học ứng phó với tình hình dịch bệnh

PV: Xin ông cho biết, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, ngành Giáo dục tỉnh có những kế hoạch nào cho năm học mới?

Ông Nguyễn Thanh Tiệp: Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường, không cho phép chúng ta được chủ quan, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch dạy học ứng phó với dịch bệnh, chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các trường học thực hiện các hình thức dạy và học phù hợp như học trực tuyến qua Internet, qua truyền hình, kết hợp học trực tuyến với học trực tiếp,... một cách chủ động, linh hoạt, phù hợp với từng đơn vị, phù hợp với tâm sinh lý và điều kiện, phương tiện học tập hiện có của HS để các em theo học và đạt kết quả.

Đối với cấp mầm non: Không tổ chức dạy trực tuyến; nếu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg thì sẽ ưu tiên cho HS mẫu giáo 5-6 tuổi học với hình thức chia nhỏ lớp; nếu thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg sẽ tạm dừng đến trường toàn bộ. Trong thời gian HS mầm non không được đến trường, nhà trường sẽ chọn những nội dung cốt lõi, phù hợp để hướng dẫn, hỗ trợ cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ ở nhà thông qua các kênh phù hợp như trang web của trường hoặc thành lập nhóm trên Zalo, Viber, Facebook,...

Đối với cấp tiểu học: Nếu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg thì sẽ ưu tiên cho HS lớp 1, lớp 2 và lớp 5 đến trường để học với hình thức chia nhỏ lớp, các khối khác tiếp tục học trực tuyến; nếu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg sẽ tạm dừng đến trường, tổ chức dạy học trực tuyến cho toàn bộ HS. Riêng lớp 1, lớp 2, ngoài giảng dạy trực tuyến, giáo viên xây dựng các đoạn phim bài giảng gửi cho phụ huynh để phụ huynh tương tác, hướng dẫn HS.

Đối với cấp THCS và THPT: Các địa phương thuộc “vùng xanh”, các cơ sở giáo dục tổ chức cho HS học tập trực tiếp nhưng bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19; nếu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg, các đơn vị tổ chức cho HS học tập trực tiếp với môn học, số lượng HS/lớp phù hợp kết hợp linh hoạt với học trực tuyến. Đối với địa phương được đánh giá mức độ nguy cơ cao và rất cao, thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, các đơn vị tổ chức cho HS học tập trực trực tuyến 100% ở tất cả môn học.

PV: Những thuận lợi và khó khăn trong thực hiện các kế hoạch dạy học là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Tiệp: Việc tổ chức học trực tuyến trên Internet, học thông qua truyền hình trước hết bảo đảm thực hiện thông điệp “5K” theo khuyến nghị của ngành Y tế, phù hợp với HS cấp THPT. Bên cạnh đó, tổ chức dạy và học trực tuyến cũng còn gặp khá nhiều khó khăn, bởi:

Thứ nhất, nhiều gia đình HS không có các trang thiết bị như máy tính kết nối mạng, điện thoại thông minh,... để con em có thể tham gia học tập trên Internet.

Thứ hai, đối với cấp tiểu học và THCS, các em còn nhỏ, phụ huynh không an tâm để HS có thể tự học mà không có sự quản lý, giám sát của người lớn.

Thứ ba, kết quả học tập trên Internet, thông qua truyền hình phần lớn là do ý thức tự giác, tích cực của các em. Giáo viên và nhà trường gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý, theo dõi việc học của HS.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với trách nhiệm của mình, ngành Giáo dục vẫn xác định phải tổ chức nhiều hình thức dạy và học trong tình hình dịch bệnh để HS được tham gia học tập.

PV: Đối với HS theo cha mẹ về quê ở tỉnh khác, ngành Giáo dục Long An có những phương án nào để các em đến trường đúng thời gian quy định, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Tiệp: Nhằm kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ HS trong thời điểm đầu năm học mới và bảo đảm quyền lợi học tập cho các em, Sở GD&ĐT sẽ triển khai, thực hiện Công văn số 3508 của Bộ GD&ĐT về việc tiếp nhận, tạo điều kiện cho HS học tập tại nơi cư trú do dịch Covid-19. Do tình hình phức tạp của dịch bệnh, nếu các em HS theo cha mẹ về quê (ngoài tỉnh), đến thời điểm bắt đầu năm học mới mà chưa thể quay lại Long An để học tập, Sở GD&ĐT sẽ chỉ đạo các trường bằng nhiều biện pháp liên hệ với phụ huynh và tạo điều kiện để các em được theo học ở trường tại địa phương cư trú. Thông qua môi trường Internet (email, hệ thống quản lý văn bản điện tử,...) để xác nhận kết quả học tập, rèn luyện của HS năm học trước, làm cơ sở cho việc xếp lớp trong năm học mới ở trường học nơi cư trú. Sau khi kiểm soát được dịch bệnh sẽ hoàn tất hồ sơ, thủ tục chuyển trường theo quy định.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ngọc Thạch (thực hiện)

Chia sẻ bài viết