Tiếng Việt | English

03/02/2021 - 13:15

Nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp

Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) 2 cấp trong tỉnh Long An đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.

Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp trong tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp  Nhiều kết quả nổi bật

Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp trong tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp

Nhiều kết quả nổi bật

Thông tin từ VKSND tỉnh, năm 2020, tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Cơ quan điều tra khởi tố 1.308 vụ/1.924 bị can, tăng 213 vụ/374 bị can so với năm 2019 và tăng 19,45%. Đáng lưu ý là các tội như trộm cắp tài sản, tội đánh bạc, tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn xảy ra tại các huyện biên giới. Đặc biệt, tội phạm ma túy có mức tăng cao và tăng 84 vụ so với năm 2019. Cùng với đó là các tội về làm, vận chuyển và lưu hành tiền giả, giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán; vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị địa phương, trật tự xã hội và đời sống nhân dân. Qua phân tích số liệu tội phạm, số bị cáo có tiền án tiếp tục phạm tội lên đến 117 bị cáo, chiếm 8,05% số bị cáo đã xét xử sơ thẩm.

Mặc dù, tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, tuy nhiên, theo Phó Viện trưởng VKSND tỉnh - Nguyễn Công Pha, năm 2020, VKSND 2 cấp trong tỉnh đã triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp, xác định nhiệm vụ đột phá trong từng khâu công tác nhằm thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, qua đó, thực hiện đạt và vượt hầu hết chỉ tiêu nghiệp vụ. Năm 2020, Viện KSND 2 cấp trong tỉnh đã kiểm sát thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận giải quyết 1.792/1.979 tin báo tội phạm, đạt 90,55%; thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự đối với 1.632 vụ/2.353 bị can; thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố đối với 1.069 vụ/1.832 bị can, đạt 98,7%; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử 956 vụ/1.625 bị cáo trong các vụ án hình sự sơ thẩm đạt 86,44% và 190 vụ/297 bị cáo trong các vụ án hình sự phúc thẩm, đạt 90,25%.

Ngoài ra, VKSND 2 cấp còn thực hiện tốt công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, dân sự, án hành chính và kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và công tác giải quyết, kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Phó Viện trưởng VKSND tỉnh - Nguyễn Công Pha cho biết, qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, Viện Kiểm sát đã ban hành 25 kiến nghị khắc phục vi phạm và 5 kiến nghị phòng ngừa tội phạm; ban hành 17 kiến nghị khắc phục vi phạm trong hoạt động điều tra, 15 kiến nghị phòng ngừa tội phạm, các phòng nghiệp vụ ban hành 11 thông báo rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự. Đồng thời, thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự, VKSND 2 cấp đã ban hành 17 kiến nghị tòa án khắc phục vi phạm, 2 kiến nghị phòng ngừa tội phạm, kháng nghị phúc thẩm 14 vụ/28 bị cáo, báo cáo đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm 10 vụ/35 bị cáo; Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự, VKSND tỉnh ban hành 10 thông báo rút kinh nghiệm nghiệp vụ.

Bên cạnh những kết quả nổi bật, theo đánh giá của VKSND tỉnh, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự của 2 cấp vẫn còn những tồn tại như tỷ lệ án trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tuy có giảm so với năm 2019 nhưng vẫn còn cao, chiếm 4,92%; công tác kiểm sát bản án còn hạn chế khi còn bản án vi phạm pháp luật nhưng chưa được phát hiện, bị cấp trên kháng nghị phúc thẩm, thông báo rút kinh nghiệm, kiến nghị; một số địa phương vẫn còn để án bị cải sửa, hủy án và án có vi phạm bị rút kinh nghiệm do lỗi của kiểm sát viên,…

Nâng cao công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp

Thông tin từ VKSND tỉnh, qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ hiện nay, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp vẫn còn những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả công việc. Đơn cử như quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, cơ quan điều tra khi khởi tố vụ án phải ghi rõ điều, khoản của tội danh nhưng trên thực tế thực hiện có một số tội danh chưa thể xác định khoản ngay từ đầu mà phải qua điều tra mới xác định được khoản của tội danh, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình kiểm sát điều tra vụ án. Tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: “Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt”. Tuy nhiên, nếu trường hợp người bị bắt yêu cầu phải có người bào chữa tham gia trong quá trình lấy lời khai ban đầu nhưng luật định chỉ cho phép tối đa 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do sẽ trở thành khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng khi vừa thực hiện chức năng, nhiệm vụ, vừa phải bảo đảm quyền được bào chữa của người bị bắt. Đặc biệt, trong các trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa như trường hợp người bị nghi ngờ phạm tội có khung hình phạt cao nhất là tử hình, người bị bắt là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, khi đó, cơ quan tiến hành tố tụng vừa phải xác định tội danh, ra quyết định trưng cầu giám định hoặc thu thập tài liệu, xác minh độ tuổi để làm căn cứ, vừa phải lấy lời khai và ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do. Điều này sẽ khiến cơ quan tiến hành tố tụng không đủ thời gian để cử người bào chữa cho người bị bắt. Đồng thời, thực tiễn trong một số vụ việc liên quan đến rao bán lô nền của các dự án đất đai, luật quy định còn chồng chéo dẫn đến khó xác định là mối quan hệ tranh chấp dân sự hay tội phạm hình sự, việc tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án dù trái quy định nhưng lại phù hợp trong Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự,…

Trước những khó khăn, vướng mắc còn gặp phải, để nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh - Nguyễn Công Pha kiến nghị VKSND Tối cao cần thống nhất quan điểm trong công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho các địa phương, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cũng như việc tổng kết, thông báo rút kinh nghiệm và có hướng dẫn kịp thời những quy định chưa rõ, nhận thức chưa thống nhất trong việc áp dụng pháp luật trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự và những bất cập, vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật vào thực tiễn. Đồng thời, ông cho rằng, mỗi kiểm sát viên trước hết phải tự nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ kiểm sát nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp./.

Thụy Anh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích