Tiếng Việt | English

06/05/2019 - 10:58

Nâng cao chỉ số PAPI - Cần sự chung tay của người dân

Theo kết quả xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018 vừa được công bố, Long An đạt 43,58/80 điểm, thuộc nhóm thứ 3 đạt điểm trung bình thấp. Ðiều này cho thấy, địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong thực hiện cải cách hành chính, phát huy sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng, thực thi và giám sát việc thực thi chính sách,...

Chỉ số PAPI chưa ổn định

Theo báo cáo của Sở Nội vụ, năm 2018, tỉnh có 5 chỉ số thành phần nội dung tăng điểm so với năm 2017: Trí thức công dân về tham gia bầu cử tăng 0,13 điểm; chất lượng bầu cử và tham gia bầu cử tăng 0,28%; quyết tâm phòng, chống tham nhũng tăng 0,14 điểm; dịch vụ cấp phép xây dựng tăng 0,04% và cơ sở hạ tầng căn bản tăng 0,17% điểm. Đạt kết quả này, thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là các cơ chế, chính sách của hệ thống chính trị được công khai, minh bạch để dân biết, dân bàn và quyết định. 

Tuy nhiên, căn cứ vào bảng xếp hạng của cả nước, chỉ số PAPI hàng năm của tỉnh chưa thật sự ổn định, thiếu tính bền vững trong từng chỉ số thành phần. Nếu như năm 2017, chỉ số PAPI của tỉnh đạt 38,30/80 điểm, xếp hạng 11 thì năm 2018, chỉ số PAPI của tỉnh đạt 43,58/80 điểm, đứng hàng thứ 35/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, giảm 24 bậc so với năm 2017. Điều đáng nói, năm 2018, tỉnh có 15/21 chỉ số nội dung được đánh giá giảm từ 0,02-0,69 điểm so với năm 2017. 

Nâng cao hiệu quả hoạt động trung tâm hành chính công góp phần cải thiện chỉ số PAPI của tỉnh

Theo Giám đốc Sở Nội vụ - Nguyễn Văn Bon, nguyên nhân dẫn đến tỉnh tụt hạng là do sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện khảo sát người dân và công tác cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI nhằm phục vụ người dân chưa được triển khai đồng bộ. Trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ giữa các bên chưa thật sự rõ ràng, giao việc còn chồng chéo. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chỉ số PAPI trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các cấp chính quyền, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và người dân còn hạn chế.

Một trong những “điểm trừ” khiến tỉnh bị tụt hạng là 3/4 chỉ số nội dung thành phần thuộc thủ tục hành chính công năm 2018 giảm hơn so với năm 2017: Dịch vụ chứng thực, xác thực của chính quyền  cơ sở giảm 0,02 điểm; dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm 0,07 điểm và dịch vụ hành chính công cấp xã giảm 0,08 điểm. Điều này ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính trên nhiều lĩnh vực cần thiết cho đời sống người dân.

Ông Võ Xuân Đại, ngụ ấp 6, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, bức xúc vì hồ sơ của mình nộp gần 2,5 tháng vẫn chưa được địa phương giải quyết. “Nhà bị mất sổ hộ khẩu, tôi có đến Công an xã trình báo và xin cấp lại quyển sổ mới. Tôi được cán bộ hướng dẫn làm đơn cớ mất và tờ khai theo mẫu cũng như mọi thủ tục để được cấp lại sổ. Tuy nhiên, đến ngày hẹn, tôi lên nhận thì cán bộ nơi đây tiếp tục yêu cầu phải bổ sung hồ sơ, nếu không sẽ không được giải quyết. Tôi chưa thật sự hài lòng về dịch vụ chứng thực, xác thực của chính quyền địa phương” - ông Đại bày tỏ.

Tiếp tục cải thiện và nâng chỉ số PAPI

Theo ông Nguyễn Văn Bon, nhằm cải thiện và nâng cao chỉ số PAPI năm 2019, tỉnh xây dựng nhiều nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân tham gia vào quá trình ra quyết định của địa phương. Đồng thời, các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, xã cần tăng cường theo dõi, kiểm tra, đôn đốc hoạt động của chính quyền cơ sở, chủ động tiếp thu, phản hồi ý kiến của công dân; xây dựng và thực hiện quy trình ban hành, thực thi chính sách có sự tham gia đầy đủ, mở rộng của mọi tầng lớp nhân dân. 

Bí thư Đảng ủy xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường - Lâm Tấn Đạt chia sẻ: “Trước khi ban hành các kế hoạch phát triển KT-XH, xây dựng kết cấu hạ tầng,... Đảng ủy, chính quyền cần thực hiện công tác mở rộng dân chủ để người dân tham gia bàn bạc và quyết định trực tiếp về chủ trương, mức đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng. Qua đó, ý thức làm chủ của họ được thể hiện tốt hơn, tích cực tham gia vào các phong trào, phần việc của địa phương xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới”. 

“Năm 2019, các sở, ban, ngành tỉnh, chính quyền địa phương các cấp cần tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với phát huy quyền làm chủ của người dân bằng các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động trung tâm hành chính công, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giải quyết thủ tục hành chính, mặt khác, cán bộ, công chức, viên chức được đặt mình trong sự giám sát của người dân, hướng đến xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ” - Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần nhấn mạnh.

Chỉ số PAPI là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Vì vậy, việc phát huy vai trò giám sát của người dân ở cơ sở cần được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo triển khai, góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn./.

Sông Măng

Chia sẻ bài viết